Ngày 27-6-2014, tại Viên Chăn-Lào, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã có bài tham luận trình bày tại Hội thảo kinh nghiệm thực tế của Việt Nam về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn
Hội thảo do Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào tổ chức trong khuôn khổ chương trình hoạt động thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào của Đoàn cấp cao Bộ Tài chính do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn đầu.
Hội thảo kinh nghiệm thực tế của Việt Nam về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Liane Thykeo đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có gần 200 cán bộ cấp cao của Lào, gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội CHDCND Lào, Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đô trưởng, phó đô trưởng, tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng các địa phương của nước CHDCND Lào.
Ngoài tham luận liên quan đến các giải pháp chống thất thu thuế của hải quan còn có tham luận về kinh nghiệm quản lý NSNN, các biện pháp xử lý nợ đọng trong dự án đầu tư của Nhà nước; xây dựng chính sách thuế góp phần tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý thuế; các biện pháp chống thất thu thuế của ngành thuế,…
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã nêu những giải pháp cơ bản đảm bảo thu NSNN từ quản lý hải quan được Tổ chức Hải quan Thế giới khuyến nghị cho các nước thành viên. Trên cơ sở những giải pháp, biện pháp chống thất thu NSNN đang triển khai thực hiện có kết quả cao tại Việt Nam, tham luận của Tổng cục trưởng tập trung phân tích trao đổi 6 vấn đề.
Thứ nhất là quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng và Tổng cục trưởng trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra đôn đốc thực hiện để đảm bảo nguồn thu NSNN, chống thất thu ngân sách. Thứ hai là việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống pháp luật hải quan và xây dựng và áp dụng hệ thống xử lý thông quan hàng hóa tự động tập trung.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam cho rằng, giải pháp tạo thuận lợi thương mại là giải pháp mang tính căn cơ và lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực cao để đảm bảo việc dành nguồn lực hạn hữu vào những vấn đề có mức độ rủi ro cao trong hoạt động hải quan. Thứ ba là các giải pháp mang tính kỹ thuật nghiệp vụ hải quan để đảm bảo nguồn thu bao gồm: kiểm tra trị giá khai báo, kiểm tra xuất xứ hàng hóa, kiểm tra việc phân loại, áp mã,…
Đối với giải pháp này, Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam cho biết, trong thời gian 2 năm vừa qua, Hải quan Việt Nam đã dành nhiều sự hỗ trợ kỹ thuật cho Hải quan Lào thông qua việc tiếp nhận 7 đoàn chuyên gia với gần 50 cán bộ công chức của Hải quan Lào sang khảo sát, nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu thực tế hoạt động của Hải quan Việt Nam từ cấp tổng cục cho đến các chi cục tại các cục Hải quan các địa phương.
Thứ tư là liên quan đến việc tăng cường phối kết hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính, với các bộ ngành, với cấp ủy chính quyền địa phương cũng như phối hợp với Hải quan các nước khác trên thế giới về trao đổi thông tin, hỗ trợ hành chính lẫn nhau,… thông qua việc ký kết các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, hiệp định,…
Thứ năm là tăng cường công tác kiểm soát, điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và các vi phạm pháp luật Hải quan. Thứ sáu là giải pháp về tăng cường kỷ cương kỷ luật, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn và chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Hải quan.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tài chính, ngày 25 và 26-6-2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã tham gia hội đàm song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào, dự buổi tiếp thân mật của Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thamavong dành cho Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Tài chính, dự lễ khánh thành Học viện Kinh tế – Tài chính Đông Khăm Xạng giai đoạn 2 do Việt Nam viện trợ không hoàn lại.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông