Sau 20 năm đổi mới kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7% mỗi năm, bộ mặt đất nước đã thay đổi đáng kể, đại bộ phận người dân đã có cơm ăn áo mặc, có khả năng giải quyết những nhu cầu căn bản của cuộc sống. Nhưng mặt trái của sự phát triển là tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội cũng ngày càng trầm trọng và gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm về kinh tế xã hội.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong 10 năm qua, Việt Nam đã chuyển dần từ mức tương đối bình đẳng (2002) sang mức chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa các nhóm dân cư.
Khoảng cách giàu-nghèo ngày càng rộng
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trong báo cáo “Giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập” vừa công bố, số người Việt Nam có tài sản từ 1 triệu đô la Mỹ (khoảng 20 tỉ đồng Việt Nam) trở lên đang tăng mạnh, năm 2011 tăng tới 33% so với năm 2010. Các số liệu chính thức của thị trường chứng khoán cũng ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2011 có đến 170 người sở hữu cổ phiếu có giá trị trên 20 tỉ đồng, trong đó có hơn 100 người có tài sản chứng khoán vượt mức 40 tỉ đồng và 2 người có tài sản chứng khoán vượt mức 2.000 tỉ đồng.
“Đây là một dấu hiệu đáng mừng và rất đáng khích lệ sau 20 năm đổi mới”, CIEM nhận định.
Nhưng cơ hội không chia đều cho mọi người. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2011 cả nước vẫn còn 1 triệu hộ gia đình nghèo, chiếm 20% tổng dân số. Hộ nghèo được xác định là hộ gia đình có thu nhập dưới mức 400.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và dưới mức 500.000 đồng/người/tháng ở khu vực đô thị. Nếu so với giá cả những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu thì mức thu nhập này quả là “khó sống”.
Nếu việc xã hội có thêm nhiều triệu phú là “dấu hiệu đáng mừng và đáng khích lệ” thì ngược lại, tình trạng nghèo khó của một bộ phận khá lớn trong dân cư là điều đau lòng, trăn trở của mọi người. Chưa kể rằng, chính tình trạng nghèo khó cùng cực là nguồn gốc sinh ra nhiều tệ nạn đủ loại, có nguy cơ gây mất ổn định xã hội và đe dọa sự bình an của mỗi công dân.
Khoảng cách giữa các vùng miền cũng ngày càng rộng
Sự phân hóa về thu nhập còn được thể hiện rõ trong mức thu nhập bình quân giữa các địa phương trong nước, giữa các tỉnh thuần nông, tỉnh miền núi hải đảo với các trung tâm đô thị.
CIEM dẫn số liệu của chính quyền các địa phương cho thấy năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của thủ đô Hà Nội là 1.850 đô la Mỹ, tương đương 37 triệu đồng/người/năm; TPHCM khoảng 3.000 đô la Mỹ, còn Cần Thơ khoảng 2.350 đô la Mỹ.
Trong khi đó thu nhập bình quân năm 2011 của người dân Nam Định chỉ bằng một nửa so với Hà Nội, khoảng 19,2 triệu đồng/người/năm; các tỉnh vùng sâu còn khó khăn hơn: Bắc Cạn là 14,6 triệu đồng/người/năm, Quảng Ngãi chưa đến 9 triệu đồng, còn Hà Giang chưa tới 6 triệu đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế và xã hội học, chính sự chênh lệch về thu nhập giữa các vùng miền là nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị, từ vùng khó khăn sang vùng thuận lợi hơn, từ đó gây áp lực quá tải lên cơ sở hạ tầng đô thị của vùng này và gây xáo trộn xã hội ở vùng khác.
Để ổn định và phát triển, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các quốc gia là rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo, tạo dựng công bằng trong xã hội, trong đó có sự công bằng về cơ hội, công bằng về thu nhập. Điều đó càng có ý nghĩa ở Việt Nam – một đất nước theo thể chế chính trị cộng hòa xã hội chủ nghĩa, “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, như lời của Hồ Chủ tịch lúc sinh thời.
Nhưng làm thế nào để thu hẹp giàu-nghèo, kiến tạo sự bình đẳng giữa người và người trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… là một bài toán khó, không chỉ đặt ra cho những nhà lãnh đạo đất nước mà cho mọi công dân, cho mỗi người quan tâm tới hiện tình đất nước.
Theo TBKTSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông