Sự phát triển của doanh nghiệp song hành cùng quá trình minh bạch hoá quản trị công ty đang là mối quan tâm của nhiều nhà quản lý và nhà đầu tư. Chúng tôi phỏng vấn Doanh nhân – bà Hà Thị Thu Thanh xung quanh vấn đề này:
PV: Thưa bà, có ý kiến cho rằng cần phải minh bạch thì sự phát triển của doanh nghiệp sẽ vững chắc hơn. Liệu các báo cáo tài chính đã được các công ty kiểm toán độc lập xác nhận là đã bảo đảm sự minh bạch?
Thực ra, tính minh bạch (transparency) nói chung không chỉ giới hạn trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Nói đến tính minh bạch, người ta thường nói đến quản trị công ty (corporate governance), trong đó thể hiện ý chí lãnh đạo của doanh nghiệp. Bắt đầu từ việc xây dựng các hệ thống qui chế hoạt động và qui chế quản lý của doanh nghiệp rồi đến phân cấp quyền hạn, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo doanh nghiệp, đến việc thực hiện và triển khai hệ thống quản lý và kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp theo một qui trình công khai… Trong đó, hệ thống kế toán, tài chính và kiểm toán độc lập là công cụ quan trọng để thực hiện việc minh bạch hệ thống đó.
PV: Trong đầu tư cũng như hoạt động kinh doanh bao giờ cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Tính minh bạch trong quản trị sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong quản lý rủi ro như thế nào?
Một hệ thống quản trị công ty tốt bao giờ cũng có các chính sách quản lý rủi ro thích hợp, ví dụ chính sách phân định quyền và trách nhiệm trong các quyết định đầu tư, các quyết định kinh doanh. Khi công khai hoá các chính sách này cùng với hệ thống báo cáo và giám sát định kỳ, doanh nghiệp sẽ có thể ngăn ngừa các sai sót và gian lận, đồng thời nhận biết và xử lý các rủi ro tiềm tàng khác trong hoạt động kinh doanh. Tôi cho rằng, một nền quản trị minh bạch là tài sản quý giá của doanh nghiệp.
PV: Tại sao lại có thể coi sự minh bạch là tài sản, thưa bà?
Nếu doanh nghiệp có một hệ thống quản công ty trị tốt, công khai minh bạch, cùng với qui trình công bố thông tin kịp thời sẽ làm tăng niềm tin của các đối tác đối với doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các công ty đại chúng và các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp đã tạo được niềm tin đối với công chúng đầu tư, các nhà đầu tư, ngân hàng, các đối tác kinh doanh. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư, tìm kiếm đối tác kinh doanh, vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn; mặt khác cũng nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, có thể nói rằng sự minh bạch của doanh nghiệp chính là một trong những cơ sở đặc biệt quan trọng của phát triển bền vững, làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp.
PV: Bà có cho rằng trong nền kinh tế theo xu thế hội nhập có tính toàn cầu như hiện nay, muốn phát triển doanh nghiệp rất cần có sự minh bạch?
Chắc chắn là như vậy. Tôi cho rằng tính minh bạch trong quản trị công ty là đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn để phát triển, có nhu cầu hợp tác với các đối tác quốc tế, các công ty niêm yết, các công ty đại chúng. Không minh bạch, khó tạo niềm tin với các đối tác làm ăn. Không minh bạch, các cổ đông và các nhà đầu tư sẽ không tin tưởng vào doanh nghiệp trong việc quản lý đồng vốn của họ, ngân hàng sẽ khó quyết định cho vay… Nói tóm lại, muốn phát triển mạnh và bền vững, doanh nghiệp phải tôn trọng tính minh bạch.
PV: Như vậy, trách nhiệm của kiểm toán độc lập đối với tính minh bạch trong môi trường kinh doanh là rất lớn?
Chúng tôi rất hiểu điều đó. Hệ thống pháp lý của Nhà nước cũng đã và đang điều chỉnh các hoạt động của các kiểm toán viên hành nghề và các công ty kiểm toán độc lập hướng tới điều đó. Các công ty kiểm toán và tư vấn như chúng tôi luôn trợ giúp để hướng doanh nghiệp đến nền tảng quản trị công ty minh bạch, không chỉ trong phạm vị quản lý tài chính – kế toán, chúng tôi cũng tư vấn cho các doanh nghiệp về tổ chức và tái cấu trúc công tác quản trị nội bộ theo thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị công ty và phù hợp với qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, thông qua quá trình kiểm toán, chúng tôi đưa ra các khuyến nghị về quản trị công ty cũng như hệ thống quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời các tồn tại của doanh nghiệp.
Theo Nhà quản lý
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông