Kiến thức Tài chính kế toán Hà Nội: Chống thất thu thuế ở hộ kinh doanh cá thể

Hà Nội: Chống thất thu thuế ở hộ kinh doanh cá thể

337
Theo Phó trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ dự toán – Cục Thuế Hà Nội Lương Phú Sơn, thực tế quản lý hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng thất thu về đối tượng quản lý. Hiện chưa đảm bảo cấp mã số thuế cho 100% hộ kinh doanh, nhất là tại các huyện ngoại thành; nhiều trường hợp quản lý doanh thu chưa phù hợp với thực tế kinh doanh của hộ kinh doanh, nhất là các hộ kinh doanh có ngành nghề đặc thù như: Karaoke, massage, ăn uống…
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa.

Theo ông Lương Phú Sơn, công tác quản lý thu thuế hộ kinh doanh cá thể rất phức tạp, tốn nhiều công sức nhưng nguồn thu từ khu vực này không cao, chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 1% trong tổng thu nội địa hàng năm của thành phố. Hiện, Cục Thuế Hà Nội quản lý quản lý 147.625 hộ kinh doanh, trong đó có 124.929 hộ kinh doanh nộp theo phương pháp khoán (trong đó số hộ dưới ngưỡng, không chịu thuế GTGT trên 52 nghìn hộ) nên số thu không được lớn. Trong khi đó, tính bình quân 1 cán bộ thuế quản lý trên dưới 250 hộ.
Mặt khác, quy mô kinh doanh của các hộ cá thể đa số nhỏ lẻ, chủ yếu một người kinh doanh; đối tượng kinh doanh thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, trình độ hiểu biết khác nhau; nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều hộ kinh doanh chưa cao. Ngoài ra, quy định hộ kinh doanh phải tự nộp tiền thuế vào cơ quan Kho bạc hoặc Ngân hàng được ủy nhiệm thu là rất khó thực hiện do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ… dẫn tới tình trạng nợ đọng thuế phát sinh.
Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội luôn xác định công tác quản lý thu thuế khu vực hộ kinh doanh cá thể cần chặt chẽ; công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp thuế khoán và các hộ thuộc diện không chịu thuế GTGT do có doanh thu dưới ngưỡng trên website của Cục nhằm tạo công bằng xã hội.
Đồng thời, đôn đốc kê khai, nộp thuế, thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh của các hộ thu theo phương pháp thuế khoán để kịp thời điều chỉnh doanh thu sát với thực tế… Từ đó, góp phần đưa kết quả thu ngân sách khu vực này năm sau luôn cao hơn năm trước; góp phần cân đối thu chi ngân sách các xã, phường và thị trấn. Cụ thể số thu năm 2011 đạt 1.112 tỷ đồng (trong đó thuế môn bài, thuế GTGT là 781 tỷ đồng, thuế Thu nhập cá nhân là 332 tỷ đồng); năm 2012 đạt 1.193 tỷ đồng; năm 2013 là 1.276 tỷ đồng; ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2014 là 694 tỷ đồng (trong đó thuế môn bài và thuế GTGT là 524 tỷ đồng, thuế Thu nhập cá nhân là 170 tỷ đồng).
Theo Cục Thuế Hà Nội, để quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh cá thể, Cục kiến nghị Bộ Tài chính quy định trường hợp các hộ, cá nhân có nhiều tài sản cho thuê phải thực hiện quyết toán thuế Thu nhập cá nhân bởi theo quy định hiện nay nhóm này không phải thực hiện quyết toán thuế, đã gây thất thu NSNN.
Mặt khác, Tổng cục Thuế cần xây dựng và hoàn thiện Quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, quy trình kiểm tra thuế, kể cả cơ chế thu thuế qua ngân hàng đối với hộ kinh doanh cá thể phù hợp với các thay đổi của chính sách thuế và yêu cầu quản lý hiện hành; Nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng quản lý thuế nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người nộp thuế, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, tra cứu, kiểm tra, xác định tính chính xác số tiền nợ thuế để có thể phân loại và áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ phù hợp.
Ngành Thuế cho phép tiếp tục thực hiện ủy nhiệm thu đối với tất cả các hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh nhỏ như: Môn bài từ bậc 3 đến bậc 6, các hộ miễn thuế; Trường hợp nếu từ năm 2015 không thực hiện ủy nhiệm thu đối với hộ cá thể nữa thì cho phép cán bộ thu thuế hộ kinh doanh trực tiếp bằng biên lai. Tuy nhiên cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn và hạn chế tiêu cực.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không