Kiến thức Con người Tâm huyết, giỏi nghề

Tâm huyết, giỏi nghề

4
Luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động để đổi mới các hoạt động cho phù hợp, thu hút là điều chị Hoàng Thị Quý đã làm được
Vừa trở về sau chương trình tuyên dương 85 gương mặt trưởng ban nữ công tiêu biểu do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, chị Hoàng Thị Quý – điều dưỡng trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trưởng Ban Nữ công Bệnh viện Ung Bướu TP HCM – lại tất bật lo chuyến nghỉ mát của CBCNV đơn vị. Nhận được lời chúc từ nhiều đồng nghiệp, chị vẫn khiêm tốn: “Tôi chỉ cố làm tròn nhiệm vụ của mình. Sự tin yêu của đồng nghiệp là hạnh phúc của người làm công tác Công đoàn (CĐ)”.
Người của những ý tưởng
Sau khi tốt nghiệp ra trường, chị Quý về công tác ở Khoa Xạ ung thư phụ khoa Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Năm 2013, chị được điều động sang Khoa Dinh dưỡng với vai trò điều dưỡng trưởng. Năng nổ, nhiệt tình, chị là nhân tố tích cực trong phong trào Đoàn Thanh niên rồi tham gia CĐ. Năm 1997, chị được bầu vào ban chấp hành CĐ cơ sở và năm 2008 đảm nhận vai trò trưởng ban nữ công.
“Ban đầu, tôi rất lo bởi đa số nhân viên bệnh viện là trí thức, có học vị cao, đòi hỏi các hoạt động CĐ phải liên tục đổi mới và có chiều sâu” – chị Quý cho biết. Từ trăn trở ấy, chị luôn cố gắng tìm kiếm các mô hình mới để học hỏi, rút kinh nghiệm và thiết kế cho phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Chị Hoàng Thị Quý (bìa trái) kiểm tra các suất ăn của bệnh nhân
Đơn vị có 1.300 lao động, trong đó 2/3 là nữ. Nắm được tâm lý của số đông, chị Quý tham mưu cho CĐ cơ sở tổ chức thường xuyên các buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc gia đình, giúp chị em nâng cao kiến thức. Các hội thi nấu ăn, cắm hoa, gánh hàng rong, phụ nữ duyên dáng do chị khởi xưởng cũng thu hút nhiều chị em tham gia. Chính những hoạt động thiết thực này đã giúp CĐ đến gần hơn với đoàn viên.
Xác định việc vận động CBCNV hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị là trọng tâm, hằng năm, ban nữ công tham mưu cho ban chấp hành CĐ cùng phối hợp với ban giám đốc bệnh viện phát động các phong trào thi đua về y đức, học tập và làm theo gương Bác, đặc biệt là nâng cao tay nghề. Từ đề xuất của CĐ cơ sở, năm 2013, bệnh viện đã cử 151 chị tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị… Từ phong trào thi đua, CĐ cơ sở đã giới thiệu 42 nữ đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó 3 chị được kết nạp. Những hoạt động sát sườn ấy của CĐ cơ sở không chỉ giúp bệnh viện nâng cao chất lượng phục vụ mà còn sở hữu một đội ngũ nữ CNVC-LĐ tâm huyết, giỏi nghề.
Sống có trách nhiệm
Nhắc đến chị Quý, hầu hết đồng nghiệp đều dành tình cảm quý trọng. “Chị Quý không chỉ là một điều dưỡng giỏi nghề mà còn là một đồng nghiệp tốt khi luôn quan tâm, giúp đỡ người khác” – chị Trần Hữu Tâm, nhân viên nấu bếp tại bệnh viện, nhận xét. Yêu nghề và sống có trách nhiệm với đồng nghiệp, nét tính cách ấy ở chị Quý đã thuyết phục mọi người.
Hiểu được hoàn cảnh của một nữ nhân viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp – gặp khó khăn khi chồng chẳng may bị mù đôi mắt, một mình vừa lo cho chồng vừa phải nuôi con ăn học – chị Quý đã đề nghị CĐ cơ sở trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con của nhân viên này. Được động viên kịp thời, con nữ nhân viên ấy học rất giỏi, nay đã là sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.
Trò chuyện với đồng nghiệp, chị Quý luôn nhắc nhở họ làm việc hết mình với cái tâm trong sáng. “Mang bệnh trong người đã khổ, huống gì bệnh hiểm nghèo. Gia cảnh số đông bệnh nhân rất khốn khó nên chúng tôi dặn mình phải quan tâm, chăm sóc họ bằng cả tấm lòng” – chị bộc bạch.
Trước đây, các nhà từ thiện hay nấu sẵn những suất ăn rồi mang đến bệnh viện phân phát cho bệnh nhân. Điều này khiến chị Quý và nhiều đồng nghiệp trăn trở vì khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nhất là vấn đề dinh dưỡng. Cùng với các đồng nghiệp trong Khoa Dinh dưỡng, chị đã xây dựng quy trình hướng dẫn nấu ăn cho các mạnh thường quân; tư vấn thực đơn, nguồn gốc thực phẩm, kể cả hỗ trợ chế biến nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Ý tưởng này giúp bệnh viện kiểm soát được chất lượng và vệ sinh thực phẩm các suất ăn, bảo đảm sức khỏe cho bệnh nhân. 1.000 suất ăn miễn phí đã được khoa cung cấp cho bệnh nhân nghèo mỗi ngày. Cái tâm trong sáng, luôn hết lòng vì người bệnh của chị đã gây ấn tượng mạnh với thân nhân người bệnh.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không