Kiến thức Tài chính kế toán Vẫn còn dư địa giảm lãi suất cho vay

Vẫn còn dư địa giảm lãi suất cho vay

7
Các ngân hàng vẫn còn dư địa để giảm lãi suất cho vay nhưng còn tùy vào nhiều điều kiện, trong đó, còn căn cứ vào cả diễn biến kinh tế vĩ mô.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Hiện lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 7-8%/năm. Nguồn: internet
Lần điều chỉnh trần lãi suất huy động (LSHĐ) VND kỳ hạn dưới 6 tháng và các mức lãi suất điều hành gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tháng 3/2014. Một mặt bằng lãi suất mới được thiết lập và nhiều ý kiến cho rằng như vậy là phù hợp, lãi suất khó có thể giảm thêm.
Tuy nhiên, đầu tuần qua biểu LSHĐ của Vietcombank bất ngờ giảm nhẹ. LSHĐ kỳ hạn 1 tháng giảm 0,2% về mức 5,1%/năm. Đây là mức thấp nhất trên thị trường. Vì cùng kỳ hạn này, một số ngân hàng như BIDV, ACB đều ở quanh mức 5,5%/năm. Tại kỳ hạn 3 tháng, LSHĐ của Vietcombank cũng giảm 0,1% về mức 5,6%/năm. Động thái này của Vietcombank khiến thị trường đồn đoán và dự báo một số NHTM sẽ giảm LSHĐ theo và rất có thể NHNN sẽ hạ tiếp trần LSHĐ đối với kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng như đã diễn ra hồi đầu năm.
Nếu xét ở góc độ kinh tế vĩ mô, thì không phải đồn đoán này không có lý. Bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2014 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. Vào những thời điểm trước đây, với chỉ số CPI như vậy, có thể là điều kiện để NHNN xem xét giảm thêm trần LSHĐ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng “cục diện” thị trường tiền tệ thời điểm này đã khác. Vì LSHĐ hiện nay đã ở mức khá thấp, nếu tiếp tục giảm có thể tác động tới tâm lý người gửi tiền.
“Các ngân hàng sẽ phải thận trọng khi điều chỉnh giảm LSHĐ, vì nếu giảm lãi suất thấp quá có thể khách hàng chuyển tiền gửi sang ngân hàng khác hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác. Khi đó để khách hàng quay lại với ngân hàng là rất khó khăn. Đặc biệt, hiện nay khách hàng cũng lựa chọn ngân hàng rất kỹ” – một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Cuối tháng 5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, mặt bằng LSHĐ và cho vay VND hiện đã giảm 0,5 – 1,5% so với cuối năm 2013. Nếu lạm phát ở mức thấp như hiện nay và đạt mục tiêu cả năm 6 -7%, các ngân hàng sẽ có thể hạ lãi suất cho vay thêm 1-2% nữa. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hải – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Giang thì nguyên nhân một số ngân hàng điều chỉnh giảm LSHĐ do nhiều khả năng các ngân hàng này đang trong tình trạng vốn khả dụng dư thừa.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào trần LSHĐ giảm thì lãi suất cho vay mới điều chỉnh giảm theo. Và tùy từng mô hình, tùy từng ngân hàng thì chi phí huy động vốn khác hẳn nhau. Có những ngân hàng làm tốt công tác tuyên truyền, lại sẵn có thương hiệu uy tín thì sẽ huy động được nguồn vốn lãi suất rẻ, nên lãi suất cho vay cũng thấp hơn. Nhưng cũng có ngân hàng không giảm LSHĐ nhưng chấp nhận giảm lãi suất cho vay để có thêm nhiều khách hàng…
Hiện lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 7-8%/năm; ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường khoảng 9 -10%/năm đối với ngắn hạn, 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Mặc dù biên độ lãi suất giữa đầu vào – đầu ra của ngân hàng còn rất hẹp, nhưng trong bối cảnh CPI tăng thấp, cầu tín dụng chưa cải thiện nhiều thì việc các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay được đặt ra như một yêu cầu tất yếu.
Cơ cấu tạo nên giá thành của lãi suất cho vay, ngoài mức lãi suất huy động, còn bao gồm rất nhiều chi phí, trong đó chi phí huy động vốn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Việc giảm các loại chi phí hoạt động đã và đang được các ngân hàng thực hiện quyết liệt. Nhưng để giảm tiếp mức LSHĐ thì phụ thuộc vào khả năng huy động và cơ cấu vốn huy động của mỗi ngân hàng. Động thái giảm LSHĐ kỳ hạn ngắn của Vietcombank có thể là lựa chọn thích hợp, vì việc này hướng người dân đến các sản phẩm tiền gửi kỳ hạn dài hơn, giúp ngân hàng ổn định được dòng tiền. Và như vậy cũng tạo điều kiện để ngân hàng giảm các loại chí phí khác, tiến đến giảm lãi suất cho vay.
Những phân tích trên cho thấy, các ngân hàng vẫn còn dư địa để giảm lãi suất cho vay nhưng còn tùy vào nhiều điều kiện, trong đó có cả diễn biến kinh tế vĩ mô. Việc giảm lãi suất cho vay có ý nghĩa quan trọng để kích thích tăng trưởng tín dụng, mặc dù không phải là yếu tố duy nhất, vì tăng tín dụng còn phụ thuộc vào tổng cầu, sức khỏe DN. Từ quý III, kỳ vọng đẩy tăng dư nợ tín dụng ra nền kinh tế sẽ khá hơn với hàng loạt tác động: gói 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân; triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà; chương trình cho vay mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, cho vay khép kín trong sản xuất nông nghiệp…
Lãi suất cho vay giảm, nhưng chỉ khi cầu tín dụng tăng thì các ngân hàng mới có thể “góp gió thành bão”, hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không