Chính phủ vừa chính thức ban hành một số nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Để các giải pháp này đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả cao nhất, rất cần sự phối hợp đồng bộ của tổng thể các giải pháp đã, đang và sẽ thực hiện tới đây của Chính phủ
Là một trong những thành viên của Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Vũ Nhữ Thăng- Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã trao đổi xung quanh việc triển khai các giải pháp này.
*Thưa ông, các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ Tài chính đề xuất, đã được Chính phủ thông qua bằng Nghị quyết số 13. Điều này khẳng định sự cần thiết, cấp bách của chiếc “phao cứu hộ” này. Tuy nhiên, theo ông, điều cơ bản nhất để tăng tính hiệu quả trong các giải pháp của Chính phủ là gì?
Nghị quyết 13 đã nêu rất rõ tình hình khó khăn của nền kinh tế, cũng như của DN hiện nay. Việc Chính phủ đồng ý với các nhóm giải pháp Bộ Tài chính đề xuất, không chỉ thể hiện sự chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN mà còn là sự quyết tâm vực dậy nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để ngăn chặn kip thời tình trạng số lượng DN phá sản ngày càng tăng. Nghị quyết 13 đã có sự kết hợp đồng bộ của các giải pháp về lãi suất, cơ cấu tín dụng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; chính sách chi tiêu công; chính sách miễn, giảm, giãn thuế; điều hành giá; cải cách hành chính với những giải pháp Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện từ đầu năm 2012 để đảm bảo tính nhất quán trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách là thể hiện việc “đi hai chân cho đều” qua thực hiện chính sách tài khóa gắn với chính sách tiền tệ. Thực tế, từ đầu năm 2012, Chính phủ đã kịp thời thực hiện các giải pháp tài chính (giãn, giảm thuế cho DN), từ đó DN sử dụng chính số tiền nộp thuế để quay vòng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, có những giải pháp Chính phủ đã, đang làm là kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả là một trong những giải pháp cơ bản của ổn định kinh tế vĩ mô. Có duy trì được mức lạm phát thấp, ổn định, chúng ta mới hạ được mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận tín dụng với chi phí thấp để có thể giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh.
*Thưa ông, Bộ Tài chính sẽ là đơn vị “chủ đạo” thực thi các nhóm giải pháp hỗ trợ DN của Chính phủ. Vậy, phạm vi “phủ sóng” của chính sách sẽ tập trung vào những đối tượng nào? Bởi còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc chính sách này tập trung chủ yếu vào DN “khỏe”, DN yếu sẽ khó tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Ông có thể giải thích rõ hơn về việc này.
Trong thực thi chính sách này, không phân biệt DN lỗ hay lãi được thụ hưởng (do tính đồng bộ của các giải pháp, đối với cả biện pháp chi tiêu công, cả biện pháp giãn thời hạn nộp thuế GTGT, cả biện pháp giảm 50% tiền thuê đất…), mà sẽ theo mức độ khó khăn của từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, của quy mô DN (chủ yếu DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động). Một số giải pháp không phân biệt quy mô DN, mà tập trung vào chi tiêu công, đặc biệt kịp thời giải ngân vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, thực hiện đầu tư kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng giao thông nông thôn, nuôi trồng thủy sản, trạm bơm… Từ đó, cũng sẽ giúp DN trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép tiêu thụ được hàng hóa.
Đối với gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính chưa tính đến giãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất 12 tháng.Nhưng vớichính sách của Chính phủ tiếp tục mở rộng diện giảm 50% tiền thuê đất, không chỉ cho DN sản xuất mà cả DN thương mại, dịch vụ trong năm 2012 phải xác định giá thuê đất theo Nghị định 121/2010/NĐ-CP; đồng thời giãn 6 tháng thuế GTGT cũng áp dụng cho DN kinh doanh trong lĩnh vực BĐS… không những các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS có thể được hưởng lợi mà còn có tác động lan toả đến các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, ximăng, vật liệu xây dựng.
Trong dự toán NSNN năm 2012, số thu tiền sử dụng đất là 37 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên quy mô số tiền sử dụng đất được giãn là bao nhiêu, còn tùy thuộc vào mức độ khó khăn của từng dự án, khả năng cân đối của NSĐP mà UBND cấp tỉnh báo cáo Thường trực HĐND xem xét trước khi thực hiện.
*Như vậy, việc đồng bộ trong triển khai chính sách về an sinh xã hội thì sao, thưa ông?
Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thị trường, Chính phủ vẫn tính đến đảm bảo thực hiện tốt chính sách ASXH. Do đó, các giải pháp cũng tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn (2000 tỷ tín dụng kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, nuôi trồng thủy sản, làng nghề…); thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Đặc biệt, nguồn vượt thu NSNN năm 2011, cũng đã được UBTVQH đồng ý bổ sung 750 tỉ đồng hỗ trợ nhà cho người có công; bổ sung 100 tỉ đồng thực hiện cho phụ nữ nghèo vay thông qua Quỹ tình thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…
*Tới đây, các chính sách sẽ được tổ chức thực hiện ra sao? Liệu chính sách có được áp dụng ngay tức thì tới các đối tượng thụ hưởng không, thưa ông?
Tất nhiên các nhóm giải pháp này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn trước mắt của DN (hàng tồn kho cao, chi phí đầu vào cao, đặc biệt là chi phí tài chính). Những giải pháp trung và dài hạn vẫn được Chính phủ thực hiện đồng bộ theo các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội để thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ASXH.
Một số giải pháp về miễn thuế khoán và giảm 30% thuế TNDN đối với một số đối tượng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo ra kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2012).
Trong tổ chức thực hiện, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ chính sách”, cụ thể: sẽ quyết liệt trong triển khai hướng dẫn thực hiện NQ13 ngay trong tháng 5/2012; đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa chỉ; đảm bảo tính công khai, minh bạch; theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô và tài chính DN để có những giải pháp điều chỉnh cho kịp thời, phù hợp với tình hình.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Tổng Cục Thuế