Số lượng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kê khai lỗ trong những năm gần đây đã giảm, song các chiêu thức chuyển giá nhằm tối ưu hóa lợi nhuận vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát. Chính vì vậy, với ngành thuế đấu tranh chống chuyển giá sẽ vẫn là nhiệm vụ còn lắm gian nan.
Ảnh minh họa
Thanh tra chuyển giá đã thu được kết quả bước đầu
Vụ trưởng Vụ thanh tra Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Hữu ánh cho biết, thực tế công tác quản lý thuế những năm qua cho thấy, các DN FDI đã có đóng góp quan trọng vào nguồn thu quốc gia. Năm 2013, nguồn thu từ DN FDI chiếm tỷ trọng 13,5% trong tổng thu NSNN và chiếm 16,27% trong tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý. Theo tính toán, năm 2014, tỷ trọng đóng góp của các DN FDI sẽ chiếm 19,2% tổng thu nội địa và nếu cộng cả tiền sử dụng đất và thuế TNCN, con số này lên tới trên 25%. Cùng với những đóng góp lớn cho NSNN, các DN FDI đã tạo ra hàng triệu việc làm, giúp thay đổi cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những DN FDI làm ăn chân chính, vẫn còn không ít đơn vị sử dụng các chiêu lách luật thông qua giá chuyển nhượng để tối ưu hóa lợi nhuận, gây thất thu lớn cho NSNN.
Để ngăn chặn tình trạng này, từ năm 2010 cho đến nay, ngành thuế đã tiến hành phân loại, tập trung thanh tra, kiểm tra các DN FDI thuộc diện rủi ro cao, lỗ nhiều năm liên tục, theo đó năm 2010 đã thanh tra, kiểm tra tại 183 DN, truy thu và truy phạt 248,8 tỷ đồng, giảm lỗ 2.297 tỷ đồng; năm 2011 đã thanh tra 286 DN truy thu, phạt 1.094 tỷ đồng, giảm lỗ 2.260 tỷ đồng; năm 2013, thanh tra kiểm tra 225 DN truy, phạt 390 tỷ đồng, giảm lỗ trên 1.625 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm, toàn ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra 1.958 DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá, qua đó đã xử lý truy thu, truy phạt 1.318 tỷ đồng, giảm lỗ 4.130 tỷ đồng, giảm khấu trừ 82,8 tỷ đồng. Nhờ triển khai quyết liệt công tác thanh, kiểm tra các DN có dấu hiệu rủi ro về chuyển giá, nên tỷ lệ DN FDI kê khai lỗ/tổng số DN FDI đang hoạt động đã giảm qua các năm; số lỗ của DN cũng giảm đáng kể. Điển hình như năm 2010 thanh tra Công ty TNHH Metro Cash và Carry Việt Nam giảm lỗ 310 tỷ đồng; năm 2011 thanh tra Công ty Pepsico Việt Nam giảm lỗ 136 tỷ đồng; năm 2012 thanh tra Công ty TNHH MTV Keangnam-Vina giảm lỗ 239 tỷ đồng; năm 2013 thanh tra Công ty cổ phần Ma San giảm lỗ 326 tỷ đồng. Sau thanh tra, một số DN đã kê khai có lãi như Khách sạn Equatorial TP HCM năm 2010 lỗ 228 tỷ đồng thì đến năm 2012 đã lãi 29 tỷ đồng và năm 2013 lãi 7 tỷ đồng…
Quản lý giá chuyển nhượng còn nhiều gian nan
Ông ánh chia sẻ, quản lý hoạt động chuyển giá là lĩnh vực đầy khó khăn và phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ thanh tra, hội tụ đầy đủ những kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, phân tích thống kê… mà còn phải có kinh nghiệm về tài chính DN. Tuy nhiên hiện nay, do chuyển giá là lĩnh vực mới phát sinh, hoạt động của các DN FDI mang tính đa quốc gia nên việc kiểm tra giám sát của cán bộ thuế, nhất là cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập. Một khó khăn nữa là để xác định được các DN có giao dịch liên kết, bóc tách được các khoản thu chi không hợp lý cần có cơ sở dữ liệu và thời gian. Theo thông lệ quốc tế, thời gian để thực hiện một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng có thể dài đến 2 năm, nhưng ở Việt Nam thời hạn thanh tra chuyển giá lại bị khống chế bởi quy định chung tại Luật Thanh tra (tối đa không quá 45 ngày) nên chưa tạo điều kiện để xem xét, xử lý thấu đáo các vấn đề phát sinh.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song để giảm thiểu các chiêu thức lách luật, gây thất thu cho NSNN thông qua giá chuyển nhượng, vừa qua, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung, trong đó có quy định: “cơ quan quản lý thuế được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để thu thập, trao đổi, xử lý thông tin trong nước, ngoài nước; thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các hiệp định, văn bản ký kết giữa Việt Nam với các nước liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan để sử dụng trong công tác quản lý thuế. Cơ quan thuế cũng được phép áp dụng phương pháp xác định trước về giá chuyển nhượng (APA) và được thực hiện ấn định giá để thu ngân sách khi DN thực hiện chế độ kế toán không đầy đủ, khai thuế sai so với thực tế”.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính chỉ đạo giao kế hoạch thanh tra đối với các DN FDI lỗ có dấu hiệu chuyển giá từ tỷ lệ 13% hiện tại lên 15-20% trong tổng kế hoạch thanh tra. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế xác định giá trị tài sản cố định và giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; xây dựng danh mục một số hàng hóa dịch vụ chủ yếu trên cơ sở tham khảo giá hàng hóa cùng loại tại các nước trong khu vực và trên thế giới để làm cơ sở cho việc đấu tranh chống gian lận, lách thuế qua giá chuyển nhượng. Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ với cục thuế địa phương tổ chức rà soát kết quả kinh doanh của các DN, gắn công tác chống chuyển giá với việc cấp phép đầu tư mở rộng, cơ chế ưu đãi về thuế và tiền thuê đất để có cơ chế quản lý hiệu quả hơn đối với lĩnh vực này.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông