Kiến thức Tài chính kế toán Điều chỉnh tỷ giá để góp phần hỗ trợ xuất khẩu

Điều chỉnh tỷ giá để góp phần hỗ trợ xuất khẩu

9
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp trong 5 tháng đầu năm và tỷ giá đã duy trì ổn định trong gần một năm qua, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá 1% lần này là góp phần hỗ trợ xuất khẩu.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Quyết định tăng tỷ giá 1% là sự điều chỉnh bình thường. Ảnh internet.

Bà Hồng cho biết, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN có hiệu lực từ ngày 19-6 sẽ giúp hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.
Trên thực tế, sức cầu và sức hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, trong khi 5 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 15,4%, cho nên việc NHNN điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.
Trong điều kiện lạm phát ở mức thấp, CPI tháng 5 chỉ tăng 1,08% so với cuối năm 2013 thì việc điều chỉnh tỷ giá lần này không đáng lo ngại đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đề ra.
Cũng theo bà Hồng, định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có định hướng điều hành tỷ giá đã được NHNN đề ra và thông báo ngay từ đầu năm. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cân nhắc đến những định hướng này trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.
Đối với các TCTD, qua theo dõi, trong những tháng đầu năm, các TCTD đã tăng cường bán ngoại tệ cho NHNN, nguồn ngoại tệ các TCTD bán cho NHNN không chỉ từ nguồn ngoại tệ mua được của doanh nghiệp và người dân mà còn bán âm trạng thái ngoại tệ của mình. Vì vậy, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ rất lớn để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước (5 tháng đầu năm, NHNN mua được trên 10 tỷ USD).
Trong những tháng tiếp theo của năm 2014, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.
“Trong điều hành, NHNN sẽ chủ động kết hợp đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách để điều tiết thị trường tiền tệ, ngoại hối hợp lý, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra”- Bà Hồng cho biết.
Ngay trong ngày đầu thực hiện tăng tỷ giá, trao đổi quan điểm của mình về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Du Lịch cho rằng việc điều chỉnh này là bình thường, thể hiện sự linh hoạt trong điều hành của NHNN.
Điều này cũng phù hợp với sự trượt giá trong vài năm gần đây của đồng tiền Việt Nam. Sự điều chỉnh này cũng nằm trong dự báo và không phải là thay đổi chính sách tỷ giá bởi điều chỉnh 1% là nằm trong biên độ. Tuy nhiên, về tác động xuất khẩu, TS. Trần Du Lịch cho rằng, mức điều chỉnh 1% sẽ không có tác động lớn.
TS. Trần Du Lịch cho biết thêm, trong trường hợp từ nay đến cuối năm, kỳ vọng thị trường về tỷ giá tiếp tục tăng, NHNN vẫn đủ sức can thiệp một cách chủ động.
“Với tư cách một người nghiên cứu, ngay từ đầu năm, quan điểm của tôi là tỷ giá điều chỉnh biên độ khoảng 2% là phù hợp với mọi quan hệ kinh tế. Tôi nghĩ rằng vẫn còn dư địa để làm việc này. Còn NHNN có làm hay không là do NHNN. Với tình hình thị trường, cung cầu ngoại tệ hiện nay cũng như tiềm năng dự trữ ngoại hối của NHNN, việc kiểm soát tỷ giá là nằm trong tầm tay của NHNN”- TS. Trần Du Lịch nói.
Phải xóa kỳ vọng tiếp tục phá giá của thị trường

Bên hành lang Quốc hội ngày 19-6, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải can thiệp thị trường để điều hành tỷ giá theo ý muốn, không để thị trường tiếp tục có tâm lý kỳ vọng phá giá trong những tháng còn lại của năm.

NHNN vừa điều chỉnh 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

Tỷ giá trên thị trường những ngày gần đây đã liên tục sát trần. Một khi trần bị “đụng” liên tục thì sẽ vỡ trận, vì vậy phải có chính sách điều chỉnh.

Theo tôi, điều chỉnh liều lượng 1% là cần thiết. Nhưng NHNN phải bám sát thị trường và phải can thiệp bằng mọi giá, không được để sự kỳ vọng rằng NHNN sẽ tiếp tục phá giá nữa. Phải phá tan tâm lý đó, phải can thiệp và giữ tỷ giá ổn định trong cái khung đã quy định.

Thứ hai là sự điều chỉnh cần phải linh hoạt hơn. Không chỉ điều chỉnh tăng mà có khi phải điều chỉnh giảm. Có như vậy mới tránh được đầu cơ. Ví dụ giá xăng có khi điều chỉnh lên có khi điều chỉnh xuống. Như vậy, trong cung cầu ngoại tệ phải điều hành linh hoạt theo cung cầu.

Ngoài ra tỷ giá còn phục vụ cho mục tiêu điều hành hoạt động của nền kinh tế. Hiện nay, xuất khẩu đang có những khó khăn nhất định, do vậy việc chúng ta điều chỉnh tỷ giá nhằm mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu, nhất là nông sản. Tuy nhiên, đừng để việc điều chỉnh tỷ giá này tác động ngược lại đến giá cả hàng hóa trong nước, tác động đến giá cả của mặt hàng nhập khẩu, từ đó gây bất ổn về giá cả.

Vì vậy, NHNN phải giám sát điều này, các bộ Tài chính, Công Thương và các ngành khác phải có trách nhiệm cùng NHNN để đạt mục tiêu của việc điều chỉnh là hỗ trợ xuất khẩu, đảm bảo cân đối ngoại tệ, cân đối được cán cân thương mại trong thời gian tới.

Nếu sức ép về tỷ giá trên thị trường tiếp tục tăng, kỳ vọng phá giá vẫn còn, NHNN nên có những can thiệp gì đối với thị trường ?

Tôi cho rằng, thứ nhất là phải thực thi nghiêm Pháp lệnh Quản lý ngoại hối. Phải kiểm tra và không để tồn tại hiện tượng mua bán đầu cơ ngoại tệ trái pháp luật.

Thứ hai là NHNN phải can thiệp vào thị trường, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nguồn cung ngoại tệ để có thể cung cấp theo yêu cầu chính đáng của người dân cũng như các tổ chức kinh tế, không để hiện tượng có người mua mà không có người bán. Hiện nay, cán cân thanh toán quốc tế đang thặng dư tới hơn 10 tỷ USD, như vậy, chúng ta có thể can thiệp để điều hành tỷ giá theo ý muốn chủ quan của mình.

Như vậy là NHNN sẽ cần điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu của thị trường, thưa ông?

Đúng vậy, điều hành chính sách theo tín hiệu thị trường, nhưng cũng phải đáp ứng mục tiêu kinh tế. Chúng ta phải đảm bảo cân đối cán cân thương mại, trong khi xuất khẩu đang khó khăn, chúng ta phải hỗ trợ. Tuy nhiên, đừng để thị trường có kỳ vọng phá giá nữa sẽ rất nguy hiểm, phải can thiệp để xóa kỳ vọng đó.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Trân (ghi)
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không