Kiến thức Tuyển dụng Việc làm tạm: cơ hội tiến thân

Việc làm tạm: cơ hội tiến thân

12
Bạn mới ra trường, chưa tìm được việc đúng chuyên ngành, bạn đang “trần mình” với việc làm thêm, đừng lo lắng và bi quan.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Ông Huỳnh Kim Tước – Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Webspro Asia, người từng trải qua nhiều công việc: cố vấn GOOGLE tại Việt Nam, điều phối viên trong chương trình AmeriCorps tại TP San Antonio (Texas, Mỹ)… cho rằng: “Đừng bao giờ nghĩ công việc tạm thời hoặc bán thời gian không có tương lai. Thực tế, trong khoảng thời gian rảnh rỗi, những công việc này sẽ cho bạn rất nhiều điều thú vị mà nếu không nhập cuộc, bạn không bao giờ phát hiện ra”. Ông khuyên:

“Thần dược”
Chỉ cần có công việc, dù là việc tạm thời, bạn cũng không rơi vào trạng thái chán nản, vì nghĩ rằng mình vô dụng. Bạn hoàn toàn chủ động về thời gian, tự xác lập giờ làm việc cho bản thân mà không bị ai nhắc nhở, xét nét, miễn là bạn hoàn thành và bàn giao công việc đúng thời hạn. Thêm nữa, khi có công việc phát sinh, bạn sẽ được trả tiền làm thêm, đó chính là động lực để bạn tiến lên.

Ghi điểm
Một trong những yếu tố quan trọng khi các nhà tuyển dụng (NTD) có uy tín chọn nhân viên là họ xem xét khoảng thời gian nhàn rỗi mà ứng viên không đi làm hay đi học. Họ muốn ứng viên phải giải thích nguyên nhân vì sao không đi làm; và thường việc này sẽ làm cho các bạn trẻ mới ra trường bối rối. Biết chứng tỏ năng lực và sự chủ động của mình trong thời gian rảnh rỗi bằng kinh nghiệm làm thêm chính là một lý lịch công việc đẹp, là “điểm cộng” cho bạn trong mắt NTD.

Cơ hội chọn nghề
Nên từ bỏ ý nghĩ: chỉ có “dân” học kinh doanh mới có thể kinh doanh. Trước đây tôi cũng không nghĩ mình sẽ làm kinh doanh, vì chuyên ngành của tôi là Tâm lý. Nhưng từ khi làm việc tại các tập đoàn của Phú Mỹ Hưng, tập đoàn ô tô DaimlerChrysler với nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam; cố vấn GOOGLE… đã giúp tôi có nhiều sự lựa chọn. Bí quyết của tôi là không xem thường bất kỳ việc nào, kể cả việc tạm thời. Vì chỉ khi yên tâm với công việc tạm thời, bạn mới có thời gian nhìn nhận về năng lực của bản thân, những sở trường, sở đoản, để phát huy cho phù hợp; lương từ việc tạm thời giúp bạn không phải lo “sốt vó” tìm việc, để rồi vội vàng nhận bừa chỉ để có việc làm. Ngược lại, nó giúp bạn có nhiều thời gian nghiên cứu về thị trường việc làm, suy tính và chọn lựa phù hợp các vị trí đang khuyết mà các NTD cần.

Tăng kiến thức
Công việc tạm thời, dù có thể không đúng chuyên môn, nhưng kiến thức phong phú từ những ngành nghề khác nhau sẽ vô cùng quý giá đối với việc thăng tiến trong sự nghiệp của bạn. Yếu tố quan trọng nhất để trở thành nhà quản lý giỏi về nhân sự, bán hàng, tài chính… là vốn kiến thức tổng hợp, giúp bạn có một tầm nhìn tổng thể. Bạn đừng để đến tuổi trung niên mới “lội ngược dòng” học kỹ năng lãnh đạo – quản lý để được đề bạt vào các vị trí cao hơn. Rất phí thời gian, công sức và tiền của mà nhiều khi cái có được chỉ là con số “không”.

Dễ tìm việc
NTD luôn săn lùng các ứng cử viên đang có việc chứ không ai săn người thất nghiệp, đây chính là lý do vì sao người đang đi làm tìm việc dễ hơn người thất nghiệp. Nếu ta có một công việc làm tạm hoặc bán thời gian thì sẽ không rơi vào tình trạng này.

Part-time có giới hạn
Làm nhiều công việc sẽ giúp bạn có điều kiện mở rộng thêm các mối quan hệ mới. Từ đó có thể tạo lập cho mình một mạng lưới thông tin rộng rãi với nhiều người; mạng lưới này không chỉ có lợi cho bạn ở hiện tại mà còn trong tương lai. Tuy nhiên, bạn đừng thay đổi quá nhiều công việc làm thêm trong thời gian ngắn. Vì NTD sẽ đánh giá bạn là “đứng núi này, trông núi nọ”, họ sẽ không tin tưởng khi có ý định nhận bạn vào làm lâu dài. Tốt nhất, bạn nên có ý định nghiêm túc khi chọn việc làm thêm, đầu tư tâm sức vào công việc đó. Có như vậy, dù công việc có trái ngành thì NTD vẫn đánh giá cao về bạn.
Tóm lại, hãy xem việc làm tạm và bán thời gian như là lớp học về các kỹ năng tổng hợp cần thiết cho sự nghiệp của mình trong tương lai. Đừng ngại chấp nhận làm part-time, bởi chắc chắn bạn sẽ “lời” khi có thêm nhiều kinh nghiệm và vững vàng hơn trong công việc. Khi bạn làm tốt, có những đóng góp tích cực cho công ty trong thời gian làm tạm thời, thì 99% chính công ty này sẽ cân nhắc việc mời bạn về làm lâu dài cho họ.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không