Ông Vũ Văn Phấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (BĐS) (Bộ Xây dựng) chia sẻ, trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ tiếp tục ấm hơn, giá bán sẽ nhích lên (thực tế tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có một số dự án tăng giá). Tuy nhiên, liệu đây có thật sự là bước khởi sắc đầu tiên của thị trường hay chỉ là dấu hiện của những nhà đầu cơ, làm giá?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Số lượng giao dịch tăng mạnh
Theo những số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, thị trường BĐS đang khởi sắc và dòng tiền nhà rỗi đang có xu hướng quay trở về kênh đầu tư nay. Thanh khoản thị trường đã được cải thiện đáng kể khi vốn tín dụng vào lĩnh vực này tăng tới 34% trong 4 tháng đầu năm 2014.
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến đầu tháng 6/2014 tồn kho BĐS giảm 35,03% so với quý I/2013 với số lượng BĐS giao dịch thành công tăng mạnh. Một số dự án chuẩn bị hoàn thiện và đưa vào sử dụng được người mua nhà quan tâm và tìm kiếm. Đây là những giao dịch thật, đáp ứng nhu cầu thực, có mua bán, có nhận nhà, có người chuyển đến dự án sinh sống. Riêng các dự án có vị trí đẹp, ở trung tâm thành phố lớn và có nhiều tiện ích cũng được điều chỉnh giá bán nhưng không đáng kể và phù hợp với khả năng chi tiêu của khách hàng.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Tư vấn BĐS SOHO Việt Nam nhận định, thị trường đã có tia sáng, nhà đầu tư BĐS trên thị trường hiện nay có thể kiếm lời khoảng 10-15%. Khi thị trường có thanh khoản, nhà đầu tư BĐS sẽ nắm bắt được cơ hội và ra vào hợp lý để có được lợi nhuận. Hiện ở một số dự án khu đô thị cao cấp như Splendora, Vincom Reverside, Times City… đã có sự giao dịch trở lại.
Theo đánh giá, thị trường BĐS sôi động trở lại là do những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp BĐS của Chính phủ đang phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, nhiều kênh đầu tư khác như thị trường vàng, chứng khoán… chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, một lượng tiền lớn dịch chuyển sang thị trường BĐS nhằm tìm kiếm sự đầu dài hạn và tính an toàn cao hơn.
Tuy nhiên, dù thị trường BĐS đang xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan nhưng nhiều chuyên gia lo ngại thị trường này vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro bởi tiềm ẩn trong đó là những yếu tố rủi ro, có thể tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường.
Hiện tượng đầu cơ đang nhen nhúm
Mặc dù giá nhà đất đã giảm về sát với giá trị thực nhưng nhiều người phản ánh rằng một số dự án có mức giá chênh lệch rất cao. Tại Hà Nội, nhiều căn hộ, dự án có giá rất cao so với giá trị thực mà chủ đầu tư đưa ra, thậm chí, chênh lệch tới 5-6 triệu/m2. Điều này cho thấy, giới đầu cơ đã trở lại thị trường và đang thực hiện hành vi thao túng giá.
Nhìn nhận hiện tượng này, ông Vũ Kỳ Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng TNP nhận xét, việc người tiêu dùng BĐS quay lại thị trường là một tín hiệu rất tốt cho thị trường, tăng cơ hội phục hồi cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, sự tái xuất hiện của giới đầu cơ trên thị trường lại là điều cần phải cảnh báo, bởi rất có thể, sự trở lại này sẽ làm méo mó thị trường BĐS như những gì đã diễn ra mấy năm trước.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, có hai nguyên nhân đẩy thị trường BĐS giai đoạn 2011-2013 lâm vào cảnh khó khăn, đóng băng là do yếu tố đầu cơ và làm giá. Điều này không chỉ đẩy giá BĐS lên cao, vượt xa khả năng tài chính của người mua mà còn tác động hết sức tiêu cực đến tâm lý của khách hàng. Và đây cũng chính là nguy cơ lớn nhất đang đe dọa những nỗ lực phục hồi của thị trường BĐS thời gian gần đây.
Để hạn chế tình trạng đầu cơ trong hoạt động kinh doanh BĐS, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được tập trung để làm rõ những điểm vướng mắc khi xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở đầy đủ, tin cậy và cập nhật thường xuyên; mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài…
Thực tế thị trường BĐS những năm trước đây cho thấy, khi giá trị thật bị đẩy lên quá cao, thị trường BĐS sốt nóng nhưng lại tạo ra rào cản ngăn cách cung – cầu khiến các giao dịch bị chững lại. Hậu quả kéo theo sau đó là thị trường BĐS bị đóng băng trong suốt một thời gian dài, hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh BĐS phá sản, các sàn giao dịch, môi giới phải đóng cửa… Chính vì vậy, dù mục tiêu lợi nhuận là quan trọng nhưng các nhà đầu tư cần tránh tình trạng đẩy giá lên quá cao, gây đổ vỡ cho thị trường, đồng thời lại ảnh hưởng trực tiếp tới chính hoạt động kinh doanh của mình.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông