Luật Hải quan 2014: Nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

204
Sáng 25/7, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã chủ trì giới thiệu những điểm mới của Luật Hải quan số 54/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014 thay thế Luật Hải quan hiện hành, có hiệu lực từ 1/1/2015.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã chủ trì giới thiệu những điểm mới của Luật Hải quan số 54/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014 thay thế Luật Hải quan hiện hành
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Ngọc Anh cho biết, Luật Hải quan được bố cục thành 8 Chương gồm 104 Điều. Luật có nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; gia tăng quyền hạn bảo vệ an ninh kinh tế, quốc gia của cơ quan hải quan…
Việc sửa đổi Luật Hải quan xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế đối ngoại trước mắt cũng như lâu dài đặt ra; tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan hướng tới hoạt động hải quan công khai, minh bạch, hiệu quả hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Tổng cục Hải quan Phùng Thị Bích Hường đã giới thiệu những điểm mới của Luật Hải quan số 54/2014/QH13 tập trung ở 4 nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất, nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ở nhóm nội dung này, Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung có sự thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử; Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan; quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, giám sát hải quan; Quy định về chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện; Thực hiện cơ chế xác định trước cho doanh nghiệp về mã số, xuất xứ, trị giá hải quan; Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia.
Thứ hai, nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại.
Luật Hải quan đã có những quy định điều chỉnh về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, để bảo đảm mục tiêu vừa đơn giản hoá thủ tục nhưng vừa quản lý hải quan được chặt chẽ. Tập trung ở các nội dung chính sau: Quy định về địa bàn hoạt động hải quan được bổ sung đầy đủ và minh bạch; Tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan; Tăng cường hoạt động của cơ quan Hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thứ ba, nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Thứ tư, nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Tổng cục Hải quan Phùng Thị Bích Hường giới thiệu về Luật hải quan mới
“Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Tổng cục Hải quan Phùng Thị Bích Hường nhấn mạnh. 
Sẽ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn Luật
Ngay sau khi Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014, Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, tiến hành phổ biến, tuyên truyền Luật và thực hiện công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, sắp xếp tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Hải quan.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Tổng cục Hải quan Phùng Thị Bích Hường cho biết, sẽ có 3 Nghị định hướng dẫn Luật hải quan lần này. Cụ thể: Nghị định thứ nhất với nội dung quy định về thủ tục kiểm tra giám sát hải quan. Nghị định thứ hai là về địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc thực hiện phòng chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nghị định thứ ba là quy định về chức năng nhiệm vụ của một số tổ chức, bộ máy hoạt động của hải quan.
Ngoài 3 nghị định này sẽ có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải được ban hành cùng, đó là Quyết định thay thế Quyết định 65 về việc quy định các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát của cơ quan hải quan nhằm thực hiện việc phòng chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Dưới các Nghị định Tổng cục hải quan đã rà soát lại tất cả các thông tư, các văn bản hiện hành và xác định ra là có 12 thông tư sẽ triển khai cùng 3 nghị định và các quy định của Luật.
“Chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện và có lộ trình để làm sao đến ngày 30/11/2014 sẽ có các văn bản hướng dẫn cụ thể 3 Nghị định hướng dẫn và 1 Quyết định được trình Chính phủ, bảo đảm kịp thời tuyên truyền phổ biến các vấn đề có liên quan, phục vụ hiệu lực thi hành Luật là 1/1/2015” – bà Hường khẳng định.

Theo dddn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không