Khi mới bước chân vào thế giới việc làm, bạn nghĩ mọi chuyện rồi sẽ xuôi “chèo mát mái”, rằng bạn sẽ tìm được một công việc thú vị, làm việc chăm chỉ, và nhận được phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng đó. Nhưng cuộc sống không hề đơn giản như thế.
Ảnh minh họa
Trong quá trình làm việc, bạn sẽ nhận ra một vài bài học “khó nhằn” liên quan tới sự nghiệp. Trang Business Insider giới thiệu 5 trong số những bài học nghề nghiệp “cay đắng” nhất nhưng phổ biến nhất:
1. Bạn phải tự mình ủng hộ mình, vì bạn không thể dựa vào người khác
Có rất nhiều nhân viên cho rằng, công ty sẽ nhận ra tài năng và thành tích của họ, để rồi họ được tăng lương, cân nhắc, hay phân công những công việc tốt hơn. Điều này cũng có lúc xảy ra, nhưng đừng quá ngây thơ mà hy vọng. Thay vào đó, bạn phải là người ủng hộ bản thân nhiều nhất, và để làm được như vậy, bạn sẽ cần phải cất tiếng nói, cho dù đó là bày tỏ nguyên vọng muốn được tăng lương hay nêu thành quả công việc của bạn trong cả năm làm việc.
2. Uy tín của bạn có ý nghĩa rất quan trọng
Đôi khi, một số người băn khoăn tại sao mình lại phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực để hoàn thành tốt công việc, trong khi nhà sử dụng lao động có thể không thể hiện cùng sự cam kết. Lý do tại sao? Bạn làm việc không phải vì công ty, mà bạn làm việc vì bản thân bạn. Việc xây dựng uy tín như một người nổi bật trong công việc đồng nghĩa với bạn đang tạo ra cho bản thân một mạng lưới an toàn.
Có uy tín, bạn sẽ khiến các nhà tuyển dụng muốn thuê bạn khi bạn cần việc làm, sếp cũ của bạn đưa ra những lời giới thiệu tốt đẹp khi bạn chuyển việc, và bạn sẽ có khả năng đòi hỏi một mức lương cao hơn. Ngược lại, khi uy tín của bạn thấp, bạn sẽ ngày càng khó đạt được những điều mà bạn muốn trong sự nghiệp. Vì thế, hãy biết cách xây dựng và bảo vệ uy tín của mình. Đó là một trong những “đồng tiền” giá trị nhất mà bạn có.
3. Một vị sếp tồi có thể phá hỏng công việc tuyệt vời nhất
Có thể bạn rất yêu công việc và các đồng nghiệp, nhưng nếu bạn có một vị sếp tồi, tất cả những điều đó sẽ chẳng còn nghĩa lý gì. Một vị sếp tồi có thể khiến cuộc sống hàng ngày của bạn trở nên tệ hại, nên điều quan trọng là bạn cần xem xét những người có thể trở thành cấp trên của mình trước khi chấp nhận một công việc nào đó. Đừng quá hứng thú với công việc mà bạn sẽ làm đến nỗi không nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm về người sẽ lãnh đạo bạn.
4. Không có công việc trong mơ
Hoặc ít nhất là không có công việc trong mơ mà bạn có thể nhận thấy từ bên ngoài. Có thể bạn vẫn nghĩ mình sẽ yêu thích một công việc nào đó hoặc muốn làm việc ở một công ty cụ thể nào đó. Nhưng bạn không bao giờ biết thực tế sẽ như thế nào cho tới khi bạn thực sự vào cuộc.
Rất nhiều người đã phát hiện ra “công việc trong mơ của họ” chỉ là một “cơn ác mộng” với một vị sếp tồi tệ hoặc những đồng nghiệp không ra gì, hoặc thời gian làm việc quá dài đến nỗi họ chẳng còn có thời gian cho gia đình. Việc bạn tin một cơ hội việc làm nào đó là công việc trong mơ có thể sẽ khiến bạn bỏ qua những tín hiệu cảnh báo trong quá trình xin được làm công việc đó, khiến bạn nhận làm một công việc hóa ra chẳng có gì giống như bạn đã mơ trước đó.
5. Bằng cấp của bạn có thể sẽ không giúp ích nhiều cho bạn như bạn nghĩ
Tấm bằng đại học giờ không còn mở ra những cánh cửa tuyệt vời như trước kia, và có rất nhiều sinh viên mới ra trường bị “sốc” khi nhận thấy rằng, cho dù có bằng cấp, họ vẫn khó kiếm được công việc như họ muốn, thậm chí là không kiếm nổi một công việc nào.
Kinh nghiệm công việc đang ngày càng trở nên quan trọng, và các sinh viên không bắt đầu tìm kiếm kinh nghiệm thực sự trước khi ra trường có thể sẽ vấp phải một khởi đầu bất lợi. Đây là một bài học mà bạn có thể tránh được nếu bạn biết lên kế hoạch sớm, và sẽ càng tốt nếu các trường học và phụ huynh cũng giúp các sinh viên trong vấn đề này.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông