Thời gian là vô cùng quý giá đối với mỗi người, muốn hoàn thành một việc gì đó bạn cũng cần phải có thời gian. Trong khi đó, thời gian lại không phải là một cái gì đó vô tận, thậm chí nó còn qua đi rất nhanh chóng. Làm thế nào để quản lý được quỹ thời gian của chính mình và để sử dụng nó một cách hiệu quả không dễ dàng chút nào.
Ảnh minh họa
Khái niệm “làm chủ thời gian” có lẽ sẽ được nhiều người ưa dùng hơn bởi khi bạn đã làm chủ được thời gian có nghĩa là bạn là người tạo ra nó chứ không phải là ‘nạn nhân” của nó.
Một khi bạn kiểm soát được thời gian của chính mình, bạn sẽ làm được bất cứ thứ gì bạn muốn và bạn cần.
Để làm được điều đó, bạn phải lên kế hoạch cho cuộc sống của mình để sống một cách có ý thức.
Trước tiên, bạn phải xác định rõ:
– Hướng đi của bạn là gì
– Mục đích của bạn
– Quyết định của bạn dựa trên cơ sở nào
– Điều gì là quan trọng với cuộc sống của bạn
Sau đó là sống một cách có ý thức, bạn phải vạch ra những thứ cần làm giống như một “bản đồ cuộc sống”
Thứ nhất, để làm chủ thời gian, bạn phải nhận thức rõ đâu là khả năng thực sự của bạn và đâu là sự may mắn mà bạn có được.
Sau khi đã làm điều đó, bạn hãy lên danh sách những nhiệm vụ mà mình phải hoàn thành cả trong công việc kinh doanh lẫn cuộc sống hàng ngày (bao gồm cả những việc bạn làm không tốt, những việc bạn làm tạm ổn và những việc bạn có thể hoàn thành tốt).
Chia sẻ kế hoạch này với những người khác và giao phó những việc cần phải làm cho họ. Như vậy bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để tập trung vào những thế mạnh của mình, tập trung vào mục đích của mình. Bằng cách này, bạn sẽ không cảm thấy “quá tải” trong công việc cũng như cuộc sống, tinh thần sẽ thoải mái hơn rất nhiều.
Cuối cùng, bạn cần biết đến sự tồn tại của 5 nhóm thời gian khác nhau:
Thời gian dành cho gia đình: Thời gian này là rất quan trọng, đây chính là khoảng thời gian bạn và những người thân trong gia đình cùng ngồi lại bên nhau, cùng trò chuyện, chia sẻ những niềm vui cũng như những khó khăn trong cuộc sống. Một bữa cơm tối bên cạnh những người thân yêu thật sự rất quý giá nên bạn đừng đánh mất nó.
Bạn cũng không nên “tham việc” quá. Trong khoảng thời gian này, tuyệt đối không trả lời điện thoại có liên quan đến công việc, không trả lời email, tin nhắn hay bất cứ hình thức liên hệ nào khác.
Thời gian “nạp” năng lượng: Sau những ngày làm việc mệt mỏi, bạn cảm thấy như sức lực của mình sắp cạn kiệt, bạn cần phải có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục lại sức khỏe. Bạn cần được nạp năng lượng giống như nạp pin cho một chiếc điện thoại hết pin vậy. Hãy dành ít nhất 1 ngày/ tuần để nghỉ ngơi, thư giãn và làm bất cứ điều gì bạn muốn. Bạn có thể lựa chọn đến một nơi thật yên tĩnh cùng với người yêu hoặc gia đình.
Ngoài ra, trong một tuần, bạn cũng nên lên kế hoạch cho việc tập luyện và tự chăm sóc sức khỏe.
Thời gian mục đích: Với thời gian mục đích, bạn hãy chú tâm vào lĩnh vực bạn có thể làm tốt nhất, khi đó bạn sẽ có được sự sáng tạo tốt nhất cũng như năng lượng tràn trề nhất. Dành nhiều thời gian hơn cho lĩnh vực này để bạn có thể tập trung vào công việc mà không bị ngắt quãng.
Thời gian cho những công việc mang tính xã hội: Dù bận rộn đến mấy thì tất cả chúng ta vẫn cần phải dành một chút ít thời gian để làm những việc mang tính xã hội: như tham gia vào một tổ chức từ thiện, gặp gỡ, giao lưu bạn bè…Khi bạn đã lập gia đình, quãng thời gian đó có vẻ “eo hẹp” hơn, bạn nên dành ít nhất 2 tiếng đồng hồ mỗi tuần cho công việc này để cân bằng cuộc sống.
Thời gian chuẩn bị: Ngoài thời gian dành cho gia đình, công việc, thời gian nghỉ ngơi, bạn cũng cần phải dành một khoảng nhỏ trong quỹ thời gian của mình cho các công việc lặt vặt hay còn gọi là những việc phụ.
Bạn hãy tranh thủ thời gian này đến siêu thị để mua thực phẩm cũng như những vật dụng cần thiết trong nhà, sắp xếp lại nhà cửa, giặt quần áo, thanh toán các hóa đơn tiền điện, tiền nước, tự làm bữa tối tại nhà…
Giờ thì bạn đã hiểu về những “nhóm” thời gian khác nhau rồi chứ? Hãy sắp xếp công việc của bạn theo những nhóm thời gian đó để cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Khi cân bằng được cuộc sống, bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn để tập trung cho những mục tiêu quan trọng trong đời mà bạn đã xác định.
Học cách làm chủ quỹ thời gian là cả một quá trình, không giống với việc bạn đấu tranh để quản lý nó. Điều cốt yếu để thành công đó là bạn không nên nóng vội, phải thực hiện một cách từ từ. Dù có thành công hay thất bại thì bạn cũng đã học được rất nhiều điều từ quá trình đó. Đừng biến bản thân mình thành “nô lệ” cho thời gian.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông