Kiến thức Tài chính kế toán Dự án Luật Hải quan (sửa đổi): Cơ sở để nâng cao...

Dự án Luật Hải quan (sửa đổi): Cơ sở để nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan

28
Để có đầy đủ cơ sở pháp lý nhằm tăng cường hoạt động Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã quy định rõ về KTSTQ và phân cấp trách nhiệm thực hiện KTSTQ của cơ quan Hải quan. Trong đó tập trung vào một số nội dung về: Địa điểm KTSTQ, thời hạn KTSTQ; các trường hợp KTSTQ, thẩm quyền quyết định KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan… Những quy định này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Bình Dương. Nguồn: baohaiquan.vn
Trước những quy định về KTSTQ tại dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), một số Đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định về KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan để bảo đảm thuận lợi cho DN, tránh việc DN phải mang các hồ sơ, chứng từ, tài liệu, sổ sách đến cơ quan Hải quan kiểm tra. Theo đó, việc KTSTQ sẽ được tiến hành chủ yếu tại trụ sở người khai hải quan.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc quy định KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan trong 60 ngày kể từ ngày thông quan là không khả thi, không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 76 là “Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan” và không phù hợp với Luật Quản lý thuế. Hơn nữa, việc giao thẩm quyền quyết định KTSTQ cho nhiều chủ thể khác nhau mà không phân định rõ thẩm quyền đó được giao trong trường hợp nào dễ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp, không rõ trách nhiệm.
Xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý hải quan: Thông quan chủ yếu trên cơ sở người khai hải quan tự khai và tự chịu trách nhiệm trong việc khai báo của mình, việc thông quan chủ yếu thực hiện bằng phương thức điện tử, đáp ứng yêu cầu thông quan nhanh chóng. Do vậy, dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã quy định đầy đủ cơ sở pháp lý để tăng cường hoạt động kiểm tra này. Cụ thể, tại Điều 77 dự thảo Luật đã quy định rõ các trường hợp cần phải KTSTQ, tại Điều 78 và 79 dự thảo Luật cũng quy định rất rõ ràng, cụ thể, chi tiết quy trình KTSTQ, trách nhiệm của người khai hải quan cũng như CBCC Hải quan trong thực hiện KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan và trụ sở người khai hải quan.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Điều 78 dự thảo Luật quy định về việc KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan đã bổ sung thêm Chi cục trưởng Chi cục Hải quan trong thẩm quyền ban hành quyết định KTSTQ gửi người khai hải quan. Cùng với đó, bổ sung thêm quy định: “2. Thời gian kiểm tra tối đa là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chứng từ, nội dung giải trình của người khai hải quan. Trong thời gian kiểm tra, người khai hải quan có quyền giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến hồ sơ hải quan”.
“3. việc xử lý kết quả được quy định như sau:
a, trường hợp thông tin, chứng từ, tài liệu được cung cấp và nội dung đã giải trình chứng minh nội dung khai hải quan là đúng thì hồ sơ hải quan được chấp nhận;
b, trường hợp không chứng minh được nội dung khai hải quan là đúng hoặc người khai hải quan không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu, không giải trình theo yêu cầu kiểm tra thì cơ quan Hải quan quyết định xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Đối với quy định về KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan (Điều 79), bên cạnh Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, có bổ sung thêm Cục trưởng Cục KTSTQ trong việc ra quyết định KTSTQ trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời, tại điều này cũng bổ sung thêm nội dung: “Việc kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan thực hiện theo kế hoạch KTSTQ hàng năm do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành”
Có thể thấy, quy định như trên đã phân định rõ thẩm quyền đó được giao trong trường hợp KTSTQ, tránh chồng chéo, trùng lặp, không rõ trách nhiệm. Đồng thời mang lại hiệu quả cao, thủ tục kiểm tra đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí không cần thiết, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Cho ý kiến về nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, việc KTSTQ là khâu quan trọng nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Hiện nay Luật Quản lý thuế cũng đang quy định thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan tại trụ sở cơ quan quản lý thuế (cơ quan Hải quan) và tại trụ sở người nộp thuế (người khai hải quan).
Để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định vấn đề này theo hướng: Việc KTSTQ được tiến hành tại trụ sở cơ quan Hải quan và tại trụ sở người khai hải quan trong thời hạn là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Quy định theo phương án này phù hợp với năng lực thực hiện KTSTQ của tổ chức bộ máy Hải quan, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, hạn chế việc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Về thẩm quyền quyết định kiểm tra, để phù hợp với tính chất, mức độ của việc kiểm tra, dự thảo Luật cũng quy định theo hướng việc kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan do Cục trưởng cục Hải quan, chi cục trưởng chi cục Hải quan quyết định. Việc KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Cục trưởng Cục KTSTQ quyết định.
Việc KTSTQ không chỉ là kiểm tra hồ sơ hải quan mà còn bao gồm cả kiểm tra đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết, nên tùy từng trường hợp cụ thể sẽ quyết định KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan hay trụ sở người khai hải quan để bảo đảm phù hợp với thực tiễn kiểm tra.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không