Giới thiệu:
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTc ngày 06/11/2009 hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính.
Thông tư 210 có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế Việt Nam với thế giới và nâng cao tính minh bạch của BCTC. Nó cũng minh chứng cho cam kết của Việt Nam từng bước tiến tới áp dụng tất cả các chuẩn mực kế toán quốc tế. Cả người sử dụng và người lập BCTC sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện Thông tư 120, mặc dù người lập BCTC gặp nhiều thách thức và khó khăn trong giai đoạn đầu.
Tính đến thời điểm thông tư này được ban hành, các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) về công cụ tài chính gồm có: IAS 32- Công cụ tài chính: Trình bày; IAS 39 – Công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị; Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) số 7 – Công cụ tài chính: Thuyết minh. Ba chuẩn mực này (gọi chung là các IAS về công cụ tài chính) được coi là nằm trong nhóm các chuẩn mực khó, phức tạp và có ảnh hưởng sâu rộng nhất tới các đơn vị trong việc lập và trình bày BCTC. Còn tại Việt Nam thì chưa có các chuẩn mực này. Thông tư 210 ra đời, nhưng mới chỉ bao gồm IAS 32 và IFRS 7, mà chưa có IAS 39 (dự kiến, trong tương lai gần sẽ được ban hành).
Thông tư 210 được áp dụng cho tất cả các đơn vị thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế tại Việt Nam có các giao dịch liên quan đến công cụ tài chính. Do công cụ tài chính là định nghĩa rộng, bao trùm nhiều loại hình tài sản và nợ phải trả tài chính nên việc áp dụng các chuẩn mực sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng.
IAS 32 – Công cụ tài chính: Trình bày
Mục đích của IAS 32 là hướng dẫn các nguyên tắc trong việc trình bày các công cụ tài chính trên BCTC.
Phân loại:
IAS 32 yêu cầu tổ chức phát hành các công cụ tài chính phải phân loại công cụ đó là nợ phải trả tài chính hoặc công cụ vốn chủ sở hữu phù hợp với bản chất và định nghĩa của nợ phải trả tài chính và công cụ vốn chủ sở hữu. Ví dụ, cổ phiếu ưu đãi phải được tổ chức phát hành trình bày là nợ phải trả khi công cụ này có nghĩa vụ theo hợp đồng trả tiền cho người nắm giữ công cụ.
Các công cụ tài chính không phải là công cụ vốn chủ sở hữu được tổ chức phát hành trình bày là nợ phải trả, dẫn tới giảm vốn chủ sở hữu và lợi nhuận, cũng như có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hệ số đòn bẩy và cơ cấu vốn. “Cổ tức” trả cho công cụ được phân loại là nợ phải trả được ghi nhận là chi phí lãi.
Trình bày:
Một số công cụ tài chính có cả thành phần nợ phải trả và thành phần vốn chủ sở hữu, ví dụ như trái phiếu chuyển đổi. Giá trị ghi sổ ban đầu của công cụ tài chính phức hợp này được phân bổ cho thành phần nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Phần vốn chủ sở hữu (quyền chuyển đổi thành cổ phiếu) thường được xác định là giá trị còn lại của công cụ tài chính sau khi trừ đi giá trị hợp lý của phần nợ phải trả.
Yêu cầu này của IAS 32 không phải dễ thực hiện, do doanh nghiệp phát hành sẽ phải xác định giá trị hợp lý của nợ phải trả không có quyền chọn chuyển đổi. Đồng thời, xem xét các điều khoản chuyển đổi để xác định xem liệu quyền chuyển đổi sẽ được hạch toán vào vốn chủ sở hữu hay là công cụ phái sinh. Ví dụ, các doanh nghiệp tại Việt Nam phát hành trái phiếu chuyển đổi với điều khoản được tất toán nghĩa vụ bằng cách chuyển chúng thành một số lượng thay đổi cổ phiếu, tuỳ thuộc vào giá trị thị trường của cổ phiếu, sẽ được coi là nợ phải trả tài chính toàn bộ, mà không có cấu phần vốn chủ sở hữu.
Tại Việt Nam, các quy định và chế độ kế toán hiện hành đã bước đầu có các hướng dẫn về việc phân loại công cụ tài chính, cũng như về trình bày công cụ tài chính phức tạp. Tuy nhiên, quy định hiện hành còn chưa chi tiết và chưa có các nguyên tắc bao trùm các tình huống có thể phát sinh thực tế.
Do các yêu cầu này của IAS 32 và để đảm bảo cơ cấu vốn và kết quả kinh doanh, doanh nghiệp nên xem xét tất cả các điều khoản của các công cụ tài chính đã phát hành và đưa ra những hành động kịp thời như mua lại công cụ, thay đổi các điều khoản để qua đó giảm hoặc triệt tiêu các ảnh hưởng không đáng có.
IFRS 7- Công cụ tài chính: Thuyết minh
Mục đích của IFRS 7 nhằm hướng dẫn thuyết minh về công cụ tài chính để giúp cho người sử dụng BCTC đánh giá ảnh hưởng của công cụ tài chính đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đánh giá bản chất, phạm vi và cách thức quản trị các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính của chính doanh nghiệp. Chuẩn mực này được ban hành dựa một phần vào Chuẩn mực IAS 30 dành cho ngân hàng mà Bộ Tài chính đã ban hành. Tuy nhiên, IFRS 7 bổ sung nhiều yêu cầu bắt buộc phải trình bày thông tin, như thông tin định tính và định lượng liên quan đến rủi ro thị trường. Hơn nữa, chuẩn mực này áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức, doanh nghiệp có nắm giữ các công cụ tài chính, chứ không chỉ các tổ chức tín dụng.
Thuyết minh về giá trị hợp lý:
Doanh nghiệp phải thuyết minh giá trị hợp lý của những tài sản và nợ phải trả tài chính để có thể so sánh với giá trị ghi sổ, cùng với thông tin về các phương pháp xác định giá trị hợp lý. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nhiều đơn vị ở Việt Nam do phần lớn khoản mục hiện ghi sổ theo giá gốc và việc xác định giá trị hợp lý trong nhiều trường hợp không đơn giản và có thể phải dùng tới các mô hình tính toán.
Thuyết minh định tính và định lượng
Đối với mỗi loại rủi ro phát sinh từ các công cụ tài chính, doanh nghiệp phải thuyết minh các thông tin về số liệu, mức độ và cách thức phát sinh rủi ro, các mục tiêu, chính sách, quy trình quản lý rủi ro và phương pháp sử dụng để đo lường rủi ro.
Các doanh nghiệp cũng sẽ phải xác định mức độ ảnh hưởng đến kinh doanh khi nhiều thông tin quản lý rủi ro được sử dụng nội bộ bởi Ban giám đốc thì nay phải thuyết trình ra bên ngoài.
Thuyết minh về rủi ro tín dụng
Sẽ có nhiều thông tin phải trình bày, trong đó có những nội dung không đơn giản trong việc lấy dữ liệu, như ước tính về giá trị hợp lý của tài sản đảm bảo nắm giữ bởi doanh nghiệp đối với tài sản tài chính đã quá hạn hoặc giảm giá.
Thuyết minh về rủi ro thanh khoản
Doanh nghiệp phải phân tích thời gian đáo hạn còn lại dựa theo hợp đồng của các khoản nợ phải trả tài chính. Đối với nhiều ngân hàng, việc quản lý thanh khoản được dựa nhiều hơn trên thông tin về luồng tiền ước tính. Do đó, thông tin về đáo hạn theo hợp đồng có thể đưa ra bức tranh xấu hơn trên thực tế. Vì vậy, doanh nghiệp nên cân nhắc giải thích bổ sung trong những trường hợp như vậy.
Thuyết minh về rủi ro thị trường
Doanh nghiệp phải thuyết minh và phân tích độ nhạy cảm đối với mỗi loại rủi ro thị trường (như lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán) tại ngày báo cáo, chỉ rõ mức độ ảnh hưởng tới kết quả của doanh nghiệp bởi thay đổi hợp lý trong các biến số rủi ro liên quan có khả năng tồn tại tại ngày báo cáo.
Doanh nghiệp nên khảo sát xem hệ thống kế toán hiện tại đáp ứng được đến đâu yêu cầu thông tin và nếu cầu thiết sẽ phải có giải pháp thay thế, ví dụ như xây dựng mô hình định lượng phân tích độ nhạy cảm hoặc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro phù hợp để xác định ảnh hưởng của rủi ro. Việc xác định mức độ thay đổi hợp lý cũng không đơn giản và cần các ước tính và cách tiếp cận nhất định.
Đề xuất các giải pháp :
Thời gian không còn nhiều cho việc chuẩn bị áp dụng:
Mặc dù Thông tư 210 được áp dụng từ năm 2011 trở đi, nhưng thời gian còn lại để chuẩn bị cho việc áp dụng Thông tư này là không nhiều. Lý do chính bao gồm:
– Nội dung các chuẩn mực phức tạp, không chỉ đơn thuần bộ phận tài chính kế toán của doanh nghiệp có thể thực hiện được, mà trong nhiều trường hợp, sẽ phải có sự chuẩn bị đầu đủ về hệ thống công nghệ thông tin, quy trình nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu… để cung cấp thông tin.
– Một trong những yêu cầu cơ bản trong chuẩn mực chung của Hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam là tính có thể so sánh được của các thông tin giữa các kỳ kế toán. Do đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc lập số liệu so sánh cho ít nhất một năm. Ví dụ, đối với BCTC đầu tiên lập theo yêu cầu của Thông tư 210 cho năm 2011, số liệu so sánh được lập theo Thông tư 210 là cho năm 2010. Đối với các doanh nghiệp đã niêm yết và lập BCTC giữa niên độ hàng quý, số liệu so sánh có thể là quý I/2010 cho kỳ báo cáo đầu tiên kết thúc một năm sau đó.
Các đơn vị nên cân nhắc thực hiện các giải pháp sau:
– Đánh giá ảnh hưởng của các chuẩn mực này, lên kế hoạch thực hiện, tìm giải pháp tương ứng và triển khai.
– Xây dựng chương trình, thay đổi hệ thống công nghệ thông tin, quy trình và nghiệp vụ phục vụ cho thu nhập và chiết xuất dữ liệu.
– Đào tạo nhân viên
– Thông báo sớm về ảnh hưởng của các chuẩn mực này cho các bên có lợi ích trong doanh nghiệp (như HĐQT, Ban điều hành, các cổ đông, tổ chức phân tích đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước). Đồng thời, đưa ra các hành động mà doanh nghiệp sẽ tiến hành để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, cũng như chiến lược quản lý rủi ro và mục tiêu, lý do nắm giữ các công cụ tài chính.
Trong việc thực hiện các giải pháp trên, doanh nghiệp có thể dùng nguồn lực nội bộ hoặc thuê bên ngoài. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với kiểm toán viên để đảm bảo quá trình chuẩn bị được suôn sẻ.
Theo ĐTCK
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông