Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về quy định trách nhiệm kiểm tra hàng hoá, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan (Điều 35) và kiểm tra giám sát hải quan, xử lý hàng hóa tồn đọng (Điều 58)… dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã chỉnh sửa một số quy định về nội dung này.
Sẽ quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra trong việc quản lý hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: T.Trang
Quy định chặt chẽ hơn
Về quy định trách nhiệm kiểm tra hàng hoá, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan (Điều 35), một số đại biểu Quốc hội đề nghị xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc giám sát đối với tất cả hàng hóa trước khi làm thủ tục thông quan, kể cả hàng hóa được pháp luật chuyên ngành cho phép đưa về địa điểm khác để kiểm tra hoặc chủ hàng hóa có yêu cầu đưa hàng hóa về lưu giữ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xác định trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc quyết định đưa hàng hóa về địa điểm khác để kiểm tra chuyên ngành, tránh tình trạng hàng hóa được đem ra tiêu thụ ngoài thị trường trước khi có quyết định thông quan.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, trên cơ sở thực tiễn quản lý, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã chỉnh lý khoản 2 Điều 35 để quy định chặt chẽ hơn vấn đề này theo hướng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong việc quản lý hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đối với trường hợp hàng hóa được đưa về địa điểm kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, trường hợp địa điểm kiểm tra chuyên ngành do cơ quan kiểm tra chuyên ngành quyết định thì cơ quan kiểm tra có trách nhiệm quản lý hàng hóa cho đến khi thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan Hải quan. Cụ thể, nội dung khoản 2 Điều 35 được chỉnh lý như sau:
“2. Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành phải được lưu giữ tại cửa khẩu cho đến khi được thông quan. Trường hợp quy định của pháp luật cho phép đưa hàng hóa về địa điểm khác để tiến hành việc kiểm tra chuyên ngành hoặc chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì cơ quan Hải quan chỉ cho phép đưa về các địa điểm lưu giữ đáp ứng điều kiện về giám sát hải quan và hàng hóa đó chịu sự giám sát của cơ quan hải quan cho đến khi được thông quan.”
Đồng thời, theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã giảm thời hạn cơ quan kiểm tra chuyên ngành thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan Hải quan từ 3 ngày xuống còn không quá 2 ngày làm việc tại Khoản 3 Điều 35.
Xử lý hàng hóa tồn đọng
Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã bổ sung vào khoản 5 điều 58 quy định rõ trách nhiệm của người vận chuyển trong việc vận chuyển hàng gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp không xác định được người vận chuyển, cơ quan Hải quan chủ trì xử lý. Cụ thể:
“5. Việc xử lý hàng tồn đọng được thực hiện như sau:
a) Đối với hàng tồn đọng, cơ quan hải quan thực hiện các thủ tục hải quan trước khi bán thanh lý. Tiền bán hàng được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các khoản chi phí bán hàng và chi phí lưu cảng, kho, bãi tại doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi;
b) Đối với hàng gây ô nhiễm môi trường, người vận chuyển có trách nhiệm vận chuyển hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không xác định được người vận chuyển, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện tiêu huỷ.”
Về nội dung này, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào điểm b Khoản 5 quy định chủ hàng hóa bên nhận đối với hàng gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…
Tuy nhiên, theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội- cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật thì quy định tại điểm b Khoản 5 áp dụng đối với trường hợp không thể xác định được chủ hàng hóa. Nếu xác định được chủ hàng hóa thì đã xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều này và các quy định tương ứng của Luật Bảo vệ môi trường. Vì vậy, không bổ sung quy định này vào dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định: “Hàng hóa do người vận chuyển hoặc DN kinh doanh cảng, kho, bãi từ bỏ quyền lưu giữ theo quy định của pháp luật”, Ủy ban Pháp luật cho rằng, pháp luật hiện hành chỉ quy định về quyền lưu giữ hàng hóa của người vận chuyển, không có quy định về quyền lưu giữ của DN kinh doanh kho bãi, cảng. Đồng thời cũng không quy định việc từ bỏ quyền lưu giữ hàng hóa khi đã lưu giữ hàng hóa của người vận chuyển.
Mặt khác, tại Khoản 5 đã quy định trách nhiệm của DN kinh doanh kho, bãi, cảng trong việc lưu giữ hàng hóa tồn đọng. Do đó, việc quy định DN kinh doanh kho bãi, cảng từ bỏ quyền lưu giữ hàng hóa là không phù hợp.
Ngoài ra, đối với trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hoặc trì hoãn việc nhận hàng mà người vận chuyển không thực hiện quyền lưu giữ thì hàng hóa đó đã thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 58. Vì vậy, nên giữ nguyên như dự thảo Luật.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông