Ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Ban Công nghệ của ngân hàng BIDV nói vậy trong trao đổi với phóng viên Báo BĐVN.
Tạo môi trường làm việc hấp dẫn
Đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng quốc doanh BIDV có 110 chi nhánh, hơn 500 phòng giao dịch với tổng số đội ngũ nhân lực CNTT lên tới gần 700 người. Tuy nhiên theo ông Đặng Mạnh Phổ, tình hình nhân sự CNTT ở các vị trí trong những năm gần đây không có nhiều thay đổi, biến động, góp phần lớn vào sự hoạt động ổn định cho ngân hàng.
Trao đổi về “bí quyết” đó, ông Phổ cho rằng điều đầu tiên là người tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn. Ông nhấn mạnh, những người làm công việc kĩ thuật CNTT luôn muốn có những cái mới, thách thức mới chứ không phải với những công việc nhàn rỗi. Nếu nhàn quá, cũng rất dễ có thể khiến họ đưa ra quyết định bỏ đi tìm công việc mới. Chính vì vậy, những người làm công tác quản lý, điều hành tại BIDV chúng tôi luôn phải tạo ra một môi trường làm việc với rất nhiều thách thức thông qua từng dự án cụ thể, để qua đó mỗi người đều có cơ hội thử sức.
Ngoài ra, chúng tôi luôn tạo cho nhân viên CNTT cảm thấy có sự an toàn, không có nhiều sự phức tạp về quan hệ xã hội ngay trong cơ quan để có thể yên tâm tập trung vào công việc chuyên môn. Qua nhiều năm, ngân hàng BIDV đã làm khá tốt được điều đó. Ông Phổ cho biết, như trong trường hợp phải đàm phán hợp đồng, chúng tôi luôn dùng người hiểu biết về kinh doanh chứ không bao giờ đề nghị một nhân viên làm kĩ thuật, lập trình phải tham gia. Họ sẽ không phải đương đầu với những câu chuyện như phải thanh toán ra sao, lãi lỗ bao nhiêu %… như nhiều nơi khác.
Không “ép” cam kết chuyện đi – ở
Bên cạnh các chương trình, hoạt động đào tạo chính thức do BIDV tự tổ chức, theo các dự án được sự hỗ trợ của Nhà nước… cho cả nhân viên mới và nhân viên đã làm việc lâu năm, BIDV luôn tạo điều kiện khuyến khích tự học. Theo chế độ tài chính của ngân hàng BIDV, mỗi người đi học sẽ được hỗ trợ về học phí tùy theo mức độ khác nhau và tùy theo kết quả học tập đạt được theo nguyên tắc: nếu tự học những ngành nghề phù hợp với công việc và có thể khai thác, phát triển trong thời gian sắp tới thì sẽ được khuyến khích.
Kể lại những ngày đầu tiên cách đây vài năm, do chưa có quy định rõ ràng nên ngân hàng mới chỉ nêu chung chung là sẽ “hỗ trợ một phần kinh phí” cho những người tự học. Ông Phổ cho biết, trong khi chính sách hỗ trợ cho người tự học chưa được rõ ràng, ông đã đề nghị Ban lãnh đạo hỗ trợ quyết định chi 50% kinh phí, vì theo ông, nếu là “hỗ trợ một phần” thì… một phần hai sẽ là cao nhất.
Chính vì thế, hiện nay đội ngũ nhân lực dù mới vào làm việc hoặc đã có kinh nghiệm lâu năm của BIDV cũng luôn được đầu tư đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thông qua các khóa ngắn và dài hạn, trong đó Ban Công nghệ có số người tự học khá cao. Đặc biệt, không như nhiều doanh nghiệp khác nhân viên luôn phải cam kết sẽ quay về làm việc sau khi được đào tạo. Ông Phổ cũng nhấn mạnh: “Hiểu rõ việc nhân viên có tiếp tục ở lại làm việc cho ngân hàng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ lương thưởng, môi trường làm việc…, chính vì vậy lãnh đạo BIDV không bao giờ ép buộc nhân viên phải ký cam kết”.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo BĐVN, ông Phổ còn cho rằng yếu tố đưa ra được nhận xét, đánh giá cho đúng năng lực, trình độ của từng nhân sự là vô cùng quan trọng. Trong thực tế công việc, câu chuyện ở đây không phải là đánh giá để người làm CNTT sẽ được hưởng quyền lợi gì, mà là nhằm mục đích nhận biết đúng về năng lực của họ, từ đó bố trí các công việc phù hợp.
Theo ICT News