1. Cần có nguyên tắc Thực chất hơn hình thức (Substance over form) trong VAS 01 Chuẩn mực chung.
Trong bộ khung (framework) của IAS/IFRS (tương đương trong VAS là chuẩn mực chung VAS 01) có một nguyên tắc rất quan trọng nằm trong phần đặc điểm chất lượng của các báo cáo tài chính – Tính đáng tin cậy (reliability), có nguyên tắc thực chất hơn hình thức (Substance over form).Theo nguyên tắc nàycác giao dịch và các sự kiện được kế toán và trình bày phù hợp với thực chất và thực tế kinh tế (economic reality) của nó và không chỉ phụ thuộc vào hình thức pháp lý.
Ví dụ: Công ty X (xin được giấu tên) cuối kỳ chưa đạt được kế hoạch doanh thu, lợi nhuận nên muốn phù phép lợi nhuận bằng cách ký một hợp đồng bán hàng hóa cho một công ty quyen biết với một điều khoản là bên mua có thể trả lại hàng cho bên bán nếu bên mua không bán được hàng này hoặc hai bên cùng ký một hợp đồng khác (cùng thời điểm với hợp đồng mua bán trước) để bên bán mua lại số hàng hóa đã bán với giá định sẵn bằng giá bán cũ trừ đi một khoản phí cho bên mua. Với một (các) hợp đồng như vậy, theo VAS hiện hành, chúng ta chấp nhận việc ghi nhận các giao dịch theo hình thức, công ty X xuất hóa đơn bán hàng, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong kỳ. Sang kỳ sau, khi mua lại, hay nhận lại hàng bán trả lại họ sẽ điều chỉnh doanh thu lợi nhuận sau. Điều này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư mua cổ phiếu công ty X trước thời điểm công ty điều chỉnh ghi giảm doanh thu, lợi nhuận (giá cổ phiếu lúc đó về nguyên tắc sẽ cao hơn so với giá sau khi điều chỉnh lợi nhuận). Theo IAS/ IFRS, xét về bản chất của giao dịch này, công ty X không được phép ghi nhận doanh thu và lợi nhuận mà phải ghi theo đúng bản chất của giao dịch đó, chỉ là sự chuyển dịch của hàng hóa từ kho người bán sang kho người mua mà thực chất là một khoản gửi hàng với một khoản chi phí thuê kho của “người bán” cho “người mua”.
Do không có nguyên tắc này trong VAS 01, nên trên thực tế đã xảy ra nhiều sự việc tương tư như trên và đã nêu trong một số bài báo của đầu tư chứng khoán gần đây.
2. Bắt buộc lập và công khai báo cáo tài chính hợp nhất hàng quý
Theo VAS 25 “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con” và thông tư 161/2007/TT-BTC ngày 31.12.2007, đoạn 1.4. kỳ lập báo cáo tài chính hợp nhất đã yêu cầu công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất nhất hàng năm và hàng quý, tuy nhiên đến đoạn 1.5. thời hạn nộp và công khai báo cáo tài chính hợp nhất lại chỉ nói lập và nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm. Đoạn 1.5.3. ghi “Báo cáo tài chính giữa niên độ phải công khai cho chủ sở hữu theo quy định của từng tập đoàn”. Các sở giao dịch chứng khoán HOSE và HNX không bắt buộc mà chỉ khuyến khích các tập đoàn lập và công khai báo cáo tài chính hợp nhất quý. Hàng quý các tập đoàn chỉ phải công bố báo cáo riêng của công ty mẹ. Thực tế năm 2008 đã phát sinh trường hợp công ty mẹ VINASHINPETRO có kết quả kinh doanh rất tốt, nhưng công ty con Đại Nam 100% vốn của VINASHINPETRO lại bị lỗ rất nặng. Theo VAS, trong năm tập đoàn này chỉ công bố các báo cáo tài chính giữa niên độ của công ty mẹ với kết quả kinh doanh rất tốt. Giá cổ phiếu của VINASHINPETRO đã tăng rất mạnh. Sang đầu năm mới khi báo cáo tài chính hợp nhất với kết quả rất xấu được công bố, giá cổ phiếu của công ty đã giảm gần như rơi tự do. Theo IFRS các doanh nghiệp phải lập và công bố các báo cáo tài chính hợp nhất cho các báo cáo tài chính năm cũng như giữa niên độ/ quý.
3. VAS 23 phải chỉnh sửa lại là “Các sự kiện phát sinh sau ngày của bảng cân đối kế toán” thay vì “sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm”.
Theo VAS 23 chỉ có báo cáo tài chính cuối năm doanh nghiệp mới phải công bố các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm. Trong khi các báo cáo tài chính hàng quý cũng đóng một vai trò rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, thì không đề cập. Khi có các sự kiện phát sinh sau ngày của bảng cân đối kế toán quý, doanh nghiệp không cần phải công khai các sự kiện này trên bộ báo cáo tài chính quý. Ví dụ ngày 3.10.2010 lái xe của công ty ABC đã đâm chết người, mà lỗi hoàn toàn do người của công ty ABC, người nhà của người chết đã kiện công ty và dự kiến công ty sẽ phải trả một khoản tiền rất lớn cho bên nguyên đơn. Trong tình huống này, báo cáo tài chính của quý 3 theo VAS 23 không phải công khai khoản chi phí này, mặc dù nó rất quan trọng với các nhà đầu tư. Nếu thông tin này đưa ra thị trường, kết quả tài chính của công ty có thể chuyển từ lãi sang lỗ, do vậy giá cổ phiếu của ABC cũng ảnh hưởng rất lớn. Bởi vậy chúng tôi đề nghị VAS 23 nên sửa lại giống như IAS 10 đó là “Các sự kiện phát sinh sau ngày của bảng cân đối kế toán” (balance sheet date).
4. Chênh lệch tỷ giá hối đoái từ việc vay ngoại tệ liên quan đến tài sản dài hạn phải được vốn hóa.
VAS 16-Chi phí đi vay, (chi phí vay) định nghĩa chi phí vay là lãi tiền vay và các chi phí khác phát sinh liên quan trực tiếp đến các khoản vay của doanh nghiệp. Định nghĩa này giống với định nghĩa trong IAS 23 ”Borrowing costs”. Tuy nhiên trong phần giải thích định nghĩa này, theo VAS 16, chi phí vay không bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá ngoại hối phát sinh từ việc vay ngoại tệ mà nó được xem như một khoản điều chỉnh chi phí lãi vay. Điều này tạo ra một sự khác biệt rất lớn mang tính nguyên tắc giữa VAS 16 và IAS 23 chi phí vay (Borrowing cost).
Theo IAS 23 chi phí vay bao gồm cả chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc vay ngoại tệ mà chúng được xem là một khoản điều chỉnh cho chi phí lãi tiền vay (interest costs). Chi phí vay mà chúng có thể liên quan trực tiếp với việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất một phần của tài sản dài hạn là chi phí của tài sản đó và do vậy nó phải được vốn hóa (tức ghi nhận vào giá trị tài sản). Các chi phí vay tiền khác được ghi nhận là một khoản chi phí. Theo IAS 23 phiên bản được chỉnh sửa bởi Hội Đồng Chuẩn Mực Kế Toán Quốc Tế – IASB vào tháng 3 năm 2007 đã cấm việc ghi nhận ngay vào chi phí của các chi phí vay tiền này.
Ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái được trình bày trong VAS 10 (đoạn 12.) và thông tư 161/2007/TT-BTC quy định chỉ có các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái cho các tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mới được vốn hóa và phân bổ trong vòng tối đa 5 năm, còn doanh nghiệp đang hoạt động, thì kể cả việc chênh lệch tỷ giá phát sinh trực tiếp cho tài sản dài hạn vẫn phải ghi vào lãi lỗ trong kỳ, không được vốn hóa. Quy định này của VAS 10 đã làm méo mó kết quả tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ công ty SGB đang hoạt động bình thường và có một dự án lớn, công ty vay để xây dựng và mua nợ máy móc thiết bị bằng USD rất lớn, năm 2010 chênh lệch tỷ giá cho dự án này lên đến 20 tỷ đ. Theo VAS 10, GSB phải ghi nhận và báo cáo khoản chi phí tài chính 20 tỷ đ này làm cho lãi hoạt động kinh doanh trở nên số âm thay vì lãi 19 tỷ đ. Các nhà đầu tư phải đọc báo cáo tài chính phản ánh không trung thực kết quả và tình hình tài chính của SGB. Trong khi nếu phản ánh đúng bản chất như IAS 23 lãi kinh doanh thông thường là 19 tỷ đ, còn 20 tỷ đ được vốn hóa chứ không phải đưa vào lỗ của hoạt động kinh doanh của SGB.
5. Lãi từ hoạt động kinh doanh (Operating profit) không bao gồm các khoản chi phí, thu nhập tài chính
– Theo VAS 21 “Trình bày các báo cáo tài chính” khoản mục “Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh” bao gồm cả thu nhập và chi phí tài chính (cả chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá hối đoái).
-Theo IAS lãi từ hoạt động kinh doanh là các khoản lãi từ các hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp nó không bao gồm những khoản thu nhập tài chính và chi phí tài chính.
Lãi từ hoạt động kinh doanh là các khoản lãi từ các hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp nó thường là nguồn lãi quan trọng nhất và ổn định nhất của một doanh nghiệp. Bởi vậy nó phải được tách biệt ra khỏi các khoản doanh thu và chi phí tài chính để tiện việc so sánh và dự đoán lãi lỗ tương lai của doanh nghiệp. Ví dụ một công ty có nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động trong một lĩnh vực chính, các nhà quản lý tập đoàn cần biết được khoản lãi kinh doanh của các công ty, các bộ phận để so sánh, đánh giá việc thực hiện của các công ty con, các bộ phận này. Nếu chi phí và thu nhập tài chính nằm lẫn trong lãi kinh doanh các nhà quản lý, các nhà đầu tư không thể so sánh được lãi hoạt động kinh doanh (vì các công ty có những khoản thu nhập và chi phí tài chính rất khác nhau) cũng như rất khó có thể ước tính khả năng sinh lời của những năm tới được. Chính vì vậy the IFRS lãi kinh doanh không bao gồm các khoản chi phí, thu nhập tài chính. Các khoản chi phí, thu nhập tài chính được trình bày tách biệt trên bề mặt của báo cáo kết quả kinh doanh.
6. Cần sớm ban hành chuẩn mực Giảm giá trị tài sản (Impairment of assets)
– Theo VAS: không ghi nhận việc giảm giá do hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, thị trường (impairment losses) cho các tài sản dài hạn. Ví dụ nếu một tài sản cố định bị hư hỏng hay bị lạc hậu về kỹ thuật, hay vì vấn đề thị trường không sử dụng được nữa hay bị giảm giá trị, khác với IAS, theo VAS công ty không ghi nhận và không báo cáo gì.
– Theo IAS 36: Có một nguyên tắc đã được thiết lập là các tài sản sẽ không được ghi nhận và báo cáo ở giá trị cao hơn giá trị có thể thu hồi được (recoverable amount). Doanh nghiệp cần phải ghi giảm giá trị ghi sổ của một tài sản về bằng giá trị có thể thu hồi được nếu giá trị ghi sổ của tài sản không thể thu hồi hoàn toàn.
Một khoản lỗ giảm giá trị (An imparement loss) là số tiền mà giá trị ghi sổ của một tài sản vượt quá số tiền có thể thu hồi được của nó.
Nguyên tắc cơ bản theo IAS 36 là nếu giá trị của một tài sản trong bảng cân đối kế toán cao hơn giá trị thực tế của nó, được đo lường là giá trị có thể thu hồi được, tài sản đó được đánh giá là bị một khoản lỗ giảm giá trị. Do vậy nó cần được ghi giảm giá trị đúng bằng giá trị lỗ do giảm giá trị tài sản. Số tiền lỗ do giảm giá trị này phải được ghi giảm khoản lãi ngay lập tức (giống như dự phòng hàng tồn kho, hay dự phòng công cụ tài chính vậy).
Một ví dụ khá điển hình là chiếc tàu khách cũ mà Vinashin mua từ Italia với giá khoảng 80 triệu EU, nhưng tàu chỉ khai thác được một thời gian rất ngắn, nay không thể khai thác được vì lỗ phải neo đậu một chỗ, và mới đây cho thuê với giá thấp. Giả sử nếu bán lại con tàu này thì chỉ được 10 triệu EU. Theo VAS, Vinashin vẫn báo cáo con tàu này với giá trị là 80 triệu EU (không tính đến khấu hao), tuy nhiên giá trị thực của nó nay chỉ còn 10 triệu EU. Theo IAS Vinashin phải báo cáo con tàu này là 10 triệu EU, số tiền chênh lệch còn lại 60 triệu EU phải được ghi nhận ngay vào lỗ. Rõ ràng việc báo cáo theo VAS đã làm méo mó tình hình tài chính của Vinashin khủng khiếp. VAS phải sớm ra quy định việc này giống như IAS 36.
7. Bắt buộc trình bày tách biệt các hoạt động tiếp tục khỏi các hoạt động không tiếp tục trong phần thuyết minh báo cáo tài chính
– VAS không yêu cầu việc trình bày tách biệt các hoạt động tiếp tục và không tiếp tục.
– IAS 35 yêu cầu trình bày riêng biệt các hoạt động tiếp tục và không tiếp tục. Nhằm mục tiêu làm cho người sử dụng các báo cáo tài chính tăng khả năng dự đoán các dòng tiền, EPS và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
8. Lãi để tính EPS KHÔNG được bao gồm cả các khoản lãi không thuộc cổ đông của công ty mẹ. Theo VAS lãi để tính EPS là lãi không trừ đi phần lãi không thuộc các cổ đông của công ty mẹ như phần trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho nhân viên hay khen thưởng, thù lao cho hội đồng quản trị. Việc trích lập các quỹ này thường rất lớn có thể chiếm từ 5-15% tổng lãi ròng sau thuế của công ty. Do vậy EPS tính theo VAS đã tăng rất lớn (tương ứng 5-15% cao hơn so với thực chất của nó và so với IFRS), làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư.
9. Tính và trình bày EPS pha loãng, điều chỉnh hồi tố EPS khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cố phiếu…những quy định này của VAS còn rất thiếu nên trên thực tế nhiều công ty không thực hiện, mặc dù nó rất quan trọng để có được báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp và làm cơ sở để dự đoán EPS của các năm tới.
Theo Webketoan