Kiến thức Con người Làm sao tránh thật xa các đố kỵ nơi công sở?

Làm sao tránh thật xa các đố kỵ nơi công sở?

7
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamCông sở được ví như một cái nhà, chỉ khác cái nhà ấy to hơn, rộng hơn và có nhiều chuyện để bàn luận hơn. Việc cạnh tranh, đố kỵ nhau là điều không thể tránh khỏi khi bước chân vào đây, những ai từng là “nạn nhân” của hệ lụy này đều vướng vào tình trạng mệt mỏi, chán nản, mất hứng trong công việc.

Đủ các loại cạnh tranh

Hầu như ở văn phòng nào, từ cấp quản lý đến nhân viên đều có chuyện… để nói.

“Quản lý mệt cấp quản lý, chứ sung sướng gì”, chị Quỳnh Hoa, marketing manager công ty bất động sản (Q.1) nói như than. Dưới trướng của chị là 10 nhân viên, nhưng chia bè cánh đến 2, 3 phe. Chỉ một việc dàn xếp trật tự ổn thỏa của các phe đã khiến chị nhức đầu. Trong khi công việc cuối năm cần tăng tốc để chốt hợp đồng, thu tiền dự án, thì chị lại phải nghe những bản trình tấu thưa tội của nhân viên. Cách duy nhất để chị yên ổn với xóm nhà lá này là áp dụng doanh số, không thì cắt thưởng, trừ lương.

Chia sẻ sự cố gặp phải đồng nghiệp “dữ” khi bước chân vào làm công ty mới, chị Thu Thủy, kế toán công ty Cao su Việt Nam (Q.3) kể, chẳng hiểu vì lý do gì, một đồng nghiệp nữ rất ghét mình. Cô ta thường xuyên lôi những lỗi trời ơi ra để “đấu tranh tâm lý” với chị. Đỉnh điểm là người này đã lên phòng Tổ chức nhân sự mách chị đi làm không đúng giờ, gây mất đoàn kết trong công ty. Chị Thủy không có ý định sẽ hai mặt một lời vì như thế sẽ làm cho tình hình rối ren thêm. Cách chị đối phó là… nhịn, ai nói gì mặc kệ, nhưng quả thật, chị như quả bom nổ chậm không biết sẽ “bùm” lúc nào.

Tình trạng ma cũ ganh tỵ ma mới đã không còn là chuyện lạ. Nhưng ngay cả các ma cũ cũng sẵn sàng tỵ hiềm lẫn nhau khi có những xung đột nhỏ không giải quyết được. Chị Lệ Hà có thâm niên làm trong nghề chứng khoán được 5 năm, nhưng bản thân chị vẫn bị áp lực cạnh tranh từ phía đồng nghiệp.

Những chuyện như tranh giành khách hàng của nhau, can thiệp vào “đất” của người này người kia, kỹ năng chăm sóc khách hàng…, luôn là những xung đột xảy ra giữa chị và nhiều đồng nghiệp. Không dừng lại ở đó, họ còn móc cạnh, nói xấu, nhằm hạ gục đối phương nhanh chóng. Chị Hà phải nghỉ việc và chuyển công tác, thậm chí là chuyển hẳn sang một ngành nghề khác để… đổi gió.

Tỵ hiềm là ung nhọt

Tình trạng cạnh tranh, nói xấu, châm chích nhau xảy ra phần lớn ở các công ty nhà nước và tư nhân, riêng công ty nước ngoài thì ít bộc lộ ra bên ngoài hơn. Chị Thanh Thảo, nhân viên marketing công ty PR nước ngoài (Q.1) cho biết: “Công việc của tôi rất bận rộn, thời gian để nghỉ ngơi giải lao giữa giờ đôi khi không có, áp lực công việc rất lớn nên mọi người nếu không chia sẻ cùng nhau sẽ rất khó hoàn thành tốt. Nếu có, sự cạnh tranh ở đây được hiểu ngầm là mọi người cùng phấn đấu với nhau trong công việc, ai giỏi sẽ ghi điểm, sẽ vượt trội, và chứng tỏ năng lực. Với những người giỏi, có năng lực, bản thân họ không sợ ganh gét, tỵ hiềm”, chị Thanh Thảo khẳng định.

Tuy nhiên, dù muốn dù không, tình trạng nói xấu vẫn diễn ra hàng ngày và trở thành món ăn không thể thiếu trong thực đơn ở công sở. Dù món ăn ấy không hề ngọt ngào nhưng nhiều người vẫn thấy hấp dẫn, vẫn muốn nhảy vào cuộc làm mồi cho các cuộc nói chuyện. Bất cứ cuộc cạnh tranh nào cũng có ích nếu đó là cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích chung. Nhưng khi nhuốm sang màu vụ lợi thì nó biến thành nỗi ám ảnh với nhiều người.

Không có gì mệt mỏi bằng cách ngày qua ngày chịu đựng những cơn đấu trí, xì xầm của đồng nghiệp. Cảm giác bị đánh bật ra khỏi “cộng đồng” khiến nhiều người mất hứng trong công việc, giảm năng suất lao động và dần hình thành suy nghĩ tiêu cực. Đã có trường hợp xảy ra xô xát, dùng vũ lực để nói chuyện với nhau như trường hợp của chị An Thu, làm ở một công ty tư vấn du học (Q.3). Sau trận chiến, cả hai đối thủ đều bị sếp cho “lên đường”.

Để hòa hợp nhau dưới một mái nhà là điều không phải không làm được. Làm sao để khi sống chung, mọi người cùng chia sẻ và tìm thấy niềm vui trong công việc. Thậm chí, chốn công sở còn được xem là ngôi nhà thứ hai để họ cùng giải tỏa những bức bách, tâm sự về gia đình, chồng con, nội ngoại. Khi ấy, sự tỵ hiềm sẽ chào thua trước đoàn kết.

Cách tránh xa đố kỵ nơi công sở

Hạn chế tham gia vào các cuộc trò chuyện vô bổ, trà dư tửu hậu, phê phán người khác.

Tập trung vào chuyên môn, chính năng lực trong công việc sẽ khiến đồng nghiệp phải nể phục bạn.

Tuyệt đối không nói xấu đồng nghiệp, đây là điều tối kỵ vì nó dễ dẫn đến những rạn nứt đáng tiếc, chưa kể mọi người cũng sẽ nhìn bạn với ánh mắt khác khi tự dưng bạn có một “kẻ thù”.

Niềm nở, tươi cười với mọi người. Sự hòa nhã, thanh lịch bao giờ cũng mang đến những mối thân thiện, cởi mở.

Giúp đỡ đồng nghiệp. Những sẻ chia nho nhỏ như lấy giúp cây viết, nhường đi thang máy, tìm kiếm tài liệu, soạn thảo văn bản… của bạn thường để lại ấn tượng tốt, thậm chí là sự biết ơn ở đồng nghiệp.

Theo Bách hợp , Gia Đình Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không