Kiến thức Tài chính kế toán Doanh nghiệp vàng hiểu lơ mơ, cơ quan chức năng lúng túng

Doanh nghiệp vàng hiểu lơ mơ, cơ quan chức năng lúng túng

27
Sau 1 tháng áp dụng Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường và chất lượng vàng trang sức, các doanh nghiệp (DN) vẫn rất lúng túng, đặc biệt là vấn đề kiểm định.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Hiện trên thị trường, sản phẩm vàng trang sức của các DN lớn, có thương hiệu chỉ chiếm 20%. Nguồn: internet
DN hiểu lơ mơ, thiếu nơi kiểm định
Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, sau gần 1 tháng áp dụng Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, nhiều cửa hàng bán đồ trang sức nhỏ lẻ vẫn bày bán các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ tồn kho hoặc sản xuất theo quy cách cũ. Cụ thể, các sản phẩm vẫn được ghi theo tuổi vàng (14K, 18K, 24K…), chứ không ghi hàm lượng theo đúng quy định.
Tại Hà Nội, chưa có thống kê về số lượng DN biết đến Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, nhưng trong số các DN đã biết, thì hầu hết đều kêu khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh, chủ Tiệm vàng Tiến Minh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ khi Thông tư 22/2013/TT-BKHCN có hiệu lực, bà đã yêu cầu các cơ sở gia công sản xuất theo tiêu chuẩn mới. Tiệm vàng của bà cũng lấy thêm hàng từ những DN lớn, như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ… để bán, nhưng sức mua kém hơn hàng gia công do giá đắt hơn.
Cũng theo bà Minh, hiện nay, các sản phẩm vàng nữ trang mà DN này nhập về ghi theo hàm lượng của cơ sở sản xuất, mà không biết có đạt quy chuẩn hay không. Lý do là, với những cơ sở nhỏ lẻ, việc trang bị một máy huỳnh quang tia X trị giá 400 – 500 triệu đồng để giám định chất lượng vàng là không khả thi.
Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho khoảng 12.000 đơn vị được sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới có chưa đến 100 DN có máy kiểm định vàng huỳnh quang tia X. Một số DN đã trang bị máy, nhưng lại không phù hợp với quy định mới, do tỷ lệ sai số chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo quy định, DN muốn sử dụng thiết bị xác định hàm lượng vàng huỳnh quang tia X phải có giấy phép tiến hành công việc bức xạ trước khi sử dụng do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp.
Thiếu cơ sở kiểm định độc lập
Được biết, cách đây không lâu, trong văn bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nêu ra băn khoăn về vấn đề kiểm định.
“Vấn đề thử nghiệm vàng trang sức, mỹ nghệ thì chắc chắn những DN lớn mới được Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cho phép, mà các DN này hoạt động chủ yếu ở các thành phố lớn, vậy việc kiểm nghiệm vàng trang sức, mỹ nghệ ở tỉnh lẻ, vùng sau, vùng xa sẽ được thực hiện như thế nào?”, văn bản trên nêu rõ.
Với tình trạng nhiều DN nhỏ không có máy kiểm định chất lượng vàng, mỗi loại máy lại cho một kết quả khác nhau như hiện nay, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc cho ra đời một công ty kiểm định vàng độc lập là rất cần thiết.
Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng cho rằng, không nhất thiết mỗi DN sản xuất, kinh doanh vàng phải trang bị một máy, mà có thể hợp tác thông qua hiệp hội kinh doanh vàng, hoặc thuê máy của DN khác.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đơn vị nào trên thị trường được cấp phép thử nghiệm hàm lượng vàng độc lập. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã lên kế hoạch thành lập công ty kiểm định vàng độc lập từ lâu, song vì một số vướng mắc về thủ tục, nên đến nay, công ty này vẫn chưa được thành lập.
Cho đến nay, dù Thông tư 22/2013/TT-BKHCN đã có hiệu lực hơn 3 tuần, song theo nguồn tin của Báo Đầu tư, các cơ quan chức năng mới đang triển khai hướng dẫn áp dụng, chứ chưa tiến hành xử phạt.
Theo quy định hiện hành, trường hợp bán vàng trang sức, mỹ nghệ có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm. Trường hợp doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành, tịch thu sản phẩm.
Hiện trên thị trường, sản phẩm vàng trang sức của các DN lớn, có thương hiệu chỉ chiếm 20%, còn lại là của các cơ sở nhỏ lẻ và hàng nhập khẩu, nhập lậu. Do không được kiểm soát, nên hàng chục năm qua, hầu hết DN vàng trang sức trên thị trường đều gian lận tuổi vàng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, dư luận mong mỏi cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc cho DN trong thực thi pháp luật, đồng thời kiên quyết thực hiện quy định mới để bảo vệ người tiêu dùng.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không