Kiến thức Tuyển dụng Khi quản lý nhân sự lâm vào cảnh : ” Vào mười,...

Khi quản lý nhân sự lâm vào cảnh : ” Vào mười, ra một “

2
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamSự lệch pha giữa cung và cầu khiến thiếu hụt nguồn nhân lực cấp cao đang gây khó khăn không chỉ cho mỗi doanh nghiệp (DN) mà ảnh hưởng tới cả cơ cấu kinh tế.

Suy thoái dây chuyền

TS. Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Technocom tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Vincom, phản ánh: khó khăn lớn nhất khiến cả cộng đồng DN lên tiếng hiện nay là DN không thể tuyển được người giỏi, không thể tuyển được lao động có chất xám vì… không có để mà tuyển.

Mặc dù nhiều DN đã đưa ra mức lương sau thuế rất cao, cùng hàng loạt các ưu đãi, phúc lợi để chiêu dụ nhân tài song cũng không hẳn đã tìm được người.

TS. Hiệp tỏ mối lo ngại: cuộc khủng hoảng về nhân sự sẽ làm giảm tốc độ phát triển, hội nhập và khả năng cạnh tranh của DN Việt, rất có thể dẫn đến tình trạng suy thoái mang tính dây chuyền.

Thực tế hiện nay cho thấy, nguồn nhân sự cấp cao ngày càng thiếu trầm trọng. Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại 63.000 DN ở 36 tỉnh, thành phố trên cả nước, có tới 1/3 lãnh đạo các DN có trình độ học vấn dưới đại học.

Mỗi năm, Việt Nam có 1,2 triệu người đến tuổi lao động và được bổ sung vào lực lượng lao động. Các nhà tuyển dụng cho rằng, tuy lượng tăng, nhưng chất lượng lao động không tăng.

Đặc biệt thị trường nhân sự cấp cao đang đứng trước một nguy cơ khủng hoảng trầm trọng vì không đủ khả năng bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tham gia quản lý cũng mới chỉ đáp ứng khoảng gần 40% nhu cầu về lượng.

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2010, thành phố có 4,9 triệu lao động, chiếm 66,20% dân số.

Thời gian qua, số lượng lao động qua đào tạo liên tục tăng, từ 40% (năm 2005) lên 52% (năm 2009) rồi lên 58% trong năm 2010. Tuy có tăng, nhưng so với nhu cầu phát triển thực tế thì nguồn lao động chất lượng cao vẫn còn hạn chế, cơ cấu nhân lực còn bất hợp lý, chưa có sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Ông Đặng Đức Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết, hiện nay, rất nhiều lĩnh vực đang thiếu lao động chất lượng cao, như: kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo…

Theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: “Hiện nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành bất động sản đang ngày càng gia tăng. tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Sinh viên ra trường thiếu khả năng thích nghi và ít sáng tạo trong công việc, còn nhiều sinh viên làm việc trái ngành”.

Sẽ trầm trọng hơn

Ông Tan Teck Yong Ricky, Chủ tịch Tập đoàn Kinder World, nhận xét:

“Nhiều DN Việt Nam đã bỏ qua việc hoạch định phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Đa phần rơi vào tình thế bị động: chỉ tuyển người khi cần”.

Lý giải tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao, ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, nhấn mạnh đến nguyên nhân vấn đề đào tạo và sử dụng lao động bị “lệch pha”, giữa các trung tâm đào tạo nhân lực và nơi sử dụng nhân lực chưa có sự tương thích hoàn toàn.

Độ chênh giữa nhà trường và DN còn khá lớn, đồng thời DN cũng chưa có chiến lược, kế hoạch dài hạn về nhu cầu nhân lực của mình, chưa thật sự chủ động tham gia, góp sức vào quá trình đào tạo nhân lực.

Không chỉ thiếu hụt số lượng mà còn xảy ra nhiều bất hợp lý trong vấn đề nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM:

“Công tác đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường.Thêm vào đó, TP.HCM hiện đang rất thiếu thông tin về cung cầu lao động và công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Do vậy, cung cầu trên thị trường chưa giao nhau, dẫn đến DN thiếu nhân công còn người lao động lại không tìm được việc làm. Dự báo, trong những năm tới, tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao sẽ càng trầm trọng hơn”.

Về giải pháp dành cho DN, ông Hiếu đề xuất mỗi DN, tùy theo quy mô và hoạt động, cần xây dựng chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với việc tái cấu trúc nhân sự hợp lý để tạo lợi thế cạnh tranh. DN cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp đặt hàng nguồn nhân lực từ các trường đại học.

Không những thế, DN cũng phải bàn bạc, góp ý để phát triển mạnh kỹ năng thực hành cho sinh viên nhằm đáp ứng sát nhu cầu thực tế. Đồng thời, DN phải có chiến lược về nhân sự có chất lượng để phát triển nguồn nhân lực dài hạn.

Điều này đòi hỏi DN phải xây dựng thương hiệu tốt, tập trung cho công tác tuyển dụng và bố trí công việc để phát huy hết khả năng của người lao động; phối hợp với các trường đào tạo theo yêu cầu cộng với tạo dựng môi trường làm việc thân thiện để giữ chân người tài.

Theo doanhnhansaigon.vn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không