Trước tình hình nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh trở lại, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: “ngân hàng chỉ thu hồi được vốn khi Nhà nước tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, chỉ khi đó mới xử lý được nợ xấu”.
Chuyên gia tài chính
Bùi Kiến Thành.
Phóng viên: Theo ông tại sao số liệu về nợ xấu được cập nhật rất chậm?
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Khai ra mức nợ xấu, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải trích lập dự phòng. Nhưng hiện nay, nhiều NHTM có nợ xấu lên đến 20 30 thậm chí 40% tổng dư nợ. Nếu trích lập dự phòng theo đúng quy định thì những ngân hàng này không còn vốn tự có để hoạt động, không đủ điều kiện để hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Không muốn đóng cửa ngân hàng thì phải để họ không công khai hoặc khai không đúng mức nợ xấu, thậm chí còn mua lại nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt không lãi suất, thời hạn 5 năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) số vốn cần thiết để mua lại nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Các NHTM có thể tới NHNN thế chấp vay 70% giá trị của trái phiếu đặc biệt để tăng thanh khoản, nhưng buộc phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm.
Luật quy định phải xếp hạng nợ xấu nhưng sự tuân thủ dường như không triệt để?
Nợ được chia làm 5 cấp khác nhau, mỗi cấp đều phải trích lập dự phòng, nhưng thực tế, các ngân hàng không có ý định làm rõ chất lượng nợ của mình. Hiện, tổng số nợ xấu, nợ khó đòi đã vượt xa tống số vốn tự có của ngành ngân hàng. Vì vậy, trừ 5 ngân hàng lớn, hầu hết các ngân hàng nhỏ đang hoạt động trong tình trạng không còn vốn điều lệ.
Ông nói gì về quy định các NHTM phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm?
Về nguyên tắc, mỗi năm, ngân hàng trích lập dự phòng 20% trên trái phiếu đặc biệt, sau 5 năm phải đủ để mà thanh toán hết nợ xấu. Nhà nước cho hệ thống ngân hàng 5 năm và tạo mọi điều kiện để tái cấu trúc, phát triển, đó là phương pháp của Nhà nước Việt Nam, không hay cũng không dở.
Tuy nhiên, giải quyết được nợ xấu không dễ bởi bất động sản thể hiện một khối khá lớn trong tổng dư nợ bị nợ xấu, bởi hậu quả của việc cho doanh nghiệp vay với “lãi suất chết” để kinh doanh thật.
Không doanh nghiệp nào có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả với lãi suất trên hai chục phần trăm một năm. Ngân hàng tham, đưa lãi suất lên cao tưởng rằng chỉ việc thu tiền về mà không nghĩ đến việc đang “bơm thuốc độc” cho doanh nghiệp. Sự phá hoại của lãi suất khiến doanh nghiệp tự kiệt sức và phá sản.
Giả định hết thời hạn 5 năm mà VAMC không thanh lý được nợ xấu, theo ông điều gì sẽ xảy ra?
Trong thời hạn 5 năm đó, nếu VAMC thanh lý, thu hồi nợ được thì ngân hàng hết trách nhiệm về số nợ xấu đấy và phần nào nợ xấu được giải quyết. Nhưng nếu sau 5 năm, VAMC vẫn không xử lý được, họ sẽ trả lại 100% nợ xấu đó cho ngân hàng.
Bối cảnh đó, theo ông, làm sao để ngân hàng thu hồi được vốn?
Các ngân hàng sẽ “chết” nếu không thu hồi được vốn. Các NHTM chỉ có thể đòi được nợ khi doanh nghiệp tái cấu trúc được, sản phẩm có thị trường. Nhưng năm qua, chúng ta tiếp tục chứng kiến những đợt khuyến mại lớn, bán 1 tặng 1, giảm giá 30, 50 thậm chí 70%…
Doanh nghiệp bán hàng như vậy đương nhiên là lỗ và không có khả năng trả nợ. Như vậy, việc ngân hàng thu hồi khối tài sản nợ đó là cực kỳ khó! Bây giờ, Nhà nước phải giải được bài toán phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khi đó các NHTM mới có thể thu được nợ và xử lý được nợ xấu.
Cảm ơn ông!
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông