Nhiều dấu hiệu cho thấy tín dụng đang ấm dần lên từ quý III và tăng tốc trong các tháng cuối năm. Mục tiêu 12-14% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra là có khả năng thực hiện được. Sự chuyển biến tích cực này cũng đã được nhiều ngân hàng nắm bắt và triển khai những gói tín dụng đặc thù cho từng lĩnh vực để kích thích nhu cầu tín dụng của thị trường
Hy vọng dòng tiền sẽ chảy mạnh ra nền kinh tế. Nguồn: internet
Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, cho biết nhu cầu tín dụng đang tăng lên bởi hai yếu tố là tính mùa vụ và kinh tế vĩ mô có chuyển biến tốt, biểu hiện qua sản xuất kinh doanh đang tốt lên, tồn kho giảm, thị trường bất động sản ấm lên, xuất khẩu tăng trưởng tốt… Tất cả những điều đó cho thấy tăng trưởng tín dụng từ quý III trở đi sẽ khá hơn quý I, quý II.
Kỳ vọng tín dụng
Một thông tin cho thấy nhu cầu tín dụng đang ấm lên. Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến 31/5, dư nợ cho vay trung dài hạn tăng 3,16% so với tỷ lệ tăng tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chỉ là 1,27% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, dư nợ cho vay kỳ hạn ngắn có xu hướng giảm nhẹ 0,28% sau khi tăng nhanh vào năm ngoái.
CTCK Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng đã ấm dần lên từ quý II và tăng tốc trong các tháng cuối năm. Mục tiêu 12-14% của NHNN đặt ra là có khả năng thực hiện được.
Theo VCBS, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 23/5/2014 chỉ đạt 1,31% từ đầu năm là điều dễ hiểu vì quý I chịu ảnh hưởng từ yếu tố mùa vụ và bản thân hoạt động của khối doanh nghiệp (DN) chưa có dấu hiệu cải thiện nào rõ nét.
Ông Khánh cho biết thời gian qua, nhiều hợp đồng tín dụng đã được ký kết và đang chờ giải ngân. Ngoài ra, đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, mỗi tháng, toàn hệ thống của SeABank giải ngân khoảng mấy trăm tỷ đồng. Tính đến hết quý II/2014, tăng trưởng tín dụng của SeABank đạt khoảng 6% và đạt được một nửa kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, để kích thích nhu cầu tín dụng của thị trường đang có sự phục hồi, SeABank đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng đặc thù cho từng nhóm khách hàng như khách hàng cá nhân, DN xuất nhập khẩu, DNNVV…
Đồng tình với quan điểm tín dụng sẽ ấm lên từ quý III, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, lại cho rằng những giải pháp hiện nay đang mang tính chất đối phó hơn là sự chủ động trong xử lý tình huống. Còn giải pháp để tăng trưởng tín dụng tốt hơn cũng chưa nhìn thấy.
“Bản thân NHNN cũng chưa có giải pháp nào hiệu quả. Việc NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay ra, nhưng việc cho vay hay không lại tùy thuộc vào các ngân hàng. Rõ ràng, việc thúc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiện nay mang nhiều tính hô hào”, ông Hiếu bình luận.
Chưa nhiều triển vọng
Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù thời gian qua, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của NHNN như: giảm mặt bằng lãi suất, mô hình kết nối ngân hàng – DN, cho vay thí điểm mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tái canh cây cà phê, sản phẩm liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng, tín dụng ưu đãi và bảo hiểm phù hợp với ngư dân… đã mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận.
Tuy vậy, tín dụng từ đầu năm đến 22/5/2014 chỉ tăng 1,31% so với cuối năm ngoái. Ngoài nguyên nhân mang tính thời vụ, mấu chốt vẫn là do DN chưa phát sinh nhu cầu vay vốn. Mặc dù lãi suất cho vay giảm, nhưng những DN kinh doanh hiệu quả hầu như không có nhu cầu vay vốn bởi lợi nhuận biên thu hẹp, khó có khả năng chi trả cho chi phí tài chính.
Những DN nợ lãi suất cao, hoặc không trả được do kiệt sức rồi, hoặc để mặc ngân hàng muốn giải quyết sao thì giải quyết; hoặc bán tài sản, kể cả bán rẻ, bán lỗ, trả cho xong…
Rõ ràng, bài toán tín dụng vẫn chưa thông, mặc dù đã có rất nhiều kỳ vọng. NHTM rất muốn bơm vốn để DN sản xuất kinh doanh và ngân hàng thu lợi nhuận, nhưng bài toán cho vay vẫn chưa thông. Vấn đề mấu chốt là muốn tín dụng tăng trưởng, bên cạnh việc cải thiện sức mua và tạo điều kiện cho DN giải phóng hàng tồn kho, lãi suất cho vay thực sự phải hạ tiếp.
“Lãi suất giảm như thời gian qua là hợp lý và nếu có thể, thời gian tới nên giảm thêm 0,5-1% nữa thì càng tốt. Tuy nhiên, lãi suất không phải là yếu tố quan trọng hiện nay mà quan trọng là yếu tố kích cầu vốn, điều kiện để vay vốn và các chính sách hỗ trợ. Một trong những tồn tại hiện nay, đó là tổng cầu của nền kinh tế rất yếu. Do đó, vấn đề đặt ra là Chính phủ cần có các giải pháp làm tăng tổng cầu, mà một trong số đó là tăng đầu tư công, đồng thời phải làm sao giúp các DN tiếp cận được vốn”, Ts. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hiếu cho rằng để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bền vững, Chính phủ cần có kế hoạch đẩy mạnh phát triển sản xuất tiêu dùng. Tuy nhiên, giải pháp cần phải được chủ động với tình huống chứ không phải mang tính chất “chữa cháy” như hiện nay.
“Cụ thể là chính sách phải làm sao giúp cho những người nông dân trồng được dưa không phải bán với giá rẻ không bù nổi chi phí hay bị úng thối vì không thể qua được cửa khẩu. Hay làm thế nào để thị trường BĐS khởi sắc một cách chủ động chứ không phải cách làm bị động hiện nay, mà kết quả có thể nhìn thấy từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng…”, ông Hiếu phân tích.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng với một nền kinh tế mà 96% là DNNVV thì Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực, bởi nhóm DN này có những nhược điểm nhất định về thủ tục hành chính, tài sản cầm cố thế chấp…
“Khi chúng ta tháo gỡ được những khó khăn cho DN sẽ giúp DN mạnh lên, cùng với sự ấm lên của nền kinh tế, khi đó tổng cầu cũng sẽ tăng lên”, ông Ngân bình luận.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông