Sau khi Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ cũng như những yêu cầu, giải pháp cải cách liên quan đến lĩnh vực thuế theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, phóng viên Tạp chí Thuế đã trao đổi với Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc.
Bà Nguyễn Thị Cúc.
Xin bà cho biết những nhiệm vụ cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ?
Nghị quyết 19 là một gói các giải pháp đổi mới nhằm cắt giảm chi phí, rủi ro trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, trong đó có yêu cầu ngành thuế cải cách quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các DN hoàn thành thủ tục nộp thuế, đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm); tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, kho bạc một cách toàn diện, hiện đại; triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông, tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực này để tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay trong năm 2014; công khai, minh bạch về thủ tục hành chính thuế, hải quan để DN và người dân dễ tiếp cận và giám sát việc thực hiện; tăng cường đối thoại giữa DN với các cơ quan thuế, hải quan về những khó khăn, vướng mắc để xử lý kịp thời.
Mục tiêu đặt ra đối với cơ quan thuế là rất rõ ràng, nhưng theo đánh giá của WB và IFC, Việt Nam đang là một trong các quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế (năm 2014 mất 872 giờ). Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Để xác định các thách thức thực sự liên quan đến hệ thống quy định về thủ tục thuế ở Việt Nam, cần làm rõ cách đánh giá của IFC và WB. Theo đó, mức độ thuận lợi về thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh dựa trên 3 tiêu chí đó là số lần nộp thuế, thời gian nộp thuế và tổng mức thuế suất. Số lần nộp thuế của Việt Nam kể cả bảo hiểm xã hội là 32 lần. Tuy nhiên dữ liệu để tính toán thường chênh lệch với thực tế 2 năm nên nhiều yếu tố cải cách về chính sách thuế đã thực hiện trong thời gian qua chưa được ghi nhận. Nếu tính cả việc giảm tần suất kê khai thuế GTGT của DN nhỏ và vừa từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm thì số lần nộp thuế của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực châu á Thái Bình Dương là 25 lần. Tổng mức thuế suất ở Việt Nam là 35,2% chỉ cao hơn một chút so với các nước trong khu vực là 34,5%. Tuy nhiên từ năm 2014, Việt Nam đã giảm mức thuế TNDN từ 25% xuống còn 22% với DN lớn và 20% với các DN nhỏ, nên tổng thuế suất sẽ giảm xuống dưới 34%, thấp hơn so với các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với các nước trong khối OECD (41,3 %). Do đó, có thể khẳng định, số lần nộp thuế và tổng mức thuế suất ở Việt Nam là hợp lý. Gánh nặng tuân thủ về thủ tục hành chính thuế dồn về thời gian làm thủ tục hành chính thuế, trong đó có nguyên nhân chính là chính sách và công tác quản lý. Không thể phủ nhận trong thời gian qua, ngành thuế đã có nhiều cố gắng nỗ lực cải cách nhằm giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách và quy trình quản lý thuế vẫn gây ra những khó khăn cho DN, đó là việc ban hành chính sách còn thiếu sự thống nhất, rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Một số văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật thuế ban hành chậm, dẫn đến khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh, nhưng do hệ thống hạ tầng chưa đảm bảo nên còn có hiện tượng nghẽn mạng trong thời gian kê khai thuế. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo về nội dung và thời gian làm việc. DN là đối tượng thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, thanh tra chính phủ, thanh tra tài chính, kiểm toán nhà nước. Các cơ quan này thường hoạt động độc lập, đơn vị sau không sử dụng kết quả của đơn vị trước, làm mất nhiều thời gian của DN. Đặc biệt theo cách đánh giá của báo cáo, chỉ tiêu nộp thuế không phải theo khái niệm thông thường mà còn bao gồm các khoản đóng góp bắt buộc khác của DN như các khoản phí lệ phí và các khoản bảo hiểm mà chủ sử dụng lao động phải nộp. Chi phí thời gian cho nộp bảo hiểm lên tới 335/872 giờ, chiếm tới 38,42% tổng số giờ nộp thuế, khiến Việt Nam luôn là quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế.
Theo bà, để đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, trong thời gian tới cần triển khai những giải pháp gì?
Có thể khẳng định đây là nhiệm vụ rất khó khăn, cần sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt từ Chính phủ, Bộ Tài chính đến các cơ quan liên quan. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách, công bố công khai từng thủ tục hành chính thuế, đồng thời đưa ra các quy trình có thể kiểm đếm, lượng hoá được rõ ràng và thực hiện thống nhất trong toàn ngành thuế. Cơ quan thuế cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút thêm nhiều DN thực hiện kê khai, nộp thuế qua mạng, sẽ giúp giảm đáng kể thời gian nộp thuế cho DN. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách thuế đang trong quá trình sửa đổi bổ sung và thường xuyên thay đổi nên việc cập nhật và thực hiện đúng chính sách là vấn đề rất khó đối với các DN nhỏ và vừa. Do đó Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần nghiên cứu hỗ trợ phát triển hệ thống đại lý thuế theo hướng xã hội hoá trong hoạt động cấp phép, chứng chỉ hành nghề dịch vụ thuế, nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng dịch vụ; xây dựng hệ thống đại lý thuế trở thành cầu nối cơ quan thuế và người nộp thuế, góp phần giảm chi phí về thời gian và nguồn lực, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế. Cùng với cơ quan thuế, ngành bảo hiểm cần vào cuộc để rút ngắn thời gian nộp bảo hiểm đạt mức trung bình của các nước ASEAN, góp phần nâng cao xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Xin cảm ơn bà!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông