Kiến thức Con người Đâu là quy tắc ứng xử cho sếp và nhân viên

Đâu là quy tắc ứng xử cho sếp và nhân viên

140
Làm việc trong một môi trường đông người, tính cạnh tranh cao, nếu không “chịu khó” ứng xử theo quy tắc, bạn sẽ rất dễ gây nên những mâu thuẫn với người xung quanh, khiến tinh thần làm việc căng thẳng và ức chế.
Dù bạn là ai, hãy áp dụng những quy tắc “vàng” sau đây, để môi trường công sở luôn hòa nhã và thoải mái.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Bạn là sếp:

Thông điệp “mở”: Để tránh hiểu lầm đáng tiếc, bạn nên đưa ra những thông điệp “mở” để đảm bảo những quyết định, phán quyết hành động của mình luôn rõ ràng minh bạch. Hãy luôn để mở cánh cửa lòng, đón nhận mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân viên để giải quyết ngay tức thì.

Tuân thủ quy định chung: Đừng mong nhân viên làm việc suốt 8 tiếng đồng hồ trong khi bạn chỉ đủng đỉnh với 6 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn không chịu làm gương, mọi quy định chỉ còn là những lý thuyết suông. Nhân viên chắc chắn sẽ cảm thấy ức chế khi sếp chỉ thích “hạ chỉ” cho người khác.

Cư xử công bằng: Đừng đưa tình cảm riêng tư vào công việc chung. Đó là quy tắc tối quan trọng để bạn có được sự tôn trọng và vị nể của nhân viên. Đây cũng là cách hạn chế tối đa những thù ghét không đáng có giữa các nhân viên.

Phần thưởng xứng đáng: Đặt mục tiêu cần hướng tới cho nhân viên, có phần thưởng cho những cá nhân hoàn thành nhiệm vụ. Hành động khuyến khích này cần được thực hiện công khai, minh bạch. Ai làm tốt hơn sẽ được phần thưởng hậu hĩnh hơn. Đừng thưởng tùy tiện kiểu “rải khắp”.
Phản hồi tích cực: Thúc đẩy, khuyến khích nhân viên làm việc bằng những lời động viên, khen ngợi khi họ làm tốt; góp ý với tính chất xây dựng khi họ mắc lỗi lầm, để cùng đưa ra hướng giải quyết sửa đổi. Bạn nhớ nhé, một nhân viên nào đó làm sai mà bạn không “chỉnh” cũng làm các nhân viên khác thấy khó chịu đấy!

Phân chia công việc đông đều: Thấy nhân viên nào làm tốt là bạn cứ giao việc cho người đó, chẳng cần biết là họ đang phải làm bao nhiêu việc, có quá tải không? Đây là cách bạn “triệt tiêu” nhân tài nhanh nhất đấy. Công việc quá nhiều khiến họ bị áp lực, stress, thậm chí họ sẽ ghen tị với những đồng nghiệp quá nhàn nhã khác và cảm thấy không phục sếp.

Đào tạo người “yếu”: Hãy “tận dụng” những nhân viên giỏi chuyên môn hơn để chỉ bảo, dạy dỗ những người yếu kém, hoặc lấy nhân viên cũ đào tạo nhân viên mới. Tất nhiên đây là một phương án hay nhưng đừng lạm dụng quá đà. Nếu muốn chuyên nghiệp hơn, tốt nhất bạn nên mở hẳn khóa đào tạo cho những nhân viên “yếu”, với sự hướng dẫn của những chuyên gia.

Tác phong chuyên nghiệp: Nhân viên có biết “sợ” và nể sếp thì họ mới nghe lời. Làm sao để khiến họ luôn nể vì? Hãy luôn giữ tác phong chuyên nghiệp, đừng thoải mái quá, trông bệ rạc, lôi thôi, nói năng thiếu giữ gìn,…

Người sếp tốt còn là người thân thiện với nhân viên

Bạn là nhân viên

Không lăng xăng: Nếu không phải việc của mình thì đừng có “dính mũi” vào, trừ khi đồng nghiệp đề nghị được giúp đỡ. Bạn đang nghĩ đơn giản là giúp đỡ họ, nhưng biết đâu họ lại nghĩ bạn đang muốn “cướp” công việc của họ thì sao.

Hạn chế “buôn dưa lê”: Không chỉ tốn thời gian, hoạt động này còn ảnh hưởng xấu đến khá nhiều mối quan hệ của bạn đấy. Hình ảnh bạn trong mắt sếp cũng không đẹp đẽ như trước. Các chị em phụ nữ thường lấy chủ đề nói xấu người khác để “buôn”, đó chẳng phải là cách phá hoại tình cảm nhanh nhất hay sao.

Không khoe khoang tiền thưởng: Hiện có nhiều công ty áp dụng phương thức trả lương và tiền thưởng bí mật. Đó là cách tránh những hằn học, ghen tị không cần thiết ở công ty. Vậy tại sao bạn lại khoe ra? Cho dù bạn có làm việc tốt hơn, nhiều hơn người khác thì đồng nghiệp vẫn cảm thấy “bức bối” khi bạn nhận được nhiều tiền thưởng hơn.

Đừng tỏ ra “biết tuốt”: Ai bàn chuyện gì cũng xen vào bình luận, công việc gì cũng lăng xăng đòi chỉ đạo, vấn đề gì cũng cho là mình đúng, hơi một tí lại khoe khoang mình đi nhiều, biết lắm,… Cái trò “thùng rỗng kêu to” của bạn làm người khác khó chịu lắm đấy, đặc biệt khi bạn là một “lính mới tò te”.

Không nên “ỉm” chuyện: Khi không thoải mái với đồng nghiệp hoặc không bằng lòng với sếp điều gì đó, bạn nên gặp trực tiếp người đó, trình bày thẳng ý kiến của mình. Không nên giữ mọi chuyện trong lòng và càng không nên “tâm sự” với người khác. Làm như vậy bạn sẽ rất dễ bị quy vao tội danh nói xấu sau lưng.

Kết bạn bốn phương: Ngoài đồng nghiệp, bạn nên giữ mối quan hệ bên ngoài công sở. Có nhiều mối quan hệ, bạn bè sẽ khiến bạn có tư tưởng thông thoáng hơn, sáng suốt hơn trong mọi hành động.

Theo doanhnhan360

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không