Để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước trong phát triển sản xuất, kinh doanh, vấn đề về quản lý và giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp luôn đặt ra cấp thiết. Hành lang pháp lý đã có nhưng đây là một lĩnh vực phức tạp nên vẫn rất cần được tăng cường cả về thể chế lẫn cơ chế quản lý, giám sát.
Quản lý và giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp luôn là vấn đề cấp thiết. Nguồn: internet
Một số thành công đạt được
Sau khi Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chính thức hết hiệu lực từ ngày 30/6/2010, các DNNN chuyển sang hoạt động theo Luật DN, vấn đề quản lý, giám sát vốn nhà nước tại các DN đã không ngừng được các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện. Ngày 15/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu (CSH) nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã làm rõ khái niệm về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của CSH nhà nước đối với DNNN.…
Ngày 25/6/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm CSH và DN có vốn nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 158/2013/ TT-BTC ngày 13/11/2013 hướng dẫn một số nội dung về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN do Nhà nước làm CSH và DN có vốn nhà nước. Việc giám sát tài chính với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN đã tiếp tục nâng lên một bậc, cụ thể và chi tiết hơn qua các tiêu chí công khai thông tin tài chính nhằm mục đích đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của DN, giúp cơ quan quản lý có đủ thông tin, kịp thời giúp DN khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh…
Phải khẳng định, hệ thống cơ chế, chính sách quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DNNN và các công ty cổ phần có vốn nhà nước trong thời gian qua đã được ban hành đồng bộ, liên tục sửa đổi hoàn chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Sự đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách tài chính DN đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm thiểu can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước gắn với nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN trong hoạt động kinh doanh và tài chính. Công tác quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Phương thức quản lý vốn nhà nước nhờ đó cũng được đổi mới từ quản lý hành chính sang quan hệ đầu tư, kinh doanh vốn; Xác định rõ mối quan hệ giữa CSH vốn, người quản lý điều hành DN; Tăng cường tính tự chủ cho DN có vốn nhà nước. Vì vậy, bước đầu đã xác lập rõ được quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Bên cạnh đó, tạo sự phân công, phân cấp giữa các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố, Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thay đổi phương thức quản lý, giám sát gắn với việc phân loại, đánh giá DN.
Với hệ thống tiêu chí đánh giá qua báo cáo tài chính có kiểm toán, công khai thông tin về kết quả kinh doanh và tình hình tài chính DN, công tác quản lý, giám sát tài chính DN đã cụ thể, chi tiết, rõ ràng dựa trên các tiêu chí đánh giá, xếp loại… Với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, định kỳ hàng năm Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tài chính của CSH, xếp loại DN đi đôi với tổng hợp, phân tích đánh giá về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động này đã kịp thời đưa ra các kiến nghị và cảnh báo về rủi ro trong hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn để cơ quan CSH có giải pháp khắc phục.
Một số tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giám sát và đầu tư vốn nhà nước tại DN dù đã khá đầy đủ nhưng trên thực tiễn vẫn chưa bao quát được hết các loại hình hoạt động DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Đơn cử như cơ chế tài chính cho các tập đoàn kinh tế; chế độ về quản lý rủi ro, báo cáo và công bố thông tin, đánh giá xếp loại DN; Cơ chế với các đối tượng DN trên trong góp vốn vào liên danh BTO, BOT, BT, BOO; Xử lý về mặt tài chính đối với DN liên quan bán phá giá…
Thứ hai, việc phân công, phân cấp trong thực hiện các quyền CSH tại DNNN còn bị phân tán, chồng chéo, trách nhiệm chưa rõ ràng nên dẫn đến buông lỏng quản lý, giám sát. Một số DN kinh doanh thua lỗ nhưng chậm được xử lý, gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Hiện nay, các chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán viên, công ty kiểm toán độc lập cũng như chất lượng đội ngũ kiểm toán viên còn thấp, nên phản ánh còn chưa chính xác kết quả sản xuất kinh doanh của DN, gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra còn mang tính kế hoạch nên tính phòng ngừa rủi ro chưa cao.
Thứ ba, việc chấp hành chế độ báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số DN có vốn nhà nước còn chưa nghiêm túc, chưa kịp thời nên tác dụng cảnh báo còn hạn chế. Nhiều cảnh báo, kiến nghị được các cấp ngành chỉ đạo thực hiện nhưng các bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa tuân thủ nghiêm nên tính răn đe và phòng ngừa rủi ro kém tác dụng.
Giải pháp và kiến nghị
Một là, nghiên cứu ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh theo hướng: Cần làm rõ khái niệm vốn nhà nước đầu tư vào DN để đảm bảo yêu cầu quản lý, giám sát của nhà nước, cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh của DN. Xác định rõ tổ chức, hình thức, tiêu chí và chế tài cụ thể để thực hiện việc quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào DN và thực hiện quyền đại diện CSH vốn nhà nước tại DN; Hướng dẫn việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DN do Nhà nước làm CSH, trong đó làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của CSH vốn nhà nước và quyền và nghĩa vụ của các chủ thể điều hành sản xuất kinh doanh tại DN…
Hai là, Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận và chuyển giao quyền đại diện CSH vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo đó, SCIC có trách nhiệm nhận chuyển giao như sau: Công ty TNHH nhà nước một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập trực thuộc các Bộ, UBND cấp tỉnh; Công ty TNHH có hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ các DN độc lập 100% vốn nhà nước hoặc mới thành lập trực thuộc các bộ, UBND cấp tỉnh; Công ty liên doanh có vốn góp nhà nước do các Bộ, UBND cấp tỉnh làm đại diện CSH; Công ty cổ phần được chuyển đổi từ các DN độc lập 100% vốn nhà nước hoặc mới thành lập trực thuộc các bộ, UBND cấp tỉnh; Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các công ty TNHH nhà nước một thành viên độc lập trực thuộc các Bộ, UBND cấp tỉnh đang tổ chức triển khai công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2011-2015 thì SCIC thực hiện tiếp nhận quyền đại diện CSH vốn nhà nước ngay sau khi công tác sắp xếp, chuyển đổi hoàn thành…
Ba là, Nhà nước cần xây dựng và đưa ra các định hướng chiến lược phát triển ngành, vùng dài hạn làm cơ sở cho DN hoạt động. Nhà nước tập trung hỗ trợ các DN về tài chính, khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin để giúp các DN xây dựng một hệ thống thông tin đồng nhất phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của CSH, đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng thông lệ quốc tế. Đồng thời, tập trung đào tạo xây dựng đội ngũ lãnh đạo DN nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển và thực hiện các quyền của đại diện CSH vốn nhà nước trong các DN.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông