Kiến thức Đào tạo Kỹ năng mềm và tư tưởng cần thiết đối với sinh viên...

Kỹ năng mềm và tư tưởng cần thiết đối với sinh viên mới ra trường

11
Hàng năm một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường, vật lộn với việc kiếm công việc phù hợp với bản thân, và không phải ai cũng may mắn tìm được việc mình mong muốn. Đa phần các trường đại học lớn đều ở các thành phố lớn, và sau khi tốt nghiệp các sinh viên đều muốn trụ lại tại những nơi này, nên mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Không phải bạn trẻ nào khi ra trường cũng hồ sơ dày đặc các kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, hay làm thêm, để thỏa mãn đòi hỏi ngày càng cao từ các nhà tuyển dụng. Kiến thức không thì không phải lúc nào cũng đủ cho sự cạnh tranh, và do đó các kỹ năng mềm và tư tưởng tích cực cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc mang lại cơ hội việc làm, cũng như sự định hướng đúng đắn cho tương lai.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

1. Giao tiếp linh hoạt
Bạn thử đặt mình trong địa vị của một người phỏng vấn bạn sẽ chọn ai giữa một người có khả năng giao tiếp tốt và một người không biết cách ứng xử cho hợp hoàn cảnh? Chưa tính đến khả năng ngoại ngữ, công việc sẽ suôn sẻ hơn chỉ cần bạn là người biết cách ứng xử và linh hoạt trong giao tiếp. Buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng có thành công hay không cũng phụ thuộc vào tài ăn nói, và sự thể hiện của bạn. Nói đúng, đủ, và trả lời một cách thông minh sẽ giúp bạn bước tiếp vào vòng trong. Tùy từng đối tượng mà cần có cách giao tiếp khác nhau. Đối với những bạn thích làm những công việc liên quan đến kinh doanh hay chăm sóc khách hàng thì khả năng giao tiếp tốt là không thể thiếu.
Biết thêm ngoại ngữ cũng làm nên sự linh hoạt đáng kể trong giao tiếp khi mà bạn có thể giao tiếp được với nhiều đối tượng từ nhiều nước khác nhau. Đặc biệt những ai muốn làm việc tại công ty nước ngoài, ngoại ngữ là chìa khóa để vượt qua được vòng phỏng vấn, giải quyết công việc và mang lại cơ hội thăng tiến. Hãy thử tưởng tựợng xem, chỉ cần nói được tiếng Anh trôi chảy thì bạn có thể nói chuyện được thêm với bao nhiêu người, và nộp đơn được thêm vào bao nhiêu công ty? Con số cũng không nhỏ đúng không bạn? Điều này cũng giải thích phần nào tại sao du học sinh sau khi quay về Việt Nam lại có khả năng xin việc được nhanh hơn và với mức lương thường cao hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng chỉ học ở Việt Nam. 

2. Suy nghĩ tích cực
Đừng bi quan nếu bạn không kiếm được việc phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp, trừ khi bạn sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà mình có thể làm. Hãy đặt ra cho mình một thời hạn nhất định như 1 tháng hay 2 tháng để tìm việc. Như vậy bạn sẽ không quá căng thẳng, và đủ minh mẫn để tập trung tìm công việc.
Nếu không kiếm được việc mình mong muốn, mà phải làm công việc khác thì cũng không nên cảm thấy chán nản, dù sao mình cũng đã cố gắng rồi. Hãy nghĩ rằng công việc hiện tại là bàn đạp cho những dự định tương lai. Vẫn biết rằng không nên chuyển việc quá nhiều, nhưng không ai cấm chúng ta thay đổi công việc khi có cơ hội cho điều gì đó tốt đẹp hơn, phù hợp hơn. Những gì mình học được không bao giờ thừa, sẽ có lúc có lúc dùng đến.

3. Tư tưởng cầu tiến
Luôn luôn trau dồi kiến thức và học hỏi từ người khác sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn, tiến xa hơn. Người ta thường nói sinh viên mới ra trường như tờ giấy trắng, những kinh nghiệm sau này có được cũng từ sự học hỏi mà nên. Không có nhà tuyển dụng nào dám mạo hiểm chọn ứng viên kiêu ngạo tự cho mình biết hết mọi thứ và có thể làm mọi việc cả, mà họ chọn những người khiêm tốn và mong muốn được học hỏi.
Ngoài ra, chấp nhận thử thách cũng là yếu tố cơ bản giúp bạn đặt nền móng cho tương lai. Không có cái gì là dễ dàng ngay từ ban đầu. Nếu không tìm được công việc phù hợp ngay, hãy chấp nhận làm công việc mình có thể làm hoặc gần nhất với nguyện vọng để tích lũy kinh nghiệm trước. Bạn nên chuẩn bị sẵn tâm lý trước khi đi làm rằng công việc mình chọn chưa chắc sẽ như mình tưởng tượng, sẽ có những giai đoạn người ta gọi là “trăng mật”, “vỡ mật” và rồi “thích nghi”. Khi mới vào công ty, mọi việc đều mới mẻ, với nhiều hứng khởi trong công việc, con người tràn trề sinh lực. Rồi thời kỳ “vỡ mật” đến với những khó khăn trong công việc, với sự đòi hỏi tăng dần từ công ty, đối với người mới đi làm không phải lúc nào cũng dễ dàng xử lý suôn sẻ được, và cũng đã qua giai đoạn khẽ tí là nhờ đồng nghiệp giúp đỡ. Nếu bản thân vượt qua được giai đoạn này sẽ bước sang quá trình “thích nghi”, nắm bắt được công việc, thậm chí có thể kiểm soát được nó theo guồng quay của mình. Đừng bao giờ vội vàng xin nghỉ việc hay chán nản khi bạn chỉ mới trong giai đoạn “vỡ mật”, mà nên biết rằng công việc nào cũng vậy, cũng cần có thời gian thử thách, rồi mới thích nghi được. Đừng biến mình thành người dễ dàng bỏ cuộc. Ví dụ như hãy cho mình ít nhất 6 tháng để tìm hiểu công việc, và khoảng 1 năm để biết chắc chắn rằng mình có thể tiếp tục làm việc đó hay nên chuyển. Như vậy sẽ không có sự hối tiếc rằng mình đã không nỗ lực hết sức trước khi từ bỏ, hay vì quá nóng vội mà bỏ lỡ cơ hội đã trong tầm tay.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không