Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư (NĐT) có rất nhiều lựa chọn từ những doanh nghiệp (DN) có yếu tố cơ bản, đến những đơn vị làm ăn kinh doanh thua lỗ vẫn được quan tâm. Sau thời kỳ khủng hoảng, nhiều DN dù gặp khó khăn, nhưng vẫn được NĐT săn đón, mua vào với kỳ vọng đem đến lợi nhuận đột biến.
NĐT kỳ vọng rằng DN có thể có một kết quả kinh doanh khả quan hơn trong thời gian tới. Nguồn: internet
Thực tế, có rất nhiều cổ phiếu tiềm năng đem lại lợi nhuận cho NĐT sau khủng hoảng. Một số cổ phiếu bị thua lỗ, nợ nần rất lớn, nhưng lãnh đạo DN đã cải tổ mạnh mẽ, giúp cổ phiếu “hồi sinh” rất mạnh.
Thống kê trên thị trường cho thấy những DN hồi sinh như vậy đều nằm trong top cổ phiếu tăng mạnh nhất. Có những DN có tiền sử hoạt động kinh doanh không tốt, với cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo DN, giúp cổ phiếu có sự hồi phục nhất định.
Điển hình như cổ phiếu TSC của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ có lịch sử kinh doanh khá tốt, thường xuyên đem lại lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, năm 2012, bị thua lỗ gần 56 tỷ khi doanh thu sụt giảm, giá vốn tăng vọt. Sang năm 2013, vẫn ngập chìm trong thua lỗ, nhưng nhờ có khoản lợi nhuận khác 13 tỷ từ việc thanh lý tài sản nên TSC đạt được con số 3 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Theo công ty, nguyên nhân chính dẫn đến việc không hoàn thành được kế hoạch là do thị trường phân bón quá xấu, giá cả giảm liên tục nên phải thận trọng trong kinh doanh. Một số lĩnh vực kinh doanh khác như xuất khẩu gạo và kinh doanh bất động sản cũng không thuận lợi, nhưng cổ phiếu có mức tăng trưởng giá cao nhất với mức tăng 246%.
Sự kỳ vọng của nhà đầu tư có chăng là những đột phá trong hoạt động kinh doanh của TSC bằng kinh nghiệm, bản lĩnh trên thương trường. Đó là sự “thay máu” của TSC được đánh dấu bằng sự thay đổi các nhân sự chủ chốt.
TSC công bố thông tin dự kiến chào bán 7,5 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 83,13 tỷ đồng lên gần 158,13 tỷ đồng. Công ty sẽ tiến hành chào bán số cổ phiếu trên cho các đối tác chiến lược, nên giá cổ phiếu đã tăng mạnh.
Cổ phiếu MHC của Công ty cổ phần Hàng hải Hà Nội dù đang nằm trong diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế năm 2009 và 2010 lỗ. Hoạt động kinh doanh không mấy sáng sủa, nhưng nhờ có khoản lợi nhuận khác và lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết nên công ty lãi được một chút.
Năm 2013, MHC bất ngờ lãi 15,5 tỷ. Quý I/2014, MHC tiếp tục làm một bước đột phá với 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nguyên nhân của sự đột phá này một phần là do tỷ lệ giá vốn/doanh thu của hoạt động vận tải giảm nhưng đóng góp nhiều hơn là nhờ khoản doanh thu tài chính hơn 7 tỷ (chủ yếu từ cổ tức, lợi nhuận được chia) và khoản lợi nhuận khác 5,2 tỷ nhờ ngân hàng MB giảm lãi vay.
MHC bán cổ phần của Công ty TNHH một thành viên Vận tải phía Nam, tăng tỷ lệ sở hữu tại những công ty sinh lời lớn như Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An, Công ty TNHH Hàng Hải Wallem và do đó thu được hơn 9 tỷ lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết.
Các khoản đầu tư dài hạn khác vào Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 3, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải HAS và Công ty TNHH và Tiếp vận Hải An cũng đã đem lại khoản doanh thu tài chính khả quan. Giá cổ phiếu MHC đã tăng 223% từ đầu năm đến nay.
Với khả năng tăng trưởng của DN này, ngày 15/05, công ty quản lý quỹ MB đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu MHC để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 12%.
Một cổ phiếu đặc biệt khác là HT1 của Công ty cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 từng chìm ngập trong thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản. Lý do là vay nợ quá lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cộng với vay nợ bằng ngoại tệ nên chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá luôn là gánh nặng cho HT1.
Năm 2011, công ty lỗ gần 9 tỷ. Năm 2012, 2013 hoạt động kinh doanh thuần của công ty đều thua lỗ, nhưng nhờ có lợi nhuận khác từ nhận bồi thường vi phạm hợp đồng nên HT1 mới thoát lỗ.
Việc sáp nhập giữa HT1 với Công cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 (HT2) cũng là một thuận lợi. Sau sáp nhập, HT1 đã tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào của HT2 đồng thời có thể mở rộng thị trường ra cả khu vực phía Nam.
Từ những thuận lợi này được thể hiện ở kết quả kinh doanh quý I/2014 của HT1 với lợi nhuận sau thuế gần 2 tỷ đồng, gần bằng cả năm trước.
Năm ngoái, HT1 phát hành 120 triệu cổ phiếu cho công ty mẹ là VICEM để cấn trừ khoản nợ 1.200 tỷ đồng thành vốn góp. Gánh nặng chi phí lãi vay của HT1 được giảm nhẹ, nên giá cổ phiếu HT1 đã tăng 174% từ đầu năm đến nay.
Một cổ phiếu khác là PPI của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương, kinh doanh không ổn định khi thị trường bất động sản gặp khó khăn. Năm 2013, PPI có 4,5 tỷ lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng do lỗ 3,3 tỷ từ công ty liên doanh liên kết nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 106,6 triệu đồng.
Quý I/2014, công ty đã thực hiện các giải pháp kinh doanh, tài chính và quản trị công ty nên chi phí tài chính, chi phí quản lý chung đã giảm rất mạnh. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng giúp cho công ty có một kết quả kinh doanh bất ngờ: gần 5 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Kết quả này cùng với làn sóng chung trong 4 tháng đầu năm đã đưa PPI từ mức giá 4,7 lên 12,5 vào ngày 31/3, tức tăng 166%. Có được những thuận lợi trên là do doanh nghiệp bán dự án, cấn trừ nợ từ 40 – 50%.
Tất cả những yếu tố này tạo nên kỳ vọng cho NĐT rằng DN có thể có một kết quả kinh doanh khả quan hơn trong thời gian tới.
Chưa biết hoạt động kinh doanh của các DN này đã hồi sinh chắc chắn hay chưa nhưng giá cổ phiếu tăng mạnh là điều thấy được trên thị trường.
Một số NĐT mua vào ở mức đáy, nếu nắm giữ đến mức đỉnh thì đã đem lại lợi nhuận rất lớn.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông