Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định phí dịch vụ tiền mặt để lấy ý kiến đóng góp. Thông tư nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế – một mục tiêu đúng, tuy nhiên mức phí dịch vụ rút, nộp tiền mặt lại chưa hợp lý.
NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định phí dịch vụ tiền mặt để lấy ý kiến đóng góp. Nguồn: internet
Mục tiêu đúng
Trong bản giải trình nội dung dự thảo Thông tư Quy định phí dịch vụ tiền mặt, Vụ Thanh toán, NHNN cho rằng, nước ta hiện có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao. Theo thống kê của Viện Chiến lược ngân hàng, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong vòng 10 năm qua của nước ta mặc dù đã giảm mạnh từ mức 23,7% năm 2001 xuống còn 14,02% năm 2010 nhưng vẫn còn ở mức cao so với thế giới. Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực công, doanh nghiệp và dân cư.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng thanh toán bằng tiền mặt, trong đó, nguyên nhân chính là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, tâm lý ngại sử dụng công nghệ mới, cảm thấy không thoải mái khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều ngân hàng thương mại cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử tới người tiêu dùng. Thêm vào đó, hệ thống quản lý thuế chưa phát triển khiến cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp có thể lách luật, thích sử dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt vì lợi ích cá nhân, hơn là sử dụng thanh toán qua ngân hàng (chuyển khoản, ủy nhiệm chi), nhằm trốn tránh việc kiểm soát thuế từ phía các cơ quan chức năng.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước giảm dần thanh toán bằng tiền mặt. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01/2007/TT-NHNN (năm 2007), trong đó có nội dung quy định mức phí rút tiền mặt từ 0% – 0,05%/giá trị tiền mặt. Tuy nhiên, theo đơn vị soạn thảo, trong quá trình thực hiện các ngân hàng còn áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí. Vì vậy chưa có ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán. Để hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt – một mục tiêu đúng – NHNN đã soạn thảo Thông tư Quy định phí dịch vụ tiền mặt.
Nhưng mức phí chưa phù hợp
Theo dự thảo Thông tư, khách hàng khi nộp, rút tiền mặt sẽ phải nộp phí. Mức phí nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút. Mức phí nộp, rút tiền mặt tại tổ chức tín dụng do tổ chức tín dụng ấn định. Tuy nhiên, mức phí nộp tiền mặt không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp; phí rút tiền mặt không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút và đều phải niêm yết công khai.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, mức trần phí nộp, rút tiền mặt như trong dự thảo là chưa hợp lý. Theo ông, lượng tiền mặt giao dịch tại các ngân hàng thương mại chắc chắn lớn hơn nhiều lần lượng giao dịch tại NHNN. Vì vậy, mức trần phí nộp, rút tiền mặt cho các ngân hàng thương mại phải là 0,005%. Ông cũng cho rằng, NHNN nên cân nhắc chính sách này vì hiện tại đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người có thu nhập thấp. Trong khi số lượng thẻ ATM và điểm chấp nhận thẻ chưa nhiều thì phí dịch vụ tiền mặt – như một loại hình thuế – có thể không thúc đẩy mà lại hạn chế sự phát triển của những công cụ thanh toán không dùng tiền mặt đó.
Đó là chưa kể tới khả năng, một bộ phận vốn lưu động trong dân cư sẽ rời bỏ ngân hàng về cất giữ ở nhà để tránh phải đóng cả phí nộp và rút tiền. Khi đó, các ngân hàng thương mại sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và nền kinh tế sẽ bớt đi một dòng vốn đáng kể. Nếu các ngân hàng lách luật, không thu phí để giữ chân khách hàng thì chính sách thu phí cũng trở nên vô nghĩa.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông