2014 là năm nhiều cơ chế, chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành, nhằm tăng cường quản lý, tránh gian lận thuế của doanh nghiệp. Để giúp các doanh nghiệp hiểu kỹ hơn các quy định này, bài viết xin đưa ra những ví dụ minh họa, trên cơ sở đó phân tích, bình luận một số trường hợp điển hình mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải.
2014 là năm nhiều cơ chế, chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành, nhằm tăng cường quản lý, tránh gian lận thuế của doanh nghiệp. Nguồn: internet
Liên quan đến thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP. Thông tư 219/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, thay thế Thông tư số 06/2012/ TT-BTC ngày 11/01/2012 và Thông tư số 65/2013/ TT-BTC ngày 17/5/2013 của Bộ Tài chính.
Điều 15 của Thông tư này quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời quy định rõ về chứng từ thanh toán (CTTT) không dùng tiền mặt với những nội dung quy định rất cụ thể. Để thực hiện tốt những yêu cầu này của cơ quan thuế, yêu cầu đặt ra với các DN là phải nắm bắt được cụ thể những chứng từ được sử dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là việc quy định về tài khoản mở tại ngân hàng phải đăng ký với cơ quan thuế.
Qua thực tế triển khai cho thấy, mặc dù quy định đã ban hành được một thời gian, việc phổ biến tuyên truyền chính sách đã được ngành Thuế quan tâm triển khai, nhưng hiện không ít DN vẫn rất lúng túng, nắm chưa vững chế độ chính sách, dẫn đến gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định về CTTT không dùng tiền mặt theo Thông tư 219/2013/TT-BTC. Để giúp các DN hiểu kỹ hơn các quy định này, bài viết xin đưa ra những ví dụ minh họa, trên cơ sở đó phân tích, bình luận một số trường hợp điển hình mà nhiều DN hiện nay đang gặp phải. Cụ thể:
Các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán hoặc CTTT theo các hình thức không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành không đủ điều kiện để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 20 triệu đồng trở lên.
Ví dụ 1: Công ty A mua hàng hóa của Công ty B có tổng giá thanh toán trên hóa đơn là 22 triệu đồng (thuế GTGT là 2 triệu đồng). Công ty A mang tiền mặt nộp vào tài khoản của Công ty B thì với hóa đơn này Công ty A sẽ không đủ điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT. Nghĩa là Công ty A không được khai vào bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào hóa đơn có số tiền thuế là 2 triệu đồng.
Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên theo giá đã có thuế GTGT nếu không có CTTT qua ngân hàng thì không được khấu trừ. Đối với những hóa đơn này, cơ sở kinh doanh (CSKD) kê khai vào mục hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện khấu trừ trong bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào.
Ví dụ 2: Công ty A ngày 10/3/2014 mua hàng hóa của Công ty B yêu cầu ghi làm 2 hóa đơn và thanh toán bằng tiền mặt: Hóa đơn GTGT có tổng giá thanh toán 16.500.000 đồng, hóa đơn GTGT có tổng giá thanh toán 11.000.000 đồng.
Mặc dù giá trị của từng hóa đơn dưới 20 triệu đồng nhưng do 2 hóa đơn này phát sinh cùng một ngày và cùng một nhà cung cấp là Công ty B có tổng giá trị của 2 hóa đơn là 27.500.000 đồng nên khi Công ty A thanh toán bằng tiền mặt thì 2 hóa đơn này sẽ không được khấu trừ thuế.
Đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn GTGT và CTTT qua ngân hàng của hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời ghi rõ thời hạn thanh toán vào phần ghi chú trên bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào. Trường hợp chưa có CTTT qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc trước ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31/12, CSKD vẫn được khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Ví dụ 3: Trong năm 2014, Công ty A có phát sinh các hóa đơn GTGT mua hàng theo hợp đồng trả chậm như sau:
– Hóa đơn GTGT mua hàng tháng 4/2014 tổng giá thanh toán 110 triệu đồng, thời hạn thanh toán 25/10/2014. Đến thời hạn Công ty A khó khăn về tài chính nên chưa thanh toán được. Đến ngày 28/12/2014, Công ty A chuyển khoản thanh toán tiền cho Công ty B toàn bộ số tiền;
– Hóa đơn GTGT mua hàng tháng 11/2014 tổng giá thanh toán 22 triệu đồng, thời hạn thanh toán 10/2/2015. Đến ngày 31/12/2014, Công ty A chưa chuyển khoản thanh toán tiền cho Công ty B do chưa đến thời hạn thanh toán.
Công ty A đã kê khai khấu trừ thuế GTGT khi nhận được hóa đơn GTGT mua hàng. Do hóa đơn thứ nhất thanh toán chuyển khoản trước thời điểm 31/12 và hóa đơn thứ hai chưa đến thời điểm thanh toán nên Công ty A không phải khai điều chỉnh các hóa đơn trên là phù hợp với quy định.
Đến thời điểm thanh toán theo hợp hợp đồng hoặc đến ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31/12, nếu CSKD không có CTTT qua ngân hàng thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, CSKD phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ của giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào không có CTTT qua ngân hàng. Sau khi đã điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào đã khấu từ tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào không có CTTT qua ngân hàng, CSKD có được chứng từ chứng minh việc thanh toán qua ngân hàng thì mới được khai bổ sung.
Ví dụ 4: Trong năm 2014, Công ty A có phát sinh các hóa đơn GTGT mua hàng theo hợp đồng trả chậm như sau:
– Hóa đơn GTGT mua hàng tháng 4/2014 tổng giá thanh toán 110 triệu đồng (thuế suất thuế GTGT 10%), thời hạn thanh toán 25/10/2014. Ngày 5/2/2015 Công ty A có CTTT qua ngân hàng thanh toán toàn bộ số tiền 110 triệu đồng.
– Hóa đơn GTGT mua hàng tháng 8/2014 tổng giá thanh toán 55 triệu đồng (thuế suất thuế GTGT 10%), thời hạn thanh toán 23/12/2014. Ngày 10/4/2015 Công ty A có CTTT qua ngân hàng thanh toán toàn bộ số tiền 55 triệu đồng.
Công ty A đã khai khấu trừ thuế GTGT khi nhận được hóa đơn GTGT mua hàng. Đến thời điểm thanh toán theo các hợp đồng, Công ty A chưa có CTTT qua ngân hàng. Công ty A xử lý bằng cách:
(i) Kê khai điều chỉnh giảm theo từng hóa đơn khi đến thời hạn thanh toán. Hóa đơn thứ nhất điều chỉnh giảm số tiền thuế 10 triệu đồng trong kỳ khai thuế tháng 10. Hóa đơn thứ hai điều chỉnh giảm số tiền thuế 5 triệu đồng trong kỳ khai thuế tháng 12.
(ii) Kê khai điều chỉnh giảm cả 2 hóa đơn GTGT mua hàng số tiền thuế điều chỉnh giảm 15 triệu đồng trong kỳ khai thuế tháng 12.
Khi có CTTT qua ngân hàng, Công ty A khai điều chỉnh bổ sung thuế GTGT. Cụ thể: Công ty A khai bổ sung số tiền thuế 10 triệu đồng trong kỳ khai thuế tháng 2/2015 và bổ sung số tiền thuế 5 triệu đồng trong kỳ khai thuế tháng 4/2015.
Trường hợp đã quá thời hạn thanh toán chậm trả theo quy định trong hợp đồng hoặc đến ngày 31/12 hàng năm, CSKD không thực hiện điều chỉnh giảm theo quy định nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra tại trụ sở, CSKD có đầy đủ chứng từ chứng minh đã thanh toán qua ngân hàng thì nếu việc không điều chỉnh giảm không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn thì CSKD bị xử phạt vi phạm về thủ tục thuế, nếu việc không điều chỉnh giảm dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn thì CSKD bị truy thu, truy hoàn và xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Ví dụ 5: Trong năm 2014, Công ty A có phát sinh hóa đơn GTGT mua hàng theo hợp đồng chậm trả như sau:
– Hóa đơn GTGT mua hàng tháng 4/2014 tổng giá thanh toán 110 triệu đồng (thuế suất thuế GTGT 10%), thời hạn thanh toán 25/10/2014.
Do khó khăn về tài chính nên đến thời hạn thanh toán trong hợp đồng ngày 25/10/2014 Công ty A chưa thanh toán. Trong kỳ khai thuế tháng 10/2014, Công ty A đã không kê khai điều chỉnh giảm số thuế 10 triệu đồng. Đến thời điểm ngày 31/12/2014, Công ty A vẫn không kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ 10 triệu đồng.
Tháng 3/2015 Công ty A có CTTT qua ngân hàng đối với hóa đơn 110 triệu đồng, thời hạn thanh toán ngày 25/10/2014. Tháng 4/2015, cơ quan thuế có quyết định kiểm tra thuế GTGT tại Công ty A thì lúc này Công ty A sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Trường hợp cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra tại trụ sở và có quyết định xử lý không chấp nhận cho khấu trừ thuế đối với các hóa đơn GTGT không có CTTT qua ngân hàng, sau khi có quyết định xử lý của cơ quan thuế CSKD mới có CTTT qua ngân hàng thì:
– Đối với các hóa đơn GTGT CSKD đã điều chỉnh giảm trước khi cơ quan thuế đến thanh tra, kiểm tra thì CSKD được khai bổ sung thuế GTGT.
– Đối với các hóa đơn GTGT CSKD đã không điều chỉnh giảm trước khi cơ quan thuế đến thanh tra, kiểm tra thì CSKD được khai bổ sung nếu có CTTT qua ngân hàng trong thời hạn 6 tháng kể từ tháng có quyết định xử lý của cơ quan thuế.
Ví dụ 6: Trong năm 2014, Công ty A ký hợp đồng mua hàng hóa của Công ty B có tổng giá thanh toán trên hóa đơn 55 triệu đồng (thuế suất thuế GTGT 10%), và Công ty A bán hàng hóa cho Công ty B có tổng giá thanh toán trên hóa đơn là 33 triệu đồng (thuế suất thuế GTGT 10%). Hai bên thống nhất trong hợp đồng thanh toán bù trừ giữa hàng hóa mua vào với hàng hóa bán ra, phần còn lại Công ty A thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng cho Công ty B là 22 triệu đồng. Như vậy, tại Công ty A số tiền thuế GTGT đầu vào được khai để khấu trừ là 5 triệu đồng.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ. Sau khi bù trừ phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có CTTT qua ngân hàng.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật. Sau khi bù trừ phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có CTTT qua ngân hàng.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) thì cũng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Ví dụ 7: Trong tháng 3/2014, Công ty A mua đồ dùng văn phòng có hóa đơn GTGT tổng giá thanh toán 22 triệu đồng (thuế suất thuế GTGT 10%). Công ty A thanh toán tiền hàng bằng chuyển khoản qua ngân hàng.
Theo quy định, với hóa đơn này Công ty A được khai khấu trừ thuế GTGT trong kỳ khai thuế tháng 3/2014 là 2 triệu đồng; đồng thời giá trị mua đồ dùng văn phòng 20 triệu đồng được tính vào chi phí quản lý DN để tính thu nhập chịu thuế làm căn cứ tính thuế TNDN.
Nếu trường hợp hóa đơn được Công ty A thanh toán bằng tiền mặt thì Công ty A không được khấu trừ thuế GTGT kỳ khai thuế tháng 3/2014 số tiền 2 triệu đồng; đồng thời số tiền 20 triệu đồng không được tính vào chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Quy định này hoàn toàn khác biệt so với Luật thuế TNDN và các thông tư, nghị định áp dụng từ năm 2013 trở về trước, đó là với hóa đơn hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên không thanh toán qua ngân hàng thì DN không được khấu trừ thuế GTGT nhưng vẫn được tính vào chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông