Kiến thức Tài chính kế toán Lên kế hoạch thoát nợ sớm

Lên kế hoạch thoát nợ sớm

21
Chẳng ai muốn “nặng đầu” vì các khoản nợ. Nhưng thực tế cuộc sống đôi khi có những phát sinh khiến bạn không thể tránh khỏi những lúc thiếu hụt tiền bạc. Có cách nào giúp bạn sớm thoát khỏi áp lực nợ nần? 
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Không tạo nợ mới
Đừng tạo thêm bất cứ khoản nợ mới nào khi bạn đang phải chật vật chi trả cho đống nợ cũ. Tạm khóa thẻ tín dụng, chỉ sử dụng tiền mặt cho việc mua sắm những mặt hàng thiết yếu mỗi ngày. Nếu tiền mặt đã gần cạn, hãy tính toán lại và hạn chế chi tiêu. Bản thân và gia đình bạn hãy cùng nỗ lực thực hiện “kỷ luật thép” để không phát sinh khoản nợ mới nào cho đến khi hoàn tất quá trình trừ nợ.
Cắt giảm chi tiêu
Bước quan trọng nhất trong hành trình trút bỏ “gánh nặng” nợ nần là cắt giảm chi phí tổng thể. Hãy xem lại toàn bộ những khoản phải chi trong vài tháng liên tục và tìm cách giảm bớt các chi tiêu không cần thiết. Có thể lựa chọn những gói cước tiết kiệm và tiện ích cho điện thoại, Internet, cáp truyền hình. Đồng thời tắt những tính năng không cần thiết trên các thiết bị như một số kênh phim TV, 3G trên điện thoại… 
Hãy giảm đến mức tối thiểu những khoản tốn kém không hề nhỏ hằng tháng vào việc đi mua sắm quần áo, mỹ phẩm, ra ngoài ăn uống với bạn bè… Trước khi quyết định mua bất cứ thứ gì, hãy tự hỏi rằng món đồ này có thực sự cần thiết hay không? Ngoài ra, khi mua sắm, chi tiêu một khoản nào đó, hãy tận dụng tối đa các phiếu giảm giá, thẻ ưu đãi… 
Chỉ đơn giản là tính toán lại các khoản chi tiêu, cắt giảm một số khoản, bạn đã có thể tiết kiệm một khoản tiền kha khá để tăng khả năng thanh toán nợ của mình.
Tạo thêm thu nhập
Bên cạnh một công việc ổn định, bạn nên nhận thêm công việc bên ngoài hoặc làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Hãy cố gắng chọn công việc mà bạn yêu thích bởi, sau 8 tiếng mệt mỏi ở công ty, sẽ không dễ dàng để bạn tiếp tục “lăn xả” vào một việc vô vị khác. 
Gia đình góp sức chung tay
Hãy yêu cầu tất cả các thành viên cùng chung tay “làm giàu” cho ngân sách, đồng thời theo dõi và phân loại mức thu nhập, chi tiêu của từng người trong gia đình. Nếu có thể, hãy đề nghị mức đóng góp tối thiểu của mỗi người, để đẩy nhanh quá trình “xóa nợ”. Cách sẻ chia gánh nặng tài chính này vừa gia tăng tinh thần đoàn kết, lại vừa giúp gia đình bạn sớm thoát khỏi cảnh thiếu tiền. Quan trọng hơn, bạn sẽ có người đồng hành chứ không hề đơn độc và lo sợ khi hóa đơn, chứng từ “gõ cửa” mỗi cuối tháng.
Theo dõi danh sách nợ nần
Hãy lên danh sách tất tần tật những khoản nợ cần phải thanh toán. Mỗi khoản cần ghi rõ số tiền còn thiếu, các khoản thanh toán hằng tháng, tỷ lệ lãi suất… Bằng cách này, bạn có thể theo dõi chúng sát sao và hãy tự đặt ra mục tiêu “xóa sổ” bao nhiêu khoản nợ trong thời gian tới. 
Bạn nên trả trước những khoản nợ có mức lãi suất cao nhất trong danh sách nợ. Bởi lãi suất cao kéo theo số tiền phải trả lãi hằng tháng ngày một “phình to”, hãy sớm tập trung xử lý nó trước khi trở thành khoản nợ “khổng lồ”. Còn các khoản nợ còn lại, bạn chỉ cần bảo đảm thanh toán dứt điểm dần từng khoản. 
Đề nghị trả góp
Đối với các khoản nợ của người thân, bạn bè, nếu cảm thấy không thể trả một lần thì có thể đề nghị trả dần hàng tháng hay hàng quý. Và một khi đã hứa thời điểm bạn sẽ trả tiền hãy thực hiện đúng hẹn. Đừng để mất uy tín thêm vì sự chậm trễ của bạn.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không