Đừng đi sâu vào đời tư người khác
Bạn vô tình đề cập đến chuyện riêng tư cá nhân của một đồng nghiệp mà không nghĩ rằng điều đó có thể khiến họ cảm thấy bị xúc phạm. Những câu thăm hỏi cá nhân của bạn có thể khiến một đồng nghiệp hay tự ái cho rằng họ đang bị bới móc, chọc ngoáy.
Nếu thấy đồng nghiệp hững hờ, lảng tránh sự quan tâm thái quá của bạn, hãy tự hiểu rằng nên dừng ngay việc chọc ngoáy vào những chuyện riêng của họ. Họ đang tự ái với kiểu nhiệt tình của bạn đấy.
Tránh khoe khoang chuyện nhà
Bạn đang ngất ngây trong hạnh phúc vì có một ông chồng tuyệt vời, kiếm ra tiền và đã “chắc ăn” vì vừa sinh quý tử. Bạn đến cơ quan và ầm ĩ khoe khoang về chuyện đó. Bạn quên mất rằng cô đồng nghiệp cưới chồng đã 5 năm mà chưa có con, chị trưởng phòng vừa ly hôn, anh cùng phòng đã có 3 con gái,…
Chuyện nhà dù có hay đến mấy thì cũng chỉ nên “thưởng thức” ở nhà thôi, hạn chế khoe khoang ở cơ quan kẻo chạm đến lòng tự ái của đồng nghiệp.
Đừng tìm mọi cách để “kiếm công” với sếp
Bạn phát hiện sai sót trong công việc đồng nghiệp vừa làm, bạn mách ngay lỗi đó với sếp, ngay trước mặt những đồng nghiệp khác. Thật không có hành động nào tệ hơn thế. Không những bạn đã làm cho đồng nghiệp tự ái mà bạn còn đang đánh mất sự yêu quý của những người khác, thậm chí cả của sếp. Rõ ràng không ai thích kẻ hay hớt lẻo.
Đừng quá thân thiết
Nếu đồng nghiệp của bạn là một người dễ tự ái, hay giận dỗi vô cớ, hẳn cô ấy sẽ thường xuyên khiến bạn thấy khó xử và khó chịu. Vậy thì hà cớ gì phải quá thân thiết với họ. Hãy giữ một mối quan hệ đồng nghiệp thuần tuý thôi, để tránh những rắc rối không cần thiết.
Theo dantri