Câu chuyện đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) không còn mới, nhưng nó luôn là vấn đề nóng trong dư luận và trên nghị trường Quốc hội. Sự đổ vỡ, thua lỗ, làm thất thoát vốn nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước là cái giá quá đắt mà chúng ta phải trả…
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nguyên nhân căn bản là hành lang pháp lý về đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN còn thiếu và yếu. Do vậy, yêu cầu tất yếu đặt ra là sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại DN. Việc “nâng cấp” các thông tư, nghị định, quyết định về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại DN thành luật là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, sẽ lấp được các lỗ hổng pháp lý, những tồn tại trong quản lý việc đầu tư vốn nhà nước tại các DN, tạo sự đồng bộ với các luật có liên quan. Đồng thời, đảm bảo được nguyên tắc “đã là vốn nhà nước thì dù đầu tư lớn hay nhỏ cũng phải công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động”.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, dự thảo Luật đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN được đưa ra đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu, chuyên gia về các nguyên tắc căn bản trong bảo toàn vốn và cơ cấu vốn đã được đề cập trong dự thảo. Theo đó, nguyên tắc đầu tư vốn, tài sản, quyền sử dụng đất ra ngoài DN phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai và các luật liên quan; Phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển của DN. Đặc biệt, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong việc bảo toàn, phát triển vốn lần đầu tiên được quy định cụ thể.
Đối với vốn nhà nước đầu tư tại DN khác được tuân thủ theo nguyên tắc thông qua người đại diện; Phương thức quản lý phù hợp với loại hình DN; Việc tăng hoặc giảm vốn nhà nước tại DN khác phải thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng quy định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn, gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư. Dự án Luật quy định, việc cử người đại diện, tiêu chuẩn người đại diện, tiền lương, thưởng và quyền lợi của người đại diện và quy định lợi nhuận, cổ tức được chia từ vốn nhà nước đầu tư tại DN khác.
Một điểm mới mang tính đột phá của dự thảo Luật là đưa ra được các quy định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN. Theo đó, cơ cấu lại vốn đưa ra các biện pháp, gắn liền với tái cơ cấu sẽ làm cụ thể hơn vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, hợp nhất, sáp nhập, chuyển giao vốn và các nguyên tắc bán vốn, chuyển nhượng vốn sẽ được quy định Luật hóa để đảm bảo khung khổ pháp lý giúp DN thực hiện. Bên cạnh đó, các quy định cũng đảm bảo nguyên tắc cơ cấu vốn không làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành sản xuất, kinh doanh chính của DN, đảm bảo khả năng và nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đối với chủ nợ của DN…
Kỳ vọng mới đang đặt ra, Luật sẽ là khung pháp lý mạnh để quản lý, phát huy hiệu quả vốn nhà nước tại DN; Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu cũng như đổi mới, thu hẹp số lượng DNNN…
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông