Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về quy định quyền và nghĩa vụ người khai hải quan (Điều 18) và quá trình thẩm tra thực tiễn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu (Điều 60)… Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã chỉnh sửa một số quy định về nội dung này.
Người khai hải quan được sử dụng hồ sơ hải quan điện tử để vận chuyển hàng hóa trên đường, thực hiện các thủ tục có liên quan với các bộ, ngành… Ảnh: T.Trang
Quyền và nghĩa vụ người khai hải quan (Điều 18)
Theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 23 Luật Hải quan hiện hành thì người khai hải quan có quyền: yêu cầu cơ quan Hải quan xác nhận bằng văn bản khi có yêu cầu xuất trình, bổ sung hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ, chứng từ theo quy định của pháp luật về hải quan.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định này vì việc quy định quyền của người khai hải quan như trên sẽ đồng nghĩa với việc cho phép cơ quan Hải quan có quyền yêu cầu người khai hải quan xuất trình, bổ sung hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ, chứng từ theo quy định của pháp luật về hải quan. Quy định như này dễ tạo sự tùy tiện trong quá trình áp dụng pháp luật. Trường hợp cơ quan Hải quan nghi ngờ về tính xác thực của các hồ sơ, chứng từ do người khai hải quan cung cấp thì cơ quan Hải quan có trách nhiệm xác minh.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã bỏ quy định tại Điều 18, đồng thời chỉnh lý Điều 19 tương ứng về nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quyền của người khai hải quan được sử dụng hồ sơ hải quan điện tử để vận chuyển hàng hóa trên đường, thực hiện các thủ tục có liên quan với các bộ, ngành…
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật Hải quan đã chỉnh lý điểm đ Khoản 1 Điều 18. Cụ thể: “sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa trên đường, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật”.
Bỏ quy định thông báo định mức của tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa XK (Điều 60)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) thì tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa XK có trách nhiệm Thông báo định mức sử dụng nguyên liệu, vật tư chủ yếu nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu với cơ quan hải quan.
Tuy nhiên, qua quá trình rà soát Luật, cơ quan thẩm định Luật nhận thấy định mức sử dụng nguyên liệu, vật tư chủ yếu NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK là do DN sản xuất tự xây dựng trên cơ sở thực tế hoạt động sản xuất. DN lưu giữ và sử dụng khi lập báo cáo thanh khoản, báo cáo nhập- xuất- tồn với cơ quan Hải quan.
Trên thực tế, DN NK nhiều mã hàng với nhiều định mức khác nhau, và định mức này có thể được điều chỉnh trong quá trình sản xuất. Việc yêu cầu DN thông báo định mức sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho DN và cơ quan Hải quan không thể kiểm tra tất cả các định mức DN thông báo.
Để tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động gia công, sản xuất hàng XK, dự thảo đã bỏ quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thông báo định mức sử dụng nguyên liệu gia công, sản xuất hàng hóa XK cho cơ quan Hải quan.
Vì vậy, tại khoản 6 Điều 59 ( đây là Điều 60 dự thảo mới trình Quốc hội) đã giao cho DN chịu trách nhiệm thực hiện báo cáo quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư NK, hàng hóa XK. Cơ quan Hải quan sẽ thực hiện việc kiểm tra việc quyết toán trên cơ sở quản lý rủi ro.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông