Trước đây, nói đến kế toán người ta nghĩ đến đúng định nghĩa của nó, đó là xác định, ghi chép, tổng hợp và trình bày thông tin tài chính cho người sử dụng. Có nghĩa là nhấn mạnh nhiều hơn đến đầu vào của thông tin tài chinh và quá trình xử lý thông tin. Yếu tố người thụ hưởng thông tin chỉ chiếm một phần khiêm tốn. Tuy nhiên, khái niệm Financial Reporting có ý nghĩa bao hàm hơn, tôn vinh hơn vai trò của người làm công tác kế toán. Cán cân nghiêng hơn về việc trình bày thông tin tài chính như thế nào để đảm bảo lợi ích cao hơn của các đối tượng sử dụng thông tin (báo cáo tài chính) được lập ra từ kết quả của công việc kế toán.
IAS đứng trên một khía cạnh nào đó mang tính nguyên tắc “giá gốc” nhiều hơn. Cùng với sự chuyển đổi qua IFRS, nguyên tắc “giá trị hợp lý” được đề cập đến nhiều hơn. Mọi hoạt động trên thế giới hiện nay đều có những biến chuyển mạnh mẽ, khiến cho nguyên tắc giá gốc nhiều khi không còn phù hợp. Sự gia tăng mạnh của các công cụ tài chính, nhất là công cụ phái sinh, việc đầu tư nhiều vào các lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ thông tin thay đổi từng phút… khiến cho giá gốc các tài sản, công nợ… quá xa so với giá trị thực tế tại thời điểm xem xét. IAS cũng có đề cập đến vấn đề nguyên tắc giá trị hợp lý trong một số chuẩn mực, tuy nhiên vẫn còn chưa đủ, gặp phải nhiều vấn đề chưa giải quyết được, không đồng bộ và khó tư duy trong bối cảnh khái niệm- “giá gốc” đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều thế hệ đi trước và lâu năm trong nghề tài chính, kế toán nhất là trong tư tưởng kế hoạch hóa.
Cùng với việc ra đời IFRS, đó là sự thay đổi về cơ chế quy định của từng quốc gia về các chuẩn mực cần tuân thủ. Trước đây, các nước thường có các quy định riêng của mình, gọi là nguyên tắc kế toán được chấp nhận (GAAP), ví dụ Canada có Canada GAAP, nước Mỹ có US GAAP. Các nước cộng đồng chung Châu Âu cũng có những quy định chuẩn mực của nước mình và đi theo IAS đối với các công ty được niêm yết. Có hai khó khăn lớn mà ai cũng có thế nhìn thấy, đó là:
(1) Đối với các công ty được thành lập tại nước này nhưng lại niêm yết tại nước khác: ví dụ khi công ty A thành lập tại EU và tuân thủ IAS khi lập BCTC nhưng khi công ty đó niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ thì việc đầu tiên là phải chuyển đổi sang Báo cáo tài chính theo chuẩn mực US GAAP. Hãy nhớ rằng sự khác biệt không phải là nhỏ giữa hai hệ thống chuẩn mực này, và sự khác biệt đó đã làm ảnh hưởng đến các công ty trong việc bỏ thời gian và chi phí để chuyển đổi báo cáo tài chính, kiểm toán theo báo cáo mới…, và xa hơn nữa, chính là sự hao tổn nguồn lực để nhận thức được của toàn xã hội.
(2) Tương tự như vậy đối với các công ty có công ty mẹ ở nước này nhưng các công ty thành viên (công ty con) ở nước khác, việc hợp nhất báo cáo tài chính theo chuẩn mực của công ty mẹ cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, do các công ty con ở các nước khác với công ty mẹ và áp dụng chuẩn mực kế toán khác.
Việc chuyển sang một chuẩn mực chung hiển nhiên đã tạo điều kiện rất nhiều cho những người lập và đọc báo cáo tài chính được viết theo một ngôn ngữ chung cho toàn cầu. Đồng thời tăng tính minh bạch thông tin cho người sử dụng, từ đó hỗ trợ người sử dụng trong quá trình ra quyết định, tránh được những yếu tố bất lợi gây ra do hạn chế trong việc đọc hiểu thông tin tài chính.
Theo khảo sát của Ủy ban kế toán quốc tế của IFAC cuối năm 2007, việc áp dụng IFRS cũng làm thay đổi tư duy và thái độ của Ban giám đốc. Khảo sát cho thấy ở nhều doanh nghiệp trước đây, Ban giám đốc không dành nhiều thời gian cho việc đọc hiểu báo cáo, cũng không thực sự hỗ trợ cho các bộ phận tài chính trong việc hoàn thành báo cáo tài chính đúng hạn.
Việc chuyển đổi từ IAS sang IFRS khiến các Giám đốc cảm thấy có trách nhiệm cao hơn, dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu IFRS, cũng vì lẽ đó chất lượng, tính chính xác, tính hợp lý cùa thông tin được nâng lên.
Một yếu tố sâu hơn đó là sự thay đổi từ Tiêu điểm hòa hợp sang Tiêu điểm Hội tụ. Nếu như trước đây người ta nói rằng làm sao để Chuẩn mực kế toán áp dụng ở nước A có thể hòa hợp được với nước B và nước C. Điều đấy có nghĩa là vẫn có nhiều sự khác biệt và chúng ta cố gắng dung hòa. Nói một cách hình tượng hơn, đó là sự cố gắng đưa các các hệ thống chuẩn mực kế toán của các nước chạy song song với nhau. Với IFRS, đó là một sự cố gắng để các chuẩn mực giữa các nước tiến gần đến với nhau hơn theo một thông lệ chung, và đến một ngày nào đó các đường thẳng sẽ gặp nhau tại một điểm.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng không hoàn toàn thuận lợi. Khảo sát của IFAC cho thấy cũng có khá nhiều ý kiến không đồng tính.
Để đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính, nguyên tắc giá trị hợp lý được đưa vào thành yếu tố chủ đạo. Tuy nhên, có rất nhiều trường hợp mà thị trường hoạt động là không thể có được, và giá trị hợp lý khi đó trở thành một sự ước lượng thiếu cơ sở, do đó mục tiêu có được thông tin đáng tin cậy đã không đạt được.
Mặc dù có nhiều lớp đào tạo, hội thảo về chuyển đổi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tự làm được theo các quy định mới. Lựa chọn của họ là thuê các công ty kiểm toán hoặc các công ty làm dịch vụ kế toán giúp đỡ. Tuy nhiên ngay cả các công ty kiểm toán lớn đặt tại các nước nhỏ, đôi khi cũng còn phải cần đến sự viện trợ từ công ty mẹ trong việc diễn giải các chuẩn mực. Và như vậy mong muốn có được tính nhất quán đã làm giảm tốc độ cung cấp thông tin tài chính.
Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Do doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng lại một hệ thống thu thập, xử lý và trình bày thông tin tài chính. Đó là việc đào tạo lại cho nhân viên, chuyển đổi lại hệ thống báo cáo, xây dựng lại các quy trình, thay đổi hệ thống phần mềm. Đối với các doanh nghiệp lớn áp dụng những phần mềm như ORRACLE, SAP thì xây dựng lại một phần mềm này tiêu tốn hàng triệu đô la. Đối với những doanh nghiệp nhỏ hơn, sử dụng phần mềm tầm trung như HASSAWORLD thì cũng phải dao động từ trăm ngàn đến triệu đôla.
Đó là sự đánh đổi giữa việc sử dụng một hệ thống ổn định mặc dù có thể hơi lỗi thời nhưng ban quản lý có nhiều thời gian dành cho vận hành doanh nghiệp hơn, tạo ra nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp. Và bên kia là ban giám đốc dành nhiều thời gian hơn cho sự cập nhật thường xuyên theo sự biến động của thế giới. Đối với nhiều doanh nghiệp chi phí cơ hội để theo cái mới là quá lớn so với lợi ích mà cá nhân doanh nghiệp đó thu đươc.
Nhiều người cho rằng, chuẩn mực IFRS quá phức tạp và rất khó hiểu. Đối với những người sử dụng báo cáo tài chính (Nhất là những người không có hoặc có ít kiến thức về kế toán) thì việc lấy thông tin tài chính từ đây để hỗ trợ cho mục đích ra quyết định thực sự bị hạn chế. Sự phức tạp trong việc trình bày báo cáo tài chính, với mục đích làm cho báo cáo minh bạch hơn đã không làm được.
Mặc dù còn có những thông tin không thực sự đồng tình với việc chuyển đổi từ IAS sang IFRS, nhưng thực sự việc áp dụng đang có những yếu tổ chuyển mình rất khả quan. Tất nhiên sẽ còn là chặng đường dài để IFRS được nồng nhiệt đón chào và thực hiện ở nước đã, đang và sẽ áp dụng./.
Theo Tạp chí Kiểm toán