Kiến thức Tài chính kế toán Mục tiêu Chiến lược tài chính đến năm 2020

Mục tiêu Chiến lược tài chính đến năm 2020

1404
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam“Phát triển nền tài chính quốc gia theo hướng hiệu quả, toàn diện, hợp lý và công bằng”

Đó là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược Tài chính đến năm 2020, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012.

Theo đó, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, tương ứng với kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm 2011 – 2015 và kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm 2016 – 2020 và cụ thể hóa thông qua 9 chiến lược ngành gồm: Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020; Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược phát triển thị trường vốn đến năm 2020; Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020; Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Chiến lược cũng nêu rõ, sẽ tiếp tục xử lý tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; có chính sách khuyến khích tăng tích lũy cho đầu tư phát triển, hướng dẫn tiêu dùng; thu hút hợp lý các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư cho hạ tầng KT – XH, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 33,5 – 35% GDP. Tổng thu từ thuế và phí giai đoạn 2011 – 2015 là 22 – 23% GDP, giai đoạn 2016 – 2020 là 21 – 22% GDP. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công.

Đồng thời, phát triển đồng bộ các loại thị trường, tái cấu trúc thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hoạt động trên thị trường. Tập trung phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, hoạt động hiệu quả, vận hành an toàn. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 50% GDP vào năm 2015 và đạt khoảng 70% vào năm 2020; dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 30% GDP vào năm 2020; tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt 2% – 3% GDP vào năm 2015 và 3 – 4% GDP vào năm 2020.

Đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN; duy trì dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn an toàn; tăng cường dự trữ Nhà nước đáp ứng các yêu cầu đột xuất của nền kinh tế. Giảm mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 (tính cả trái phiếu chính phủ) và giai đoạn 2016 – 2020 tương đương 4% GDP. Nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP; dự nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP; dự nợ Chính phủ không quá 55% GDP.

Phấn đấu đến năm 2015 tổng mức dự trữ Nhà nước đạt 0,8 – 1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Đổi mới tổ chức bộ máy ngành Tài chính theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Chiến lược là phải nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia bằng cách hoàn thiện thể chế tài chính; Động viên hợp lý các nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí; đổi mới chính sách thu đối với đất đai, tài nguyên; Thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của nhà nước. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia.

Đến năm 2020 xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, thực hiện cải cách cơ bản chế độ tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm cho công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội.

Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công, cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công.

Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đảm bảo sự phát triển đồng bộ, cân đối giữa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ phái sinh.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính. Nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính…

Theo Tài chính điện tử

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không