Hầu hết người làm marketing đều ưa chuộng quảng cáo hiển thị vì hình thức này trực quan sinh động, gần gũi với Marketing truyền thống hơn.
Quảng cáo tìm kiếm sẽ trỗi dậy trong năm nay.
Mỗi giây trôi qua chúng ta lại mất đi hàng ngàn cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng. Phải hiện diện liên tục 24/7/365 trên Google và khi tung ra sản phẩm hay thông điệp mới thì chỉ cần đẩy mạnh truyền thông hơn, thay vì cứ vài tháng lại chạy quảng cáo truyền hình hay báo chí một lần, đứt đoạn”. Lời chia sẻ của một nhà quản lý tại một tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới cho thấy tầm quan trọng của chiến lược tiếp thị trực tuyến bài bản, trong đó quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo hiển thị và truyền thông xã hội mang đến cho doanh nghiệp cơ hội kết nối liên tục với người tiêu dùng.
Quảng cáo hiển thị được ưa chuộng
Quảng cáo hiển thị là kênh tiếp thị trực tuyến đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đang phát triển mạnh mẽ. Theo hãng nghiên cứu truyền thông Kantar Media, chi tiêu cho loại hình này tại Việt Nam vào khoảng 26,3 triệu USD trong giai đoạn 4.2010-3.2011. Hầu hết người làm marketing đều ưa chuộng hình thức này vì chỉ cần vào duyệt website là có thể thấy quảng cáo của mình. Hình thức này cũng trực quan sinh động, gần gũi với Marketing truyền thống hơn. Tuy nhiên, để có thể chạy liên tục thì đòi hỏi một kinh phí khá lớn và mẫu quảng cáo cũng cần thay đổi để tránh gây nhàm chán cho người dùng. Do vậy quảng cáo hiển thị hiện nay vẫn chủ yếu chạy theo từng chiến dịch. Tâm lý thường thấy là thương hiệu nào cũng muốn quảng cáo của mình xuất hiện ở trang chủ của các website lớn nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống quảng cáo phải đổi mới nhiều hơn, cho phép thay đổi và tối ưu thông điệp marketing qua nhiều phiên bản quảng cáo khác nhau, chứ không chỉ là “thay banner một tuần một lần” như hiện nay. Hiện nay ở Việt Nam có 2 hệ thống cho phép thực hiện điều này đó là Mạng quảng cáo Innity và Mạng quảng cáo Hiển thị của Google (GDN), nhưng so về độ phủ cũng như thị hiếu khách hàng thì vẫn còn thua kém các website như VnExpress hay 24h. GDN đang được nhiều thương hiệu trên thế giới triển khai theo hình thức Always-On vì hệ thống cho phép khách hàng tùy biến ra nhiều bản khác nhau từ một phiên bản quảng cáo gốc, giúp tiết kiệm chi phí thiết kế đồng thời linh hoạt trong việc truyền tải thông điệp đến từng đối tượng mục tiêu.
Tại sao là truyền thông xã hội?
Tuy chưa được đầu tư mạnh bằng quảng cáo hiển thị nhưng truyền thông xã hội (Social Media) đã tạo ra một sức hút mạnh mẽ đối với các thương hiệu. Social Media đang chiếm vị trí gần như mặc định trong một chiến dịch Online Marketing với ngân sách không hề khiêm tốn. Một chiến dịch thông thường sẽ bao gồm các thành phần: Đăng bài viết và tạo lan truyền trên các diễn đàn; xây dựng cộng đồng trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Zing Me và sử dụng các blogger có sức ảnh hưởng trên mạng để tạo ra môi trường bàn luận tương tác và có tính tin cậy cao.
Đây là một sự kết nối giữa thương hiệu và khách hàng, một cuộc trò chuyện, là sự tác hợp giữa xây dựng thương hiệu và phát triển cộng đồng. Xây dựng cộng đồng online cũng như trồng cây, không ai chặt cây chỉ sau một mùa thu hoạch, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Truyền thông Ringier Việt Nam, đã ví von như vậy. Nhưng thực tế là rất nhiều chiến dịch hiện nay chỉ chạy vài tháng. Hãy tưởng tượng bạn nói chuyện với ai đó và mối quan hệ giữa đôi bên đang tốt đẹp, nhưng bỗng dưng một trong hai người biến mất, để lại người kia bơ vơ… Đây không phải là một cuộc trò chuyện một chiều trong đó bạn luôn nói về mình, mà còn phải biết lắng nghe.
The Coffee Bean Việt Nam là một trong những thành công điển hình trong việc xây dựng cộng đồng rất thành công trên Facebook. Hãng cập nhật rất nhiều thông tin khuyến mãi hấp dẫn, hình ảnh cửa hàng mới, sự kiện giao lưu âm nhạc hàng tuần, các món ăn mới trên Facebook, tạo ra mật độ tương tác rất lớn giữa các khách hàng. Những phản hồi của khách hàng về chất lượng các món ăn mới và chất lượng dịch vụ đã giúp The Coffee Bean Việt Nam không ngừng cải thiện năng lực. Tiêu chí đánh giá thành công của cộng đồng không chỉ dựa trên số lượng thành viên mà quan trọng là bạn làm gì với những thành viên này, tỉ lệ tương tác ra sao, mỗi khi bạn cập nhật thông tin thì có bao nhiêu người hưởng ứng…
Quảng cáo tìm kiếm: Google là tất yếu
Và bây giờ, hãy nói về Google. Nếu để ý kỹ thói quen sử dụng internet mỗi ngày, bạn sẽ thấy Google đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống. Điểm khác biệt lớn nhất giữa quảng cáo Google và truyền hình là bạn có khả năng nhắm đến những đối tượng đang chủ động tìm kiếm giải pháp và sản phẩm mà bạn đang cung cấp, đồng thời bạn có thể thay đổi gần như tức thời thông điệp quảng cáo.
Trong năm 2012, ngân sách Online Marketing dự báo sẽ tăng do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp sẽ tìm đến nhưng phương thức mới và ít tốn kém hơn. Quảng cáo hiển thị và truyền thông xã hội sẽ tiếp tục là những kênh hấp dẫn nhưng quảng cáo tìm kiếm sẽ dần xác lập được vị thế. Quảng cáo trên nền tảng di động cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn với sự phổ biến của các dòng điện thoại thông minh như iPhone, điện thoại chạy trên hệ điều hành Android…
Theo Nhip cau dau tu
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông