Trong xã hội đã sinh ra một nghề mà mọi người vẫn gọi là nghề “săn đầu người” (headhunter) hay còn gọi chuyên gia tuyển dụng nhân sự để đảm đương những công việc quan trọng trong công ty. Mỗi “thợ săn” với những bí quyết riêng không ai giống ai để có thể “săn” được nhân tài…
Phút trải lòng của… “thợ săn”
Nhắc đến nghề “săn đầu người” không ít người nghĩ rằng họ chính là những người sẵn sàng làm mọi thứ bằng mọi giá để dụ dỗ nhân tài từ công ty này sang công ty khác làm việc. Nhưng nếu có dịp được làm việc và trò chuyện với những chuyên gia “săn đầu người” thì chắc chắn không ít người có một nhận xét giống tôi. Các chuyên gia săn đầu người ở Việt Nam đều trẻ trung, năng động, hài hước, dí dỏm và luôn lắng nghe, chia sẻ với người nói chuyện là ấn tượng đầu tiên của tôi khi nói chuyện với những “thợ săn đầu người”.
Nhân sự giỏi luôn là mục tiêu của các… “thợ săn”
Anh Nguyễn Thạc Thắng, tư vấn viên công ty Navigos Việt Nam cho biết: “Săn đầu người không phải là lẽo đẽo hay lên lớp như những người thầy cho khách hàng và các ứng cử viên. Một “thợ săn” chuyên nghiệp thì họ phải làm sao để thuyết phục được “sao”, nhân tài, qua một vài email, cuộc điện thoại và vài lần tiếp xúc”.
Anh Nguyễn Thạc Thắng chia sẻ: “Có lần tìm một vị trí giám đốc kinh doanh cho một nhãn hàng nước ngoài tại Việt Nam. Mặc dù 12 bước đã hoàn thành, qua cả 2 tháng “bảo hành” nhân sự, chỉ còn thanh lý hợp đồng nữa là xong. Đột nhiên gia đình ứng cử viên có biến cố. Cuộc “đi săn” thất bại. Những trường hợp tương tự chồng hoặc vợ không muốn người thân mình nhảy việc. Hoặc bất ngờ ứng cử viên là nữ có bầu nên họ quyết định không muốn thay đổi công việc. Một chuyến “săn” mà “thợ săn” phải mất khoảng gần năm để có thể lắng nghe nguyện vọng của ứng cử viên, yêu cầu của khách hàng. Cuối cùng vẫn có thể tan thành mây khói. Lúc đó dù có tiếc nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể chia sẻ với cả hai phía đối tác và khách hàng trên tinh thần của những người bạn hơn là của một “thợ săn””.
“Đói” nhân sự nhóm ngành quản lý
Theo nghiên cứu của các công ty tư vấn và khảo sát thị trường lao động thì chuyên gia, lao động lành nghề trong tất cả các nhóm ngành đều được các công ty săn đầu người tìm kiếm và săn đón. Tuy nhiên nhân sự quản lý cao cấp vẫn là ngành đang đói nhất. Theo bật mí của các thợ săn thì lương cho những vị trí này cũng không dưới vài nghìn “đô” một tháng. Và chi phí chi trả cho các công ty “săn đầu người” không hề nhỏ. Điều này chứng tỏ một sự thật là săn nhân sự cao cấp không phải bất cứ một thợ săn nào cũng có thể thành công.
Anh Nguyễn Thạc Thắng chia sẻ: “Ở những vị trí cao cấp như CFO (giám đốc tài chính), CEO (giám đốc điều hành), CIO (giám đốc công nghệ thông tin) thì chính các ông trùm phải ra tay, nghĩa là cấp cao của nhà tuyển dụng phải vào cuộc, kết hợp với headhunter thật chặt chẽ. Cân nhắc, chọn lựa cũng đã khó nhưng quả thực, mời được những người có mức lương từ 5.000 – 10.000 USD lại càng là một việc muôn phần khó hơn.
Mọi chiến thuật con người được tung ra ở đây. Hầu hết các headhunter những vị trí này đều nắm trong tay danh sách thật dài các trưởng phòng, giám đốc, trưởng bộ phận loại tốt trên thị trường, thậm chí, các headhunter còn biết rõ những buồn vui liên quan đến công việc, sự thăng tiến và có mối quan hệ kiểu gì đó với họ, để khi phải bật ra câu nói quen thuộc: “Bạn còn cảm thấy hài lòng với công việc cũ không, có muốn thử sức nữa không?” như là lời nói đầu tiên với các ứng cử viên này”.
Theo chia sẻ của một thợ săn đầu người thì hành trình của công cuộc săn đầu người không dưới 13 bước. Mỗi bước đi của ứng cử viên và của khách hàng đều có sự theo dõi, chia sẻ đặc biệt của các thợ săn. Những câu chuyện buồn vui của từng ứng cử viên, các thợ săn đều phải lắng nghe và chia sẻ vừa như một chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào từ tài chính, bất động sản… cuối cùng là như một chuyên gia tư vấn tâm lý.
Với số lượng ngành nghề đầu tư tại Việt Nam ngày càng đông đảo chắc chắn nhu cầu về nhân sự quản lý cao cấp sẽ ngày càng mạnh. Rõ ràng là bài toán cung cầu sẽ càng ngày càng mất cân đối. Thêm vào đó, hệ thống giáo dục, đào tạo tại Việt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Mặt bằng kiến thức cũng như kỹ năng làm việc của ứng viên cho các vị trí cao cấp trong các tập đoàn, công ty hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là ở khối công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Và thị trường Việt Nam vẫn là mảnh đất tốt cho những ai muốn làm “thợ săn đầu người”.
Theo Người Đưa Tin
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông