Sau gần 10 năm (từ năm 2005 triển khai thí điểm), đến thời điểm tháng 6-2014, Dự án hiện đại hóa quy trình thu, nộp NSNN (phối hợp thu giữa KBNN, cơ quan thu như: Thuế, Hải quan với hệ thống ngân hàng thương mại) đã phủ sóng tại 63 tỉnh, thành phố với khoảng 700 đơn vị KBNN quận, huyện. Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đồng thời góp phần tập trung nhanh nguồn thu, nâng cao tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt…
Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Phú Thọ. Ảnh: Thu Hằng
Trái ngọt
Theo đánh giá của KBNN, sau thời gian dài đi vào thực hiện, Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra như: Thông tin nhanh số thu vào NSNN qua Kho bạc; Giảm nguồn lực nhập cùng loại thông tin về chứng từ thu tại các đơn vị Tài chính; Tập trung quản lý đối với các khoản thu vào NSNN và các khoản tạm thu qua KBNN, khắc phục tình trạng không thống nhất về thông tin; Đáp ứng xu hướng hiện đại hóa công tác tài chính quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử; Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách…
Theo đánh giá của KBNN, sau thời gian dài đi vào thực hiện, Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra như: Thông tin nhanh số thu vào NSNN qua Kho bạc; Giảm nguồn lực nhập cùng loại thông tin về chứng từ thu tại các đơn vị Tài chính; Tập trung quản lý đối với các khoản thu vào NSNN và các khoản tạm thu qua KBNN, khắc phục tình trạng không thống nhất về thông tin; Đáp ứng xu hướng hiện đại hóa công tác tài chính quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử; Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách…
“Việc phối hợp thu giữa các cơ quan như: Thuế – Hải quan – KBNN- ngân hàng thương mại đã tạo ra nhiều đột phá về cải cách thủ tục thu, nộp NSNN; tạo thuận lợi cho cả 3 phía: KBNN, người nộp thuế và cơ quan Thuế. Bởi các điểm giao dịch của các ngân hàng được bố trí rộng khắp trên địa bàn các quận, huyện và trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho người vi phạm đến nộp phạt. Đây được xem là một bước tiến mới nhằm giúp người bị phạt tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm tải cho cơ quan chức năng.
Trong thời gian tới, cơ quan Thuế “bắt tay” với cơ quan Kho bạc, ngân hàng để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền hình thức thu mới qua hệ thống các ngân hàng thương mại; mở thêm các điểm giao dịch tại các khu vực dân cư và kinh tế tập trung để có thêm nhiều người nộp thuế được hưởng các lợi ích qua việc sử dụng phương thức thu thuế hiện đại của hệ thống ngân hàng… nhằm nâng cao tỷ trọng thu NSNN trực tiếp qua hệ thống các ngân hàng”.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Yên Bái Nông Xuân Hùng
|
Những mục tiêu trên của Dự án đã được thể hiện rõ khi chúng tôi có dịp thị sát tại các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian qua.
Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc KBNN Phú Thọ- Vương Thị Bẩy cho rằng, từ tháng 7-2010, địa bàn tỉnh Phú Thọ chính thức triển khai hệ thống Hiện đại hoá thu nộp NSNN. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện công tác phối hợp thu trên địa bàn đã góp phần vào việc đổi mới về cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ trong công tác quản lý quỹ NSNN theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, KBNN Phú Thọ tổ chức thực hiện việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu qua ngân hàng thương mại để tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp phạt, giảm bớt áp lực đối với công tác thu phạt vi phạm hành chính cho đơn vị. Việc tổ chức phối hợp thu NSNN với các ngân hàng được thực hiện với các khoản thu NSNN bằng tiền mặt và chuyển khoản. Đồng thời theo nguyên tắc kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu điện tử cả số thu NSNN và số đã thu NSNN. Trên cơ sở đó, cơ quan Kho bạc dễ dàng theo dõi số thu hàng ngày kịp thời.
“Hiện có 12/13 đơn vị KBNN trên địa bàn Phú Thọ thực hiện uỷ nhiệm thu cho các ngân hàng bằng tiền mặt. Trong năm 2013, tổng số thu NSNN là 3.408 tỷ đồng, trong đó số thu NSNN qua ngân hàng là 1.598 tỷ đồng, đạt 47%. Trong quý I-2014, tổng thu NSNN là 804 tỷ đồng, số thu qua ngân hàng là 443 tỷ đồng, đạt 55%”- Phó Giám đốc Vương Thị Bẩy nói.
Mặc dù là tỉnh triển khai Dự án sau Phú Thọ 1 năm nhưng các cơ quan như KBNN, Thuế, Hải quan, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng “tăng tốc” mở rộng các điểm thu. “Hiện nay toàn tỉnh có 32 điểm thu, trong đó có 27 điểm thu của Ngân hàng Nông nghiệp và 5 điểm thu của Ngân hàng Công thương. Các điểm thu thực hiện tốt công tác thu, nộp NSNN, việc xử lý chứng từ, hạch toán đối chiếu số liệu và quy trình nghiệp vụ thông suốt, đảm bảo các khoản thu NSNN tại tất cả các điểm thu của Ngân hàng đều được chuyển đến các đơn vị Kho bạc ngay trong ngày” – Phó Giám đốc KBNN Tuyên Quang, Trương Trọng Dũng cho biết.
Rào cản cần tháo gỡ
Dự án Hiện đại hóa quy trình thu nộp NSNN là dự án liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cán bộ và một khối lượng lớn đối tượng nộp thuế nên trong quá trình triển khai đôi lúc còn chưa đồng bộ. Cụ thể như: Danh mục đối tượng nộp thuế, danh mục tờ khai hải quan… chưa cập nhật đầy đủ do vậy khó khăn cho cơ quan Kho bạc và Ngân hàng khi hạch toán.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phối hợp thu và uỷ nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các ngân hàng thương mại đảm nhận; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc, yêu cầu đặt ra đối với các ngân hàng cần triển khai các hình thức thu nộp hiện đại theo chuẩn quốc tế như: Internet Banking, nộp thuế qua thẻ ATM và dịch vụ thu không chờ chấp thuận của ngân hàng thương mại; Hệ thống ngân hàng cần phát triển chương trình ứng dụng thu NSNN có kết nối trực tiếp với Chương trình kế toán nhằm loại trừ các trường hợp chênh lệch giữa số liệu trên Chương trình ứng dụng thu NSNN và chương trình kế toán của ngân hàng; Tăng cường trách nhiệm đối chiếu của cơ quan ra quyết định xử phạt đối với số đã thu được từ KBNN và ngân hàng thương mại. Cơ quan thu cần thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác dữ liệu về số phải thu NSNN để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thu nộp, đối chiếu số liệu ngữa ngân hàng và Kho bạc.
Theo kế hoạch KBNN đặt ra trong năm 2014 sẽ phối hợp với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan triển khai mở rộng phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại cổ phần đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định như: Ngân hàng thương mại CP Á Châu, Ngân hàng Xăng dầu, Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng Đông Nam Á, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng ANZ.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông