Kiến thức Tài chính kế toán So sánh Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Quốc tế –...

So sánh Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Quốc tế – Phần 2

8683

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam        Hiện tại, Bộ Tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam. Về cơ bản các chuẩn mực đã đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn trong quá trình lập báo cáo tài chính. Tuy nhiên, với xu thế đầu tư nước ngoài gia tăng trong điều kiện hội nhập, các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở tại Việt Nam thường yêu cầu các chi nhánh hoặc công ty con tại Việt Nam trình bày Báo cáo tài chính phù hợp với Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRSs).

I/ IAS 7 và VAS 24 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

1) Khái niệm “tương đương tiền” 

        IAS/VAS: Là các khoản đầu tư ngắn hạn, có tính thanh khoản cao (không quá 3 tháng), có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro về thay đổi giá trị. 

        IAS: Thông thường không bao gồm các khoản đầu tư 

        VAS: Không đề cập vấn đề này.

2) Các khoản thấu chi được trình bày trong khoản mục tiền cho mục đích trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ 

        IAS: Bao gồm các khoản thấu chi nếu các khoản thấu chi này là một bộ phận không thể tách rời của các khoản tiền của doanh nghiệp. 

        VAS: Không đề cập vấn đề này. Thông thường, các khoản tiền và tương đương tiền không bao gồm các khoản thấu chi khi trình bày Báo cáo tài chính theo các Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

3) Phân loại các luồng tiền 

        IAS: Các khoản tiền lãi và cổ tức thu được và đã trả có thể được phân loại là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư hoặc tài chính nếu chúng nhất quán với việc phân loại từ kỳ kế toán trước. 

        VAS: Có hướng dẫn chi tiết về việc phân loại các khoản tiền lãi và cổ tức thu được và đã trả cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, và các tổ chức phi tín dụng, phi tài chính.

4) Tỷ giá hối đoái được sử dụng trong các giao dịch bằng ngoại tệ 

        IAS: Sử dụng tỷ giá tại ngày lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Có thể xử dụng tỷ giá trung bình xấp xỉ bằng tỷ giá thực tế. 

        VAS: Sử dụng tỷ giá hối đoái tại thời điểm phát sinh giao dịch.

5) Các luồng tiền của các công ty liên doanh, liên kết 

        IAS: khi hạch toán một khoản đầu tư vào các công ty liên kết hoặc công ty con sử dụng phương pháp giá gốc hoặc phương pháp vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư chỉ trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ các dòng tiền phát sinh giữa bên đầu tư và bên được đầu tư. Trường hợp liên doanh: áp dụng hợp nhất theo tỷ lệ – bao gồm phần các luông tiền thuộc về bên liên doanh. 

        VAS: Không đề cập vấn đề này và không có hướng dẫn về báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

II/ IAS 8 và VAS 29 – Chính sách kế toán, thay đổi ước tính kế toán và các sai sót

1) Lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán 

        IAS: Các chuẩn mực của IASB và các hướng dẫn có xem xét đến các hướng dẫn thực hiện khác của IASB; 

        Nếu không có Chuẩn mực hay hướng dẫn thì xem xét đến các yêu cầu và các hướng dẫn trong các chuẩn mực của IASB đối với các vấn đề tương tự và các khái niệm, tiêu chuẩn ghi nhận và các khái niệm xác định tài sản, nợ phải trả, thu nhập và chi phí trong các qui định chung cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính; và 

        Ban Giám đốc doanh nghiệp có thể xem xét đến các qui định của các tổ chức xây dựng chuẩn mực khác có cùng những qui định chung để xây dựng các chuẩn mực kế toán, khoa học kế toán và các thực hành được chấp nhận trong cùng ngành. 

        VAS: Chuẩn mực kế toán Việt Nam yêu cầu việc áp dụng các chuẩn mực kế toán, các văn bản hướng dẫn các chuẩn mực và các chính sách, chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành.

2) Thay đổi chính sách kế toán 

        IAS: Doanh nghiệp chỉ thay đổi chính sách kế toán nếu thay đổi là do:

  • Theo yêu cầu của một chuẩn mực hoặc một hướng dân; hoặc 
  • Việc thay đổi sẽ cung cấp các thông tin đáng tin cậy và phù hợp hơn về ảnh hưởng của các giao dịch, các sự kiện hoặc điều kiện về tình hình tài chính, tình hình hoạt động hoặc các luồng tiền của doanh nghiệp.

        VAS: Trong thực tế, các doanh nghiệp cần có sự phê duyệt của Bộ Tài chính trong trường hợp áp dụng các chính sách kế toán khác so với các chuẩn mực.

III/ IAS 10 và VAS 32 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm

1) Mục đích 

        IAS/VAS: Mục đích của chuẩn mực này là qui định và hướng dẫn:

  • Các trường hợp doanh nghiệp phải điều chỉnh báo cáo tài chính, các nguyên tắc và phương pháp điều chỉnh báo cáo tài chính khi có những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm; và
  • Giải trình về ngày phát hành báo cáo tài chính và các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

2) Ghi nhận và xác định 

        IAS/VAS:

  • Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh: Doanh nghiệp cần phải điều chỉnh các số liệu đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính để phản ánh các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh.
  • Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh: Doanh nghiệp không phải điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong báo cáo tài chính về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh; 
  • Cổ tức: Nếu cổ tức được đề xuất hoặc được công bố sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, doanh nghiệp không phải ghi nhận các khoản cổ tức này như là các khoản nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm nhưng phải thuyết minh về sự kiện này. 
  • Hoạt động liên tục: Doanh nghiệp sẽ không lập báo cáo tài chính dựa trên cơ sở hoạt động liên tục nếu các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cho thấy giả định về hoạt động liên tục của doanh nghiệp không thích hợp.

IV/ IAS 11 và VAS 15 – Hợp đồng xây dựng

1) Khoản lỗ có thể dự đoán được 

        IAS: Nếu tổng chi phí của hợp đồng xây dựng có thể vượt quá tổng doanh thu của hợp đồng thì khoản lỗ dự tính cần được ghi nhận ngay. 

        VAS: Không đề cập vấn đề này.

2) Trích trước chi phí sửa chữa và bảo hành thi công 

        IAS: Không đề cầp vấn đề này. 

        VAS: Việc trích trước chi phí sửa chữa và bảo hành công trình được thực hiện theo từng lần ghi nhận doanh thu hợp đồng xây dựng hoặc tại thời điểm kết thúc năm tài chính.

V/ IAS 12 và VAS 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

1) Mục đích 

        IAS/VAS: Mục đích của chuẩn mực này là qui định và hướng dẫn các phương pháp kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Nguyên tắc cơ bản là kế toán những nghiệp vụ do ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm hiện hành và trong tương lai của:

  • Việc thu hồi và thanh toán trong tương lai giá trị ghi sổ của các khoản mục tài sản hoặc nợ phải trả đã được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp
  • Các giao dịch và sự kiện khác trong năm hiện tại đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính.

2) Ghi nhận thuế thu nhập hiện hành phải nộp và tài sản thuế thu nhập hiện hành 

        IAS/VAS: Thuế thu nhập hiện hành của kỳ hiện tại và các kỳ trước, nếu chưa nộp, phải được ghi nhận là nợ phải trả. Nếu giá trị phải nộp trong kỳ hiện tại và các kỳ trước vượt quá số phải nộp cho các kỳ đó, thì phần giá trị nộp thừa sẽ được ghi nhận là tài sản.

3) Ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả và tài sản thuế thu nhập hoãn lại 

        IAS/VAS: Thuế thu nhập hoãn lại phải trả được ghi nhận cho tất cả các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế, trừ trường hợp:

  • Thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ ghi nhận ban đầu của lợi thế thương mại; 
  • Ghi nhận ban đầu của một tài sản hay nợ phải trả của một giao dịch mà giao dịch này không phải trong quá trình hợp nhất doanh nghiệp và không có ảnh hưởng đến lợi nhuận kế toán hoặc lợi nhuận tính thuế thu nhập tại thời điểm phát sinh giao dịch. 
  • Các chênh lệch liên quan đến các khoản đầu tư vào công ty con, chi nhánh, công ty liên kết và và lợi tức từ các công ty liên doanh (ví dụ: phát sinh từ lợi nhuận chưa phân phối), do công ty có thể kiểm soát được thời gian hoàn nhập của các khoản chênh lệch, việc hoàn nhập có thể không xảy ra trong tương lai gần và lợi nhuận chịu thuế sẽ bù đắp cho các chênh lệch này.

4) Xác định giá trị 

        IAS/VAS: Thuế thu nhập hiện hành phải nộp (hoặc tài sản thuế thu nhập hiện hành) cho năm hiện hành và các năm trước được xác định bằng giá trị dự kiến phải nộp cho (hoặc thu hồi từ) cơ quan thuế, sử dụng các mức thuế suất (và các luật thuế) có hiệu lực tại ngày kết thúc niên độ kế toán. 

        Tài sản thuế thu nhập hoãn lại và thuế thu nhập hoãn lại phải trả cần được xác định theo thuế suất dự tính sẽ áp dụng cho năm tài sản được thu hồi hay nợ phải trả được thanh toán, dựa trên các mức thuế suất (và các luật thuế) có hiệu lực tại ngày kết thúc niên độ kế toán.

(Theo VACPA / Deloitte Vietnam)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không