Cộng đồng DN đang từng ngày mong chờ việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ để không còn những âu lo và trăn trở khi đầu tư tại Việt Nam.
Sản xuất tại Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam (DN FDI Nhật Bản). Ảnh: T.BÌNH
DN rất quan tâm đến Việt Nam
Theo số liệu của Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tăng liên tục trong 3 năm qua. Tổng vốn đầu tư mới và đầu tư mở rộng năm 2013 đạt 5,88 tỉ USD, đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đóng góp lớn cho sự phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Các bạn (cộng đồng DN – PV) tin vào Việt Nam, Việt Nam sẽ là 1 quốc gia 90 triệu dân rồi 100 triệu dân, một quốc gia mà chính trị xã hội ổn định, một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, có một môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch, hấp dẫn. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
(Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kì 2014)
|
Tính đến tháng 5-2014, số lượng các DN thành viên của JBAV đã đạt mốc 1.319 DN, khiến Việt Nam trở thành nước có Hiệp hội DN Nhật Bản quy mô lớn thứ hai trong các nước ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Con số này đã tăng gấp hơn hai lần so với số DN năm 2007.
Tuy nhiên, đại diện Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng: Dù các DN Nhật Bản vẫn rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam nhưng việc Chính phủ thiếu những giải pháp phù hợp khiến hoạt động đầu tư của Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ chững lại. Theo “Khảo sát thực trạng hoạt động của các DN Nhật Bản ở khu vực châu Á và châu Đại Dương” thường niên của JETRO, 70% DN Nhật đầu tư vào Việt Nam năm 2013 tiếp tục coi Việt Nam là một thị trường quan trọng cũng như duy trì chiến lược “mở rộng hoạt động” trong năm 2014 (một tỉ lệ cao so với phần lớn các quốc gia khác). Tuy vậy, các DN cũng ngày càng cảm thấy không hài lòng với môi trường kinh doanh tại đây. Đặc biệt, hơn 60% các DN được hỏi cho rằng những vấn đề đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đó là: Chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách Nhà nước thiếu minh bạch, thủ tục thuế rườm rà, hệ thống pháp luật thiếu hoàn thiện, thiếu minh bạch trong thực thi luật. Kết quả điều tra này tỏ ra thiếu tích cực hơn so với các nước ASEAN láng giềng khác.
“Tuy các DN Nhật Bản vẫn đánh giá rất cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam nhưng những vấn đề nêu trên đang ngày càng ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận của nhà đầu tư và về lâu dài sẽ có ảnh hưởng xấu đến cả hoạt động đầu tư FDI nói chung. Cải thiện môi trường kinh doanh cho DN hiện nay là một đòi hỏi cấp bách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội sau này của Việt Nam. Những DN đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam hiện đang theo dõi sát sao những gì đang diễn ra với những DN đi trước” – đại diện Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ thẳng thắn.
Những băn khoăn của Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng là những trăn trở của các cộng đồng DN nước ngoài khác từ nhiều năm nay. Việt Nam cũng đã nhận thức rõ được các yếu kém trong môi trường đầu tư. Chính vì thế, vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (Nghị quyết 19). TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương đánh giá: Nghị quyết chính là câu trả lời quan trọng giúp Việt Nam vượt qua thách thức suy giảm năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cũng thừa nhận rằng: Việc triển khai Nghị quyết 19 đến thời điểm này thực sự còn rất yếu, mới 1/3 địa phương có kế hoạch hành động. Nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 nằm nhiều ở các bộ hơn, song việc triển khai ở các bộ cũng chưa đạt yêu cầu.
Chờ đợi hiệu quả của Nghị quyết 19
Đề cập đến việc ban hành và thực thi Nghị quyết 19, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng với thông điệp năm mới 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nghị quyết 19 của Chính phủ được công bố ngày 18-3-2014. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc thay đổi. Chúng tôi mong muốn môi trường kinh doanh minh bạch nơi sự tương tác giữa cơ quan Nhà nước, giữa bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội phải được tăng cường. Đối thoại với người dân và DN phải được mở rộng dưới nhiều hình thức để thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nhà nước, cán bộ, công chức, người dân và chính sách pháp luật phù hợp hơn với thực tế. Bên cạnh đó, cơ quan Chính phủ cần có chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPIs), chẳng hạn số ngày cấp giấy phép, số giờ để hoàn thành quyết toán thuế, số ngày để thông quan hàng hóa XNK, để đo lường và tăng cường hiệu quả tương tác với nhân dân và DN.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Nghị quyết 19, Chỉ thị 11/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc kiến nghị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN đã đặt ra các mục tiêu cụ thể và hạn định thời gian để thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách hành chính của các cơ quan Chính phủ và chính quyền các địa phương. Ông Lộc đề nghị Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp với VCCI và cộng đồng DN kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình hành động, chương trình công tác đã đề ra của các bộ, cơ quan, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN… Công bố công khai các kết quả thực hiện chương trình hành động, Chương trình công tác. Huy động sự tham gia và đề xuất sáng kiến của các hiệp hội DN trong việc giám sát, phối hợp và đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chương trình hành động, chương trình công tác này của Chính phủ, của Bộ, cơ quan, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông