Một Việt kiều Mỹ đã từng nhiều năm làm việc trong ngành tài chính tại Mỹ và có một số thành tựu nhất định. Những tưởng sẽ thành công, nhưng sau gần hai năm quay về Việt Nam thử sức với vai trò giám đốc đầu tư cho hai quỹ đầu tư lớn, anh lại rất thất vọng và quay trở về nước.
Theo anh, có lẽ do sự kỳ vọng quá nhiều khi mà anh chưa thật sự hiểu về những sự khác biệt văn hóa làm việc cũng như thị trường mà anh đã không đạt được thành công. Anh đã nhận ra rằng những kinh nghiệm làm việc đã tích lũy trước đây tại Mỹ không hoàn toàn phù hợp tại Việt Nam.
“Môi trường làm việc của doanh nghiệp trong nước khác rất nhiều môi trường làm việc ở công ty nước ngoài. Một nhà quản lý khi đã quen làm việc trong môi trường công ty nước ngoài, khi chuyển sang làm việc cho công ty trong nước sẽ cảm thấy “dị ứng” với tác phong làm việc khá tự do, thoải mái của các nhân viên nơi đây”. Đó là lời chia sẻ của ông Đỗ Thanh Năm – Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win.
Trong những năm gần đây, làn sóng di dời nhân sự bậc cao tại các tập đoàn đa quốc gia khi chuyển về các công ty trong nước đã và đang hình thành. Tuy nhiên, giữa hai môi trường làm việc khác nhau, nhiều người đã không thích nghi kịp nên đã không đạt được thành công như mong muốn.
Có thể nhận thấy nhiều doanh nghiệp trong nước đang ngày càng khẳng định được vị thế cũng như tạo ra áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Những thương hiệu nội địa ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong lòng khách hàng, không hề tỏ ra thua kém các thương hiệu quốc tế.
Sự thành công ấy không thể không kể đến vai trò khá quan trọng của các nhân sự quản lý bậc cao mà các ông chủ Việt Nam phải mất nhiều thời gian tìm kiếm và chiêu mộ từ các tập đoàn đa quốc gia với nhiều kỳ vọng.
Song không hẳn mọi sự kết duyên này đều có được kết quả như mong đợi từ cả hai phía. Rất dễ nhận ra nhiều trường hợp các nhân sự bậc cao từ các tập đoàn đa quốc gia sau một thời gian về làm việc cho các doanh nghiệp trong nước đã thật sự “vỡ mộng” với những khác biệt giữa văn hóa hai môi trường nội và ngoại.
Ông Đỗ Thanh Năm phân tích: “Các doanh nghiệp trong nước thường có cách ứng xử theo kiểu “gia đình” giữa các thành viên trong công ty. Chính cách đối xử thoải mái, cả nể, dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm, sai sót của cấp dưới đã khiến cho nhà quản lý mới gặp khó khăn trong điều hành theo phong cách mà trước đây anh ta đã từng làm tại công ty nước ngoài”.
Ông Lý Trường Chiến, chuyên gia tư vấn về tái cấu trúc và quản trị chiến lược phát triển doanh nghiệp kiêm thành viên Hội đồng Các nhà tư vấn quản trị quốc tế của EU, nói: “Một thực tế là ngày nay, với việc phải dành ra một khoản chi phí không nhỏ để chiêu mộ các nhân sự bậc cao từ các tập đoàn đa quốc gia, các ông chủ doanh nghiệp trong nước thường nôn nóng và mong muốn có kết quả ngay. Song mọi sự thay đổi đều cần có một khoảng thời gian nhất định, việc nhiều ông chủ nôn nóng và có những tác động không hay có thể dẫn đến việc người được tuyển trở nên mất đi sự tự tin và dần bị cô lập, không thể hiện được năng lực vốn có của mình”.
“Đã dùng thì cần phải tin, thậm chí “tạm ứng” lòng tin. Nếu không tin thì đừng dùng”, ông Lý Trường Chiến khẳng định. Theo ông, các doanh nghiệp nên chỉ nên thường xuyên kiểm tra để lòng tin không bị lạm dụng. Mọi sự thành công đều cần phải có sự thống nhất về mục tiêu, tiêu chí đánh giá, thời gian và lộ trình rõ ràng. Nếu không sẽ dẫn đến việc mất thời gian của cả hai bên, thiệt hại về chi phí, thậm chí hỏng cả hệ thống.
Mặt khác, về phía ứng viên cũng cần có sự tìm hiểu thật kỹ về môi trường làm việc mới nhằm tránh phải sự hụt hẫng khi thực tế diễn ra không được như mong đợi.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự bậc cao, ông Nguyễn Quốc Hoàn – Phó giám đốc tư vấn tuyển dụng VIPsearch, đối tác của Glasford International tại Việt Nam – cho biết: “Thực tế qua phỏng vấn, doanh nghiệp và ứng viên chỉ có thể nắm bắt được 70% khả năng và tính cách của nhau, 30% còn lại chỉ được bộc lộ khi trực tiếp cùng nhau làm việc. Vì thế, việc tìm hiểu môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp trước khi gia nhập là rất quan trọng”.
Theo VnEconomy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông