Chỉ cần một cú click chuột hay một cuộc điện thoại, khách hàng có thể ngồi tại nhà hay văn phòng để thưởng thức những món ăn mình yêu thích. Chính vì sự tiện lợi đó mà dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến ngày càng nở rộ.
Dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến thu hút được nhiều khách hàng bởi sự đơn giản, tiện lợi
Tiện…
Kinh doanh đồ ăn trực tuyến đang là một trào lưu khá “hot” bởi nhu cầu gọi đồ ăn về nhà tăng cao, nhất là trong những ngày nắng nóng và những ngày diễn ra giải bóng đá lớn nhất hành tinh Worldcup. Những trang web giúp khách hàng đặt món ăn trực tuyến liên tục xuất hiện như: Chonmon.vn, Eat.vn, Hungrypanda.vn, Goimon.vn, vietnamm.com… Chỉ cần đăng kí một tài khoản với đầy đủ thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại là khách hàng có thể lựa chọn bất cứ món ăn yêu thích nào và trong bất cứ thời điểm nào. Không những vậy, hiện nay rất nhiều hệ thống cửa hàng lớn có tên tuổi cũng đã bắt đầu có dịch vụ vận chuyển đồ ăn đến tận nhà cho khách hàng. Chất lượng đồ ăn luôn được những nhà hàng này đảm bảo và giao cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất để giữ nguyên hương vị đồ ăn.
Bên cạnh đó, dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến ngày càng lan rộng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet. Hình thức kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ với một vài món cơ bản liên tục nở rộ. Trên những trang rao vặt như enbac.com, muare.vn hay những diễn đàn như Webtretho, lamchame,… và thậm chí cả trên mạng xã hội facebook người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp những lời quảng cáo, rao vặt, nhận buôn bán vận chuyển từ những món cao cấp đến những đồ ăn vặt bình dân, từ những đặc sản vùng miền đến đồ ăn nhanh. Chè, sinh tố, nước giải khát, bánh mì, cơm, phở, hoa quả, pizza, mì Ý, kem,… luôn luôn sẵn sàng để vận chuyển cho bất cứ ai có nhu cầu. Theo khảo sát của phóng viên, đồ ăn trực tuyến thường rẻ hơn tại các cửa hàng từ 10 – 30%. Chi phí vận chuyển dao động từ khoảng 10.000 – 30.000 đồng/chuyến, tùy thuộc vào chính sách của cửa hàng theo hóa đơn giá trị cao hay thấp, thậm chí nhiều nơi còn được vận chuyển miễn phí.
Chị Nguyễn Huyền Trang (Thành Thái – Cầu Giấy – Hà Nội) chuyên bán các loại hoa quả NK, hoa quả đặc sản và những loại gia vị đi kèm như muối tôm, chẩm chéo. Chị cho biết khách hàng của nhà chị đa số đều sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà. “Do nhà mình bán hàng lâu năm nên đã tạo dựng được uy tín nhất định với khách hàng. Thông thường, khách nhà mình chỉ mua hàng tại cửa hàng lần đầu. Còn những lần sau, mình chỉ cần thông báo trên facebook có những loại quả nào mới về là khách hàng sẽ gọi điện đến và đặt giao hàng ngay chứ không bao giờ thắc mắc về chất lượng cũng như giá cả”.
… có song hành với lợi?
Đối với cửa hàng online, thời gian vận chuyển là một yếu tố rất quan trọng. Vậy nên, nhiều cửa hàng đã đưa tiêu chí “nhanh, thuận tiện” lên quảng cáo của mình. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng thực hiện đúng tiêu chí đó. Tình trạng giao chậm, không đúng giờ diễn ra rất thường xuyên nhất là đối với những cá nhân bán hàng nhỏ lẻ trên mạng xã hội. Việc khách hàng đặt hàng buổi sáng nhưng đến chiều hoặc tối mới được nhận không phải là hiếm. Chị Ngọc Hà (Thanh Xuân – Hà Nội) đặt mua cóc non tại một nhóm bán hàng trên facebook. Mặc dù đã dặn người bán hàng ship ngay lập tức nhưng phải đến hơn 2 tiếng sau chị mới nhận được đồ. “Người bán hàng có nhiều đơn hàng nhưng thường chỉ có một người đi giao nên việc nhận trễ diễn ra rất thường xuyên. Thắc mắc thì người chuyển hàng luôn viện những lí do như tắc đường, địa chỉ khó tìm để thoái thác”, chị Hà bức xúc.
Bên cạnh yếu tố thời gian vận chuyển, chất lượng của đồ ăn trực tuyến mới thật sự là điều đáng bàn. Ngay cả những nhãn hiệu đồ ăn có tiếng cũng khuyến khích khách hàng đến tận cửa hàng để thưởng thức bởi theo họ, quá trình vận chuyển sẽ làm nguội đồ ăn, dẫn đến giảm chất lượng. Mặt khác nếu bảo quản không tốt sẽ làm mất đi độ tươi ngon nhất là với những thực phẩm như: bánh mì, pizza, kem,…
Bên cạnh những trang web, cửa hàng có uy tín, một số trang web, người bán hàng nhỏ lẻ đã và đang cung cấp nhiều loại thực phẩm, đặc sản “ba không”: không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đăng kí chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” được rất nhiều người bán hàng sử dụng để lừa gạt người tiêu dùng. Việc ảnh quảng cáo một đằng còn thực tế chất lượng đồ ăn một nẻo và cân thiếu, giảm lượng đồ ăn… không còn là lạ. Không những vậy, thực phẩm luôn được đóng gói thô sơ vào các hộp nhựa, hộp xốp hay túi ni lông rất mất vệ sinh.
Thực chất, loại hình kinh doanh buôn bán thức ăn trên mạng không khác gì so với thức ăn đường phố. Ngoài sự tiện lợi và giá rẻ thì chúng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như địa điểm, hệ thống cung cấp nước sạch, vệ sinh cá nhân người bán hàng, các trang thiết bị dụng cụ phục vụ kinh doanh. Bởi vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng. Tránh mua hàng của những người bán theo thời vụ trên các trang mạng xã hội bởi chất lượng hàng hóa cũng như dịch vụ rất khó kiểm chứng.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông