Kiến thức Tài chính kế toán Chuẩn bị nhân lực cho tái cơ cấu kinh tế

Chuẩn bị nhân lực cho tái cơ cấu kinh tế

78
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam“Phải có một nhóm chính sách và một khoảng ngân sách Nhà nước nhất định cùng với sự tham gia của xã hội để chuẩn bị cho một nguồn nhân lực 10 năm tới đi vào tái cơ cấu nền kinh tế.”

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ quan điểm khi nói về vấn đề nguồn nhân lực trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế.

Đọc Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ thấy đề án chưa đề cập rõ nét đến nguồn nhân lực. Bà đánh giá thế nào về vị trí của nguồn nhân lực trong tái cơ cấu nền kinh tế?

Nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng tham gia vào đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Đại hội Đảng vừa rồi cũng đã đề ra một trong ba đột phá trong 10 năm tới đột phá về nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một nền kinh tế tái cơ cấu để phát triển theo chiều sâu và tăng trưởng bền vững, phải có yếu tố nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng vấn đề này chưa được đề cập đầy đủ, đúng mức trong báo cáo về tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo đánh giá của tôi, một yếu tố liên quan tới nguồn nhân lực trong đề án bỏ qua còn là nguồn nhân lực có tay nghề.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của chúng ta hiện nay còn ở mức độ thấp, trên 30%. Chúng ta đang hướng tới đến năm 2020 sẽ có khoảng 55% lao động trong tổng số khoảng 50 triệu lao động có tay nghề, có chất lượng bước vào nền kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi trong tái cơ cấu phải xây dựng kế hoạch rất bài bản mới có thể triển khai được đội ngũ này.

Theo một báo cáo của VCCI, do quá trình đào tạo, chất lượng chưa cao nên doanh nghiệp khi nhận lao động vào phải đào tạo lại, tiền đào tạo chiếm tới 6-7% chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Rõ ràng, đây cũng là sự lãng phí, nếu lao động được đào tạo rất bài bản, có chất lượng, thì cái chi phí đó doanh nghiệp không tốn lần thứ hai. Đây là yếu tố chúng ta phải xem xét thêm trong quá trình chuẩn bị cho đề án tái cơ cấu mà hiện nay Quốc hội đang trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến cho Chính phủ.

Đó là về nguồn nhân lực có tay nghề, còn lao động nông nghiệp, nông thôn thì sao, thưa bà?

Một chủ đề đáng quan tâm là hiện nay chúng ta có một tỷ lệ lao động nông nghiệp khá cao. Bước vào năm 2020, mức độ lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 20%, điều này đồng nghĩa sẽ có hàng chục triệu lao động từ nông thôn bước vào khu vực công nghiệp và dịch vụ. Nếu họ chỉ bước vào với 1 trình độ chưa qua đào tạo một cách vững bền, họ sẽ là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất.

Quá trình vừa qua chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nhóm dễ bị tổn thương nhất là nhóm lao động nông thôn và phổ thông, đình công cũng xuất phát từ nhóm lao động này. Nếu có sự chuẩn bị từ ngân sách Nhà nước, về đạo tạo nghề… thì sẽ giảm sự tổn thương cho nhóm lao động này trong quá trình dịch chuyển cũng như bài toán tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Do đó, tôi đề nghị vấn đề này cần được xem xét một cách đầy đủ, đúng mức hơn. Phải có một nhóm chính sách và phải có một khoản ngân sách Nhà nước nhất định cùng với sự tham gia của xã hội để chuẩn bị cho một nguồn nhân lực 10 năm tới đi vào tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó phải đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động phổ thông và lao động nông thôn.

Cũng liên quan tới người lao động, có ý kiến cho rằng thang bảng lương chúng ta đang áp dụng đã lỗi thời, cần phải cơ cấu lại?

Hiện tại đang có hai luồng ý kiến về thang bảng lương trong khu vực doanh nghiệp khi chúng tôi soạn thảo Bộ Luật lao động sửa đổi.

Ý kiến thứ nhất là có nên còn tồn tại thang bảng lương trong Bộ Luật lao động hay không? Hai là việc đó nên giao lại cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tự quyết định.

Một thực tế cho thấy, dù chúng ta có đưa ra quy định thang bảng lương, có đưa ra việc nộp thang bảng lương đó cho cơ quan quản lý Nhà nước thì cũng không quản lý được, không ai kiểm soát.

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa bao giờ thanh tra, kiểm tra xem thử thang bảng lương này được doanh nghiệp thực thi như thế nào? Vì vậy có thể nói tính hiệu quả của nó trong thực tiễn là không cao.

Thực tế này cũng có tổ chức quốc tế kiến nghị Việt Nam nên bỏ quy định thang bảng lương ngay trong Bộ Luật lao động sửa đổi lần này và nên giao lại cho doanh nghiệp quyết định trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động, với tổ chức đại diện người lao động. Điều này đòi hỏi hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp phải mạnh lên, giúp cho thỏa thuận giữa người lao động với chủ sử dụng về thang bảng lương tại doanh nghiệp của mình.

Qua quá trình thảo luận này, chúng tôi đã chọn một giải pháp dung hòa là vẫn tồn tại mức độ đăng ký và việc đăng ký đó phải có hướng dẫn việc thành lập thang bảng lương trong các doanh nghiệp như thế nào trong nghị định. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải thanh kiểm tra, nơi nào phát hiện phải thổi còi, xử lý để đảm bảo cho quy định thang bảng lương đó có thể đi vào tư tưởng được.

Còn ý kiến của riêng bà?

Về lâu dài tôi vẫn nghĩ thang bảng lương sẽ không tồn tại trong Bộ Luật lao động khi chúng ta tiếp tục sửa đổi lần sau và nên giao lại cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Khi đó chủ sử dụng lao động sẽ cùng với tổ chức người lao động thảo luận, bàn bạc với nhau về thang bảng lương nhằm giải quyết được quyền lợi thiết thực của người lao động. Còn giờ đây tôi cũng chưa dám đặt niềm tin với cơ quan quản lý có thể thanh tra, kiểm tra một cách mạnh mẽ đối với vấn đề này.

Cái thỏa thuận đó sẽ là thỏa thuận về thang bảng lương. Nhà nước vẫn can thiệp vào dựa trên Bộ luật lao động quy định bằng việc công bố tiền lương tối thiểu, tức là doanh nghiệp không được trả lương cho lao động thấp hơn lương tối thiểu. Nếu chúng ta có được lương tối thiểu ngành thì lương cũng không được thấp hơn lương tối thiểu ngành. Định kỳ Nhà nước phải công bố mức lương bình quân trong xã hội, lương trong các khu vực và lương trong một số ngành nghề để người lao động căn cứ vào đó để thỏa thuận lý hợp đồng với doanh nghiệp.

– Xin cảm ơn bà!

Theo Dân Trí

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không