Xử lý người lao động bình thường thì rất dễ nhưng đụng đến “con cưng”, “công thần” thì rắc rối vô cùng…
Tại hội nghị người lao động của một doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP HCM tổ chức vào đầu tháng 6-2014, trong không khí cởi mở, một nam công nhân (CN) đã chất vấn giám đốc: “CN sai thì xử lý kỷ luật theo nội quy lao động, vậy quản lý sai thì có bị xử lý hay không?”. Khá bất ngờ nhưng giám đốc trả lời ngay: “Mọi cán bộ, công nhân viên đều bình đẳng trước pháp luật. Ai sai cũng sẽ bị xử lý”.
Nói dễ, làm khó
Sau khi giám đốc dứt lời, anh CN nọ đã khiến cả hội trường sửng sốt khi nêu đích danh quản đốc phân xưởng của mình với nhiều sai phạm không khó kiểm chứng: Khai khống ngày công của một số “tay chân” thân tín và bản thân, cố ý nâng tỉ lệ hao hụt lên để tuồn hàng phế phẩm nhưng thực chất là hàng chính phẩm ra ngoài; chửi mắng CN, có thái độ sàm sỡ CN nữ… Đáng nói hơn, vị quản đốc ấy lại chính là em vợ của giám đốc công ty.
Nếu xử lý không thỏa đáng, doanh nghiệp luôn đối diện với khiếu nại của người lao động. Ảnh: BẢO NGHI
Sau phần trình bày của anh CN, hội trường lặng đi. Cuối cùng, giám đốc lên tiếng: “Như tôi đã nói với anh chị em, mọi người đều bình đẳng, ai sai cũng sẽ bị xử lý. Tôi không thể phủ nhận thông tin này khiến tôi bất ngờ nhưng thành thật cảm ơn anh em CN đã tin tưởng tôi nên mới nói ra. Tôi hứa sẽ xử lý đúng trình tự pháp luật”.
Cách đây mấy hôm, chúng tôi liên hệ với giám đốc công ty để hỏi chuyện cũ, ông thẳng thắn cho biết: “Đúng là rất khó nhưng cũng phải làm triệt để, nếu không thì làm sao ăn nói với CN? Tôi đã cho xác minh, có một số vấn đề chưa rõ nhưng nhìn chung thì với những sai phạm đã có chứng cớ rõ ràng thì cũng đủ để sa thải. Khổ nhất là bà xã tôi, hết năn nỉ lại làm mình làm mẩy; tôi phải nói cứng là không tề gia, làm sao trị quốc? Nói chung thì xử lý nhân viên dạng “con cưng” như vầy không đơn giản chút nào”.
Xử người thân quen, rất mệt!
Vừa qua, chúng tôi có dịp dự phiên hòa giải tại Công ty T.V (quận Tân Bình, TP HCM). Nguyên đơn là là ông V.V.N, phó giám đốc kinh doanh của công ty. Do không thực hiện đúng cam kết về doanh số nên bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, ông N. cho rằng thỏa thuận về doanh số chỉ nói miệng, không có ràng buộc bằng văn bản nên công ty cho ông nghỉ việc là sai.
Đại diện công ty thì cho rằng trước nay, việc giao doanh số cho các bộ phận thì đã có định mức chung bằng văn bản; chỉ khi nào phát sinh mới thì hai bên mới trao đổi thêm và thống nhất. Hơn nữa, do tin tưởng cán bộ của mình nên công ty không làm giao kết bằng văn bản; từ trước đến nay, chưa bao giờ xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Ông L.T.P, giám đốc công ty, phân trần: “Do anh N. cũng là chỗ bạn bè thân quen; chúng tôi làm việc với nhau đã hơn 10 năm, hiểu hết tính ý nhau nên trước đây thường xuê xoa. Còn bây giờ, công ty đã là DN cổ phần nên mọi thứ đều do hội đồng quản trị quyết định; tôi có muốn giữ anh N. lại cũng không được”.
Sau hơn 2 giờ nói qua, nói lại; căng thẳng có, ôn hòa có, ông N. thừa nhận mình có cam kết thực hiện vượt doanh số 20% nhưng đã không hoàn thành. “Quý vị cho tôi nghỉ việc cũng đúng nhưng lẽ ra chỉ nên nói riêng với tôi chứ sao lại đưa ra hội đồng này nọ khiến tôi bị “quê” nên mới phản ứng, khiếu nại” – ông N. cố vớt vát. Những người có mặt đều nói rằng nếu không đưa ra hội đồng thì lại càng có cớ để ông N. thưa kiện. “Xử lý nhân viên bình thường, tôi xử cái một; còn với những người thân quen, thật khó trăm bề” – giám đốc L.T.P than thở.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông