Không có tiền để trả nợ cho ngân hàng khi đến kỳ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lấy tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ, khiến ngân hàng đau đầu vì không biết phải xử lý khối tài sản này thế nào.
Tương lai còn mờ mịt của Dự án “khủng” Nam An Khánh. Nguồn: internet
Thời gian qua, nhiều DN đã phải cấn trừ nợ cho ngân hàng bằng cách bán bất động sản, gán tài sản. Mới nhất là Công ty cổ phần Vận tải Biển Sài Gòn (SGS) vừa công bố bàn giao tàu Saigon Princess cho VIBank để cấn trừ nợ gốc của công ty.
Cụ thể, SGS công bố đã bàn giao tài sản bảo đảm là tàu Saigon Princess cho VIBank để thay thế nghĩa vụ trả toàn bộ phần nợ gốc. Trước đó VIBank đã có văn bản thu giữ toàn bộ tài sản bảo đảm cho khoản vay của SSG để xử lý thu hồi nợ. Thời gian giao tàu là ngày 8/6/2014, tại cảng Hải Phòng. Thời gian hoàn tất các thủ tục bàn giao theo thỏa thuận là ngày 12/6.
Bán nhà, gán tài sản trả nợ
Được biết, đến ngày 31/3/2014, số dư vay và nợ dài hạn của SGS tại VIBank là 163,5 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2014, giá trị còn lại của tàu Saigon Princess gần 169 tỷ đồng (nguyên giá 204 tỷ đồng).
Trong năm 2013, SGS lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 11 tỷ đồng nhưng nhờ lợi nhuận khác và lãi từ công ty liên doanh liên kết nên công ty có lãi gần 3,4 tỷ đồng. Đến quý I/2014, SGS báo lỗ gần 4 tỷ đồng.
So với VIBank, những ngân hàng được trả nợ bằng bất động sản, tòa nhà thương mại, nhà ở thứ cấp vẫn còn may mắn hơn, vì thị trường bất động sản đang ấm lên.
Đầu năm 2014, MaritimeBank đã thu được khoản 400 tỷ đồng nợ vay của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) bằng cách mua lại ¼ khu Nam An Khánh. Đây là dự án có giá trị nhất của Sudico.
Sắp tới, Sudico sẽ bán tiếp đất cho Techcombank để lấy tiền trả khoản trái phiếu phát hành sắp đáo hạn vào đầu quý III tới. Tính đến nay, khoản nợ thông qua phát hành trái phiếu khoảng 1.100 tỷ đồng với lãi suất cao, có khoản lên tới 18%/năm. Ở thời điểm kinh doanh bất động sản khó như bây giờ, làm gì ra lợi nhuận để trả lãi suất đó?
Dù gì, thì việc cấn trừ nợ bằng tài sản bất động sản với ngân hàng vẫn tốt hơn là tài sản khác mặc dù bản thân các ngân hàng cũng không mấy hào hứng. Việc “ôm” tàu của SGS khiến VIBank đau đầu, vì không biết phải làm thế nào với tài sản này. Bán cho DN hàng hải khác hay là để khai thác vẫn là bài toán khó, vì trong điều kiện DN hàng hải đang điêu đứng vì kinh doanh khó khăn trong điều kiện hiện nay thì 1 trong 2 giải pháp trên là khó khả thi.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đây vì nếu dễ dàng, DN đã không phải gán nợ cho ngân hàng. Ví như với chiếc tàu mà VIBank mới “ôm” về chẳng hạn. Xử lý thế nào để thu hồi được nợ gốc bằng tiền thay vì là “khối sắt” nằm im một chỗ kia sẽ là bài toán không đơn giản của VIBank.
Đau đầu xử lý
Những ngân hàng ôm dự án bất động sản cũng không được thoải mái là mấy. Đơn cử như Dự án Nam An Khánh, MaritimeBank và Techcombank đang phải tìm cách thu tiền về bằng cách bán những bất động sản này. Tuy nhiên, ngân hàng là DN kinh doanh tiền, nên đối với bất động sản lại phải giao cho một đơn vị chuyên kinh doanh bất động sản làm việc này.
Trên thực tế, số lượng DN có động thái như trên rất là nhiều, có thể là hàng trăm, hàng nghìn. Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết với tình hình hiện nay hầu hết DN bất động sản nào cũng muốn bán đất cho ngân hàng.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng được ngân hàng chấp nhận mua lại vì nhiều lý do. Song, đối với những dự án đã hoàn thiện, khó khăn trong việc bán hàng… còn nhiều và có lẽ trong thời gian tới sẽ còn nhiều thông tin ngân hàng “ôm” về nếu muốn đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tại thời điểm tháng 4/2014 là 4,01%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp tỷ lệ nợ xấu tăng, từ các mức 3,61% cuối năm 2013 và 3,73% và 3,86% của tháng 1 và tháng 2/2014.
Tuy nhiên, đây mới là con số nợ xấu do các ngân hàng thương mại báo cáo lên NHNN. Còn theo con số mới đây NHNN đưa ra là khoảng 9%, nếu tính một cách thận trọng. Giới chuyên gia dự báo, nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên vì áp dụng theo Thông tư 09/NHNN/2014. Do vậy, việc “ôm” tài sản để cấn trừ nợ sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, mặc dù, việc xử lý nó khiến ngân hàng khá đau đầu.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông