Trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng, thực tiễn yêu cầu phải tăng thẩm quyền cho lực lượng Hải quan nhất là khi Hải quan thực thi nhiệm vụ trên biển.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc
Cho ý kiến về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng thêm thẩm quyền cho lực lượng chống buôn lậu để ngành Hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi ủng hộ ý kiến của đại biểu Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là khi Hải quan thực thi nhiệm vụ thì phải tăng cường quyền hạn tương ứng, nhất là tại những lĩnh vực, địa bàn phức tạp như trên biển.
Chống buôn lậu trên biển rất phức tạp, bởi trên đất liền có nhiều lực lượng phối hợp, còn trên biển thì Hải quan đơn độc nên quan trọng là tăng cường cho Hải quan về phương tiện, lực lượng, quyền hạn và công cụ. Tuy nhiên cũng cần chú ý là phải có sự kiểm soát.
Theo ý kiến của đại biểu Võ Trọng Việt, nếu giao quyền cho lực lượng Hải quan cũng không sợ lạm quyền vì lực lượng nào cũng phải thực hiện theo quy định pháp luật. Ông nghĩ sao về điều này?
Ai được giao quyền cũng có xu hướng lạm quyền. Đấy là nguyên lý chung, có quyền lực đặc biệt như thế nên cần phải kiểm soát. Còn về vấn đề tăng thẩm quyền cho lực lượng Hải quan là đúng, hợp lý.
Khi thảo luận về các luật, có đại biểu phát biểu rất hay về tính hợp lý và hợp pháp. Các quy định trong luật cần đặt trong mối quan hệ này. Ví dụ như nếu quy định rằng Hải quan không được truy đuổi liên tục là hợp pháp nhưng không hợp lý vì không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Làm luật trước hết phải tính đến tính hợp lý và bảo đảm hiệu quả, công bằng rồi mới tính đến tính hợp pháp, ranh giới. Luật nếu không hợp lý thì không tồn tại được. Lý do vì sao nhiều luật không tồn tại lâu được, cứ phải sửa liên tục đó là do tính hợp lý chưa được đảm bảo.
Vậy ông có ý kiến như thế nào về quy định liên quan đến thẩm quyền truy đuổi liên tục của lực lượng Hải quan trong dự thảo Luật?
Theo cách hiểu cũ có quy định về địa bàn hải quan để không chồng chéo với những lực lượng khác như Cảnh sát Kinh tế… nhưng từ thực tiễn đấu tranh chống buôn lậu, truy đuổi buôn lậu, đặc biệt là trên biển nếu lực lượng Hải quan phải dừng lại mà không có lực lượng khác phối hợp thì không hoàn thành nhiệm vụ, do đó cần lấy từ yêu cầu thực tiễn để giao nhiệm vụ.
Vì vậy dự luật cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý theo hướng Hải quan được truy đuổi, thực thi pháp luật liên tục trong những tình huống, nhiệm vụ cụ thể bởi yêu cầu thực tiễn đặt ra. Thông thường đã mở rộng phạm vi sẽ chồng lấn giữa các lực lượng, do đó đòi hòi phải có sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan và dự luật phải quy định chặt chẽ nếu không sẽ có sự chồng lấn thẩm quyền.
Hải quan điện tử là một yêu cầu phát triển của thực tiễn. Theo ông, vấn đề về hải quan điện tử được quy định trong dự thảo Luật đã theo kịp với xu hướng phát triển?
Hải quan điện tử là một xu hướng phát triển hiện đại. Thực hiện hải quan điện tử phải hướng đến giảm thời gian thông quan để tăng xếp hạng của Việt Nam.
Có một nghiên cứu quốc tế cho thấy, ở Việt Nam, nếu giảm được thời gian thông quan nhập khẩu còn 15 ngày và thời gian thông quan xuất khẩu còn 14 ngày thì GDP trong xuất nhập khẩu tăng 27.330 triệu USD/năm.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 đặt ra mục tiêu giảm thời gian hoàn thành thủ tục thông quan xuất khẩu xuống còn 14 ngày và nhập khẩu giảm xuống còn 13 ngày.
Đây là sự tác động rất nhiều vòng. Nếu giảm thủ tục thì chi phí sẽ giảm, sản xuất hiệu quả hơn nên dự luật cần có đánh giá về hiệu quả của cải cách thể chế và thủ tục hải quan có tác động như thế nào để thấy tác dụng của việc cải cách thủ tục hải quan đối với nền kinh tế.
Theo quan điểm của ông còn cần bổ sung vấn đề gì vào dự Luật Hải quan (sửa đổi) để sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 này, Luật sẽ sớm đi vào thực tiễn?
Trên thực tế Hải quan là một ngành được thiết chế theo cơ cấu ngành dọc, do đó phải dành cho Hải quan vị trí, vai trò độc lập vì Hải quan không thuộc địa phương nào.
Hiện Việt Nam có một số thiết chế theo ngành dọc như Thuế, Hải quan, Kho bạc… nên phải tôn trọng tính tập trung tổ chức của các ngành vì lợi ích quốc gia. Nếu không đảm bảo tính độc lập tương đối của những ngành này sẽ dẫn đến địa phương cát cứ vì mỗi địa phương lại quản lý chống buôn lậu theo cách khác nhau nên cần bảo đảm tính tập trung của ngành hHi quan như một số ngành khác. Do đó cần có đánh giá vấn đề này để thực thi luật được hiệu quả.
Ngoài ra, Hải quan trong bối cảnh mới có vai trò về an ninh rất lớn như chống rửa tiền, tội phạm ma túy, vũ khí chứ không chỉ có thuế và thủ tục xuất nhập khẩu bởi theo các cam kết quốc tế sẽ đến thời điểm các loại thuế xuất khẩu, nhập khẩu bằng 0. Hiện mặc dù chúng ta đang “dựa” vào thuế xuất nhập khẩu nhưng vai trò trong kiểm soát an ninh của Hải quan cũng rất lớn.
Xin cảm ơn ông!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông