Cấu trúc của các chuẩn mực
Về cấu trúc, các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA) mới được chia thành các phần riêng biệt:
– Giới thiệu: bao gồm thông tin về mục đích, phạm vi và vấn đề được đề cập trong chuẩn mực, trách nhiệm của KTV và các bên khác liên quan đến vấn đề trình bày trong chuẩn mực.
– Mục tiêu: mục tiêu của KTV trong lĩnh vực được đề cập trong chuẩn mực
– Định nghĩa: Các thuật ngữ chính được sử dụng chuẩn mực
– Yêu cầu: mỗi mục tiêu được làm rõ bằng những yêu cầu cụ thể
– Hướng dẫn áp dụng: giải thích chính xác hơn ý nghĩa của các yêu cầu hoặc cung cấp ví dụ về các thủ tục thích hợp trong các tình huống cụ thể.
Một trong những mục đích chính của hệ thống chuẩn mực là khuyến khích KTV xem xét mục tiêu và các thủ tục kiểm toán trong từng trường hợp cụ thể, thay vì thực hiện kiểm toán một cách máy móc. KTV cần phân tích mục đích của cuộc kiểm toán dựa trên đặc điểm của từng khách hàng, thay vì việc chỉ tích vào các bảng câu hỏi đã được lập sẵn. Vì vậy, các KTV cần tích cực hơn trong việc xem xét các rủi ro lớn và duy trì mức độ hoài nghi nghề nghiệp phù hợp trong quá trình kiểm toán. Trong phần lớn các trường hợp, KTV có thể đạt được các mục tiêu bằng cách tuân thủ theo các quy định của chuẩn mực, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là KTV không phải xem xét hoàn cảnh cụ thể và các thủ tục cần thiết để đạt được mục tiêu.
Cách diễn đạt trong các chuẩn mực cũng rõ ràng với việc nêu rõ các yêu cầu đối với KTV, sử dụng cụm từ KTV phải, thay vì KTV nên và động từ thì hiện tại như trong các chuẩn mực cũ.
Mục tiêu tổng thể của cuộc kiểm toán báo cáo tài chính
Một trong những bổ sung đáng chú ý của dự án xây dựng chuẩn mực kiểm toán mới là việc xác định mục tiêu tổng thể của cuộc kiểm toán trong ISA 200, trong đó nêu rõ trách nhiệm của KTV và khách hàng trong một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính. KTV có thể không phát hiện được hết các sai sót tại đơn vị kiểm toán, do một số nguyên nhân khác nhau như việc sử dụng các ước tính kế toán, sự không cung cấp đầy đủ thông tin của đơn vị, các hành vi gian lận, thông đồng được che đậy tinh vi, giới hạn về thời gian và chi phí, và một cuộc kiểm toán không phải là một cuộc điều tra, thanh tra về sai phạm. ISA 200 cũng nêu rõ trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban giám đốc liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính, xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ, và cung cấp thông tin tài liệu cần thiết cho KTV trong quá trình kiểm toán.
Việc tuân theo các yêu cầu trong các chuẩn mực cũng cho phép KTV xác định những điều kiện tiên quyết khi chấp nhận một cuộc kiểm toán, ví dụ ban giám đốc đơn vị được kiểm toán phải cam kết cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho KTV, nếu không, KTV không nên chấp nhận cuộc kiểm toán.
Ghi chép hồ sơ kiểm toán
Việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán mới sẽ dẫn đến KTV phải ghi chép quá trình xét đoán và thủ tục kiểm toán một cách chi tiết hơn, đánh giá rủi ro và duy trì thái độ hoài nghi mang tính nghề nghiệp phù hợp. Mục đích của việc ghi chép là để một KTV có kinh nghiệm, không tham gia vào cuộc kiểm toán cũng có thể hiểu bản chất, thời gian và phạm vi của các thủ tục kiểm toán và bằng chứng kiểm toán, những vấn đề chính phát sinh, các kết luận đưa ra, và các xét đoán nghề nghiệp được sử dụng để đưa ra kết luận. Ví dụ KTV cần ghi chép lại cơ sở của việc đưa ra ý kiến về sự hợp lý của các ước tính kế toán và việc liệu có những dấu hiệu nào cho thấy sự thiên lệch của ban quản lý.
Các chuẩn mực mới cũng chú trọng vào việc nhận biết, ghi chép các rủi ro và kết nối các rủi ro vào kế hoạch kiểm toán. KTV cần trao đổi với ban quản lý đơn vị về sự cần thiết có một qui trình quản lý và theo dõi rủi ro chính thức tại đơn vị.
Kiểm toán ước tính kế toán
ISA 540 về kiểm toán ước tính kế toán đã được mở rộng, bao gồm cả kiểm toán giá trị hợp lý, thay thế cho ISA 545. ISA 540 thừa nhận thực tế là các báo cáo tài chính hiện nay có nhiều ước tính kế toán hơn là các chuẩn mực cũ dự tính. ISA 540 đã được sửa đổi nhằm gia tăng sự chặt chẽ trong việc kiểm toán các ước tính kế toán và hướng đến sự tuân thủ phương pháp kiểm toán, trên cơ sở định hướng rủi ro. Một số yêu cầu mới trong ISA 540 bao gồm:
– Tìm hiểu cách thức ban giám đốc xác định các giao dịch, sự kiện và điều kiện có thể dẫn đến sự ghi nhận các ước tính kế toán trong báo cáo tài chính;
– So sánh các ước tính trong kỳ kế toán trước với kết quả thực tế, và phù hợp, xem xét việc thực hiện lại ước tính đó, cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính kỳ hiện tại;
– Đánh giá mức độ không chắc chắn trong các ước tính, có thể làm phát sinh rủi ro đáng kể;
– Xem xét các xét đoán và quyết định của giám đốc khi lập ước tính kế toán nhằm xác định liệu có dấu hiệu về sự thiên lệch của ban giám đốc hay không
Các bên liên quan với việc xem xét rủi ro gian lận
Chuẩn mực ISA 550 về các bên liên quan đưa ro một số yêu cầu mới nhấn mạnh tới phương pháp kiểm toán trên cơ sở định hướng rủi ro. Quan hệ và giao dịch với các bên liên quan là một lĩnh vực quan trọng, dễ nảy sinh gian lận, cần được đội kiểm toán xem xét kỹ càng khi đánh giá rủi ro gian lận.
KTV cần thu thập, hiểu biết về các thủ tục kiểm soát đối với giao dịch với các bên liên quan. Chuẩn mực mới cũng yêu cầu KTV đánh giá sự giải trình của ban quản lý về việc liệu giao dịch với các bên liên quan có được thực hiện trên cơ sở giá thị trường hay không.
Trao đổi về những khiếm khuyết trong kiểm soát nội bộ.
ISA 265 là một chuẩn mực được xây dựng mới, đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm của KTV trong việc trao đổi với ban quản trị và ban giám đốc đơn vị được kiểm toán về các khiếm khuyết củ kiểm soát nội bộ của đơn vị. Khi kiểm toán tại một khách hàng, KTV phải xác định những loại hình kiểm soát cần thiết được áp dụng phù hợp với bản chất, qui mô, mức độ phức tạp của khách hàng. Nếu những kiểm soát cần thiết đó không được áp dụng tại đơn vị, thì KTV cần trao đổi về các khiếm khuyết này với ban quản trị và các nhà quản lý của đơn vị.
Kiểm toán báo cáo tài chính
Một trong những thách thức lớn nhất đối với KTV từ các chuẩn mực kiểm toán mới là kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn, qui định trong ISA 600. Nếu như trước kia, KTV áp dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên với việc thu thập và tổng hợp báo cáo tài chính của công ty thành viên, thì bây giờ KTV phụ trách kiểm toán tập đoàn chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát và thực hiện cuộc kiểm toán cả tập đoàn. Trong cách tiếp cận từ trên xuống này, KTV phụ trách kiểm toán tập đoàn sẽ tham gia nhiều hơn vào công việc của KTV các đơn vị thành viên. Họ phải có hiểu biết về KTV của các đơn vị thành viên, bao gồm cả trình độ chuyên môn và sự tuân thủ của KTV thành viên đối với các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp trong việc kiểm toán tập đoàn. Đối với các đơn vị thành viên quan trọng, KTV tập đoàn phải tham gia vào việc đánh giá rủi ro của KTV đơn vị thành viên, thảo luận các rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn, soát xét tài liệu, hồ sơ của KTV đơn vị thành viên về các rủi ro đáng kể phát hiện được.
Ảnh hưởng của chuẩn mực mới đến hoạt động kiểm toán.
Với mục đích chung nhất là nâng cao chất lượng kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế mới đã được sửa đổi, bổ sung thêm nhiều yêu cầu chi tiết đối với KTV. Việc áp dụng hệ thống chuẩn mực này được cho là sẽ có những ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động kiểm toán. Chất lượng sẽ được nâng cao, rủi ro sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, tuy nhiên chi phí kiểm toán cũng sẽ gia tăng. Theo nghiên cứu của nhóm cố vấn cho IAASB, các yêu cầu của chuẩn mực tăng lên khoảng 60%, và gần 30% các tuyên bố trước kia để ở thì hiệu tại thì nay trở thành các yêu cầu bắt buộc. Còn theo một nghiên cứu của Ủy ban Thực hành Kiểm toán của UK và Ireland đối với các công ty kiểm toán, việc áp dụng hệ thống chuẩn mực mới sẽ làm gia tăng thời gian và chi phí cho một cuộc kiểm toán. Cụ thể là chi phí kiểm toán tăng trung bình 9,6% đối với khách hàng nhỏ và vừa, 1,9% đối với các khách hàng lớn, chi phí kiểm toán năm đầu tiên tăng 13,9% đối với khách hàng nhỏ và vừa, 5% với khách hàng lớn. Ảnh hưởng cụ thể lên các công ty kiểm toán khác nhau cũng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào qui trình kiểm toán mà các công ty đã thực hiện trước đó như thế nào. Đối với những công ty kiểm toán nhỏ, chưa thực hiện đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán, kiểm soát chất lượng, thì sự thay đổi sẽ rất đáng kể.
Ở Việt Nam hiện nay, các KTV và công ty kiểm toán vẫn đang sử dụng hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam được ban hành từ năm 1999 đến 2004. Các chuẩn mực này đều được xây dựng dựa trên hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế cũ, ban hành trước năm 2005, do vậy không còn phù hợp với nội dung và kết cấu của hệ thống các chuẩn mực kiểm toán quốc tế mới. Được sự ủy quyền của Bộ tài chính, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã thành lập ban nghiên cứu, cập nhật hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, gồm các chuyên gia từ văn phòng VACPA, Bộ Tài chính, các công ty kiểm toán và các trường đại học. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam sẽ được cập nhật, bổ sung phù hợp với sự thay đổi của hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam mới sẽ là văn bản pháp lý quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động nghề nghiệp của các công ty kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán và tạo ra sự thừa nhận của quốc tế đối với hoạt động nghề nghiệp kiểm toán Việt Nam.
Theo Tạp chí kế toán