Tôm nhiễm chất kháng sinh cấm, rau quả có tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cao, cá tra cũng vướng chất lượng do sử dụng chế phẩm kích thích tố… Tất cả đang trở thành rào cản ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, uy tín và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để xảy ra sự cố một lô hàng XK bất kỳ bị trả về, lỗi nằm này bắt nguồn từ nhiều phía. Nguồn: internet
Cách đây 2 tháng, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản, EU đã gửi cảnh báo cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Việt Nam (Bộ NN&PTNT) về tình trạng tôm Việt Nam bị nhiễm dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline (OTC) vượt mức giới hạn cho phép.
Cơ quan thẩm quyền của cả hai thị trường đều thẳng thắn đưa ra quan điểm nếu chất lượng không được cải thiện họ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam thậm chí nặng hơn là có thể tạm đình chỉ việc nhập khẩu sản phẩm vi phạm chất lượng.
Lạm dụng kháng sinh, hóa chất
Theo đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, chỉ chưa đầy 4 tháng đầu năm 2014, EU và Nhật Bản đã cảnh báo 11 lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam do bị phát hiện dư lượng OTC vượt mức giới hạn cho phép.
Mặc dù OTC là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản song do người nuôi tôm thường lạm dụng thuốc trong quá trình nuôi và không tuân thủ việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo quy định nên mới gây ra hậu quả tôm XK bị “tuýt còi”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết, kể từ khi áp dụng chế độ kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh OTC với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam, số lượng lô tôm bị phát hiện chỉ tiêu này vượt mức cho phép không hề giảm đi. Đáng lo ngại nhất là khả năng thị trường Nhật quay lưng với con tôm Việt Nam chuyển sang nhập tôm từ Indonesia và Ấn Độ là rất lớn.
Cùng với con tôm, đầu năm 2014, thị trường Nga cũng vừa ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu đối với sản phẩm cá tra của 8 doanh nghiệp (DN) Việt Nam với lý do phát hiện quá trình nuôi của các DN không kiểm soát việc áp dụng kháng khuẩn bao gồm cả sử dụng thuốc kháng sinh không kiểm soát, chế phẩm kích thích tố nuôi cá. Đến giờ này, có thể nói cánh cửa XK cá tra vào Nga đã gần như đã khép lại với các DN Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, với kim ngạch XK cá tra sang Nga năm 2013 đạt khoảng 39,5 triệu USD thì đây không phải là thị trường lớn nhưng việc nước này ra lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam lại ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh cá tra của nước ta trên thị trường thế giới.
Tình trạng chất lượng không đạt chuẩn an toàn thực phẩm của rau quả cũng diễn ra tương tự như sản phẩm thủy sản. Mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành rau quả tăng mạnh, song đã có lúc, rau Việt Nam bị EU cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV quá giới hạn cho phép hay vi phạm về kiểm dịch thực vật. 5 loại rau quả từng bị EU đưa vào tầm ngắm là húng quế, ớt, cần tây, mướp đắng và ngò gai…
Đây là hệ quả tất yếu của việc nông dân có thói quen quá lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất. Trong khi thị trường EU lại quá khó tính, luôn đặt ra yêu cầu cao về chất lượng. Trong toàn bộ lô hàng chỉ cần phát hiện một mẫu sản phẩm không an toàn là cả lô hàng lập tức bị trả về nơi sản xuất.
Vai trò của hiệp hội ngành hàng?
Theo các chuyên gia, để xảy ra sự cố một lô hàng XK bất kỳ bị trả về, lỗi nằm này bắt nguồn từ nhiều phía. Trước tiên là cần nhìn lại công đoạn sản xuất, khâu cung ứng vật tư nông nghiệp, DN thu mua chế biến và cả cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý mặt hàng đó.
Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta xưa nay cứ tập trung xúc tiến, mở rộng thị trường, chú trọng tăng số lượng nông sản XK mà bỏ quên chất lượng. Trong khi các nước hàng xóm xung quanh chúng ta như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản để XK.
Thậm chí một số nước không làm nông nghiệp, như Singapore hay HongKong, đã nhập nguyên liệu nông sản của nước khác về chế biến lại theo tiêu chuẩn cao để tái xuất. Như vậy, vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy, sự hiểu biết về thị trường là điểm yếu của chúng ta. Theo GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nông dân và các DN của chúng ta thường không nắm đủ các thông tin thị trường, bên cạnh nhiều lý do khách quan có một lý do chủ quan dễ nhận ra nhất: ít chịu bỏ công và bỏ của để điều tra, nghiên cứu thị trường, mà chỉ bắt chước láng giềng là chính.
Nông dân, DN thì hoặc thiếu hiểu biết, hoặc cố tình sản xuất hàng kém chất lượng chỉ vì muốn có lợi nhuận cao. Còn cơ quan chức năng thì thờ ơ, buông lỏng quản lý chất lượng. Hệ quả lâu dài dẫn đến nông sản Việt Nam XK nhiều nhưng gần như không có tên tuổi.
Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của ta như gạo, thanh long, cà phê… khi xuất sang nước ngoài không còn mang tên nông sản Việt Nam mà bị dán nhãn tên DN nhập khẩu của quốc gia đó để rồi được bán với giá cao hơn. Đây là thiệt thòi lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Việc ngày càng nhiều lô hàng XK bị trả về đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, uy tín của nông sản Việt Nam và là điểm trừ trong bài toán mở rộng thị trường XK sang các nước phát triển.
Một số chuyên gia gợi ý, muốn giải bài toán nâng cao chất lượng nông sản để mở rộng thị trường, cần xử phạt nghiêm minh những DN vi phạm. Trong quản lý, không chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng có thẩm quyền mà cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội, tổ chức cộng đồng DN đối với chính các DN của mình.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy các hiệp hội nghề nghiệp sẽ kiểm tra, xử phạt nặng thành viên của họ nếu thấy vi phạm điều cấm. Đây là thỏa thuận giữa các thành viên với nhau và bắt buộc tuân thủ. Khi đã thống nhất quy trình và tạo được sự tin tưởng, các hiệp hội sẽ đứng ra bảo lãnh, thậm chí đóng dấu cho lô hàng XK của thành viên.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông